Lời điếu của dân

VOV.VN -Lẽ thường của dân, hễ nhà bà con, hàng xóm có người từ biệt cõi đời thì sang thăm viếng

Chiều 12/10/2013, nắng hanh vàng trải dài theo từng con phố Hà Nội, tôi cùng đồng đội trong các dơn vị của Ủy ban Thống nhất Chính phủ lần từng bước chân đến Nhà tang lễ Quốc gia vào viếng Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Đoàn người từ phía Bắc theo đường Hàng Chuối xuống. Đoàn người phía Nam theo đường bờ sông Hồng lên, gặp nhau trước cánh cổng số 5 Trần Thánh Tông. Đông chưa từng có, nhưng vẫn trật tự, yên lặng. Vì ở trong kia Đại tướng của nhân dân đang thanh thản giấc ngàn thu.

Người dân xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội 



Nhiều người mang di ảnh của Đại tướng, có người mang theo bằng Tổ quốc ghi công, lồng di ảnh của liệt sỹ để thưa với Đại tướng là các chiến sỹ về đây đông đủ trong ngày tang lễ của thủ trưởng mình. Phía trước tôi là cựu chiến binh, thương binh cụt cả hai chân được đồng đội cõng trên lưng chầm chậm lần từng bước đến trước linh cữu Đại tướng. Các anh bật khóc.

Hai chị đi bên cạnh tôi, tuổi 65 từng là y tá, hộ lý ở chiến trường Trị Thiên Huế từ những năm 70 của thế kỷ trước. Các chị bảo ngày Bác Hồ mất, chúng tôi ở trong rừng Trường Sơn chỉ biết khóc thương. Nay Bác Giáp mất, chúng tôi cũng thương nhớ như Bác Hồ nên chúng tôi lặn lội từ ngoại thành vào đây để được chào vĩnh biệt Đại tướng như thủ trưởng trực tiếp của mình.

Đoàn chúng tôi bị cắt làm đôi để nhường cho cụ già ngoài 90 ngồi trên xe lăn được ba đứa cháu hộ tống. Cháu đẩy xe, cháu cầm chai nước, cháu quạt cho ông. Có người ái ngại bảo sức cụ yếu thế, sao không ở nhà xem ti vi, cụ bảo: tôi cũng định thế, nhưng sáng nay Truyền hình Trung ương có tường thuật đâu, mà tôi thì muốn nhìn tận mắt linh cữu của Đại tướng.

Chiều muộn, tôi về đến bến xe Lương Yên thì bắt gặp hai ông cháu đang xếp hàng chờ vào viếng. Ông tên là Đức ở Thanh Trì đưa cháu đang học tiểu học, cổ quàng khăn đỏ vào viếng Bác Giáp. Tôi thông báo cho hai ông cháu biết, thể theo nguyện vọng vủa nhân dân ban tổ chức sẽ kéo dài thời gian viếng qua đêm. Hai ông cháu cảm ơn rồi chầm chậm bước. Một nữ sinh viên tình nguyện áo xanh mang đến cho hai ông cháu chai nước mát tinh khiết.

Ông Đức kể: là cựu chiến binh, lăn lộn ở chiến trường nhiều rồi nên tôi thấu hiểu nổi gian truân của người lính và thấu hiểu niềm tin của người lính vào chỉ huy như thế nào, nhất là vào vị tư lệnh tối cao như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bây giờ tôi muốn con cháu phải biết chiến công của người lính. Tôi muốn cháu đích tôn tận mắt nhìn thấy người lính vĩ đại nhất và cùng là vị tướng tài danh của đất nước này. Tuổi ông chắc cũng trạc tuổi tôi. Tôi cũng có năm tháng ở chiến trường, có cháu đích tôn như ông, chỉ khác là tôi đã đến chào Đại tướng, còn ông thì mới bắt đầu xếp hàng. Dòng người cứ thế nối đuôi nhau trong luyến tiếc khôn nguôi vị anh hùng dân tộc.

Vài ba hôm trước thôi, tôi cũng đi chầm chậm trong dòng người từ trước cửa lăng Bác Hồ đến 30 Hoàng Diệu. Cánh cổng nhà Đại tướng vẫn như năm nào, cũ kỹ và dung dị qua màu thời gian. Thoạt đầu là trăm người, rồi ngàn người, rồi vạn người và sau một tuần cả triệu lượt người chầm chậm, nhẹ nhàng bước qua cánh cổng dân dã này vào viếng Võ Đại tướng và phân ưu cùng gia quyến.

