Lịch sử sẽ nói gì về sự khốn khó của quốc gia do dân lười biếng?
VOV.VN -Những lời bàn tán trên mạng sẽ không vương vào trang sử ngày mai nhưng sự khốn khó của quốc gia do dân lười biếng thì có.
1. Sau phóng sự về việc nhầm Quang Trung- Nguyễn Huệ là bố con, anh em hay bạn cùng chiến đấu, người ta bàn luận nhiều về lịch sử và cách dạy- học lịch sử trong nhà trường.
Câu hỏi phổ biến trong tâm bão tranh luận: Lịch sử là gì?
Hẳn nhiên, lịch sử là các cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, là những người hùng xuất thế giúp nước, giúp dân. Và, lập luận phổ biến: lịch sử là những trận đánh, là những vinh quang chói ngời của những chiến thắng, của những con người hoàn thành sứ mệnh vinh quang với dân tộc được người dân đời đời nhớ tên.
Nhưng, lịch sử không chỉ có thế. Có trận chiến nào không có mất mát, đau thương? Có trận chiến nào không có những tử sĩ ngã xuống, không có những gia đình li tán?
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn về đêm |
Nếu ai đã từng tới nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 (mỗi nghĩa trang quy tụ khoảng trên dưới 1 vạn liệt sĩ), hay tham gia tưởng niệm ở vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK.. họ sẽ thấy lịch sử khốc liệt đến thế nào.
Đặc biệt, những hàng bia trắng vô danh bạt ngàn hay biển đêm đen thẳm với những cành cúc tưởng nhớ khiến lịch sử hiển hiện rõ hơn bao giờ hết. Những người hùng không thể một mình cầm bánh lái định mệnh của cả dân tộc, mà chính những người nằm dưới tấm bia mộ vô danh hay dưới đáy biển sâu kia đã sát cánh để làm lên lịch sử. Và lịch sử không chỉ là vị ngọt chiến thắng mà còn là vị đắng cay, chua chát của những mất mát, hi sinh. Lịch sử được xây thành giản đơn như thế, từ những con người “sống và chết, giản dị và bình tâm” như thế.
2. Lịch sử một dân tộc cũng không thể chỉ là lịch sử của những cuộc trường chinh. Lịch sử còn được dựng bởi những thân phận bình dị trong những tháng ngày thanh bình không đọng một dòng trong sử sách. Lịch sử do những con người sống, yêu nhau và sinh con đẻ cái tạo thành. Họ tiếp nhận, cải tiến và trao truyền những phương thức sinh tồn, phát triển của ông cha. Họ lưu giữ những phong tục tập quán của cộng đồng. Họ giao lưu, tiếp biến văn hóa với nước ngoài và hun đúc thêm những giá trị trường cửu của dân tộc để người sau tiếp bước. Cứ thế, lịch sử được trao truyền nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở.
Cũng vì vậy, lịch sử còn được viết tiếp ngay ngày hôm nay từ giọt mồ hôi của các ngư dân bám biển gìn giữ chủ quyền, trên những trang vở của các cô cậu học trò, trên bàn phím máy tính của những nhân viên công sở...
Tất cả chúng ta đều có bổn phận và sứ mệnh vinh quang với lịch sử. Từng cá thể làm tốt vai trò của mình, cộng đồng sẽ tốt. Từng người dân thu nạp kiến thức và cống hiến hết sức mình, đất nước sẽ phát triển. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử.
Nên, đừng nhìn vào những bia mộ vô danh mà khóc ròng rồi ngày mai về với công việc lại biếng lười; đừng rơi nước mắt ở Trường Sa rồi lại “rơi” nhân phẩm trong những cuộc chia chác lợi ích ma quỷ, đừng dưng dưng tự hào khi nhìn về những chiến thắng oai hùng của cha ông mà quên mất vai trò ghé vai đưa đất nước đi lên trong thời cuộc mới...
Và nữa, lịch sử không tĩnh mà lịch sử là động. “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Những lời bàn tán, hóng hớt trên mạng chắc cũng không vương vào trang sử ngày mai. Nhưng sự khốn khó của quốc gia do những người dân lười biếng thì có. Sử cũng sẽ không ghi về những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, nhưng sử sẽ nhớ về một thời quốc gia yếu kém với năng suất lao động thấp kỷ lục thế giới...
Và trong ngày đầu tuần, khi báo chí ngập tràn những hình ảnh về ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, nhìn hình những tấm bia mộ vô danh rồi nhìn cảnh chen lấn xô đẩy giành giật tiền tài, danh lợi, coi vật chất, sang giàu là thống soái, hay những chém gió vô tội vạ trên mạng và ở các nhà hàng, quán xá, có một nỗi buồn không hề nhẹ... Có gì đó rất không phải với những hy sinh, mất mát của tiền nhân.