Lẽ thường của dân là vậy, hễ nhà bà con, hàng xóm có người từ biệt cõi đời này thì bà con hàng xóm, lối phố chạy sang thăm hỏi, sẻ chia nỗi đau mất mát vô hạn của gia đình. Người dân coi Đại tướng vĩ đại cũng là người lính, cũng là người hàng xóm, hàng phố dung dị và thân quen. Không ái ngại nghi lễ cách xa, bà con tìm đến để sẻ chia, để ngưỡng mộ, để vĩnh biệt vị tướng tài ba của nhân dân, của lòng dân. Một nghĩa cử mà không một nhà tổ chức nào nghĩ đến. Thấu hiểu lòng dân, bà Đặng Bích Hà, người bạn đời của Đại tướng và gia đình đã mở cửa đón bà con xa gần đến thăm viếng.

Họ là những cựu chiến binh, từ hạ sỹ quan, sỹ quan đến trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thượng tướng Lê Khả Phiêu… Họ từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa ra. Họ từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên xuống. Ngày cuối tuần nhiều người từ thành phố mang tên Bác, từ Nam Bộ, mảnh đất thành đồng bay ra. Họ là những nhà nghiên cứu lịch sử, thầy giáo, nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa đến để trải nghiệm một lần nữa những gì đã biết về Đại tướng huyền thoại. Nhưng đã đến đây, đã đi theo hàng một, hàng hai, đã đi theo hàng dọc đường Hoàng Diệu, giữa Hoàng Thành Thăng Long thiêng liêng, sâu thẳm địa tầng lịch sử, mới hay có quá nhiều điều chưa biết.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi đoàn người kéo dài, phần đông là các cháu thanh, thiếu niên. Xếp hàng vào viếng Bác Giáp là thanh niên. Tình nguyện làm hàng rào xanh giữ gìn trật tự là thanh niên tình nguyện áo xanh thân thuộc. Đi đặt từng cành hoa cúc vàng đại đóa, vạn thọ vào tay những người đi viếng là thanh niên. Đi tặng những chiếc quạt nan, từng ổ bánh mỳ cho dân cũng là thanh niên. Đẩy xe lăn, dắt cụ già vào viếng Bác Giáp cũng là thanh niên.

Tôi hỏi chàng thanh niên trẻ măng, tay ôm bó hoa cúc vàng là cháu mua hay lấy hoa từ đâu? Cháu vừa chia hoa, vừa trả lời, mặc cho mồ hôi chảy ròng trên má: “Đây là hoa của những cô, những bà bán hoa tươi tặng cho mọi người vào viếng Bác Giáp. Nếu có thiếu thì chúng cháu mua thêm”.

Tôi hỏi người mẹ trẻ bế đứa con gái mới lên một đang lặng lẽ theo đoàn: sao không để cháu ở nhà nhờ ông bà trông? Người mẹ trẻ vỗ vỗ vai cháu bé, giọng nhẹ nhàng: Nhà cháu ở Thanh Xuân, gần đây thôi mà. Cháu muốn khi lớn lên con cháu hãnh diện là được theo mẹ vào viếng Cụ Giáp. Cháu muốn Cụ ban phúc đức cho con cháu.” À ra vậy trong lòng dân, Bác Giáp không chỉ là vị tướng tài ba, người ông, người cụ thân thuộc mà còn là vị thánh.

Có nhà báo phương Tây e ngại hỏi: lớp thanh niên này chắc rằng hiểu Tướng Giáp chưa nhiều mà xúc động, mà thương quý như vậy, liệu có phải là theo phong trào không? Thưa không. Bạn hãy đi theo dòng người này, bạn hãy ngắm nhìn ngôi nhà, căn phòng của tướng Giáp, và nếu được về quê Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình sẽ thấy vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20, của nhân loại dung dị biết nhường nào. Và bạn hãy đọc bài thơ bình dị mà lắng đọng của nhà thơ Triều Tiên khi Bác Hồ mất:
Bác ơi nhà Bác cũng nghèo

Quê hương của Bác như nhiều quê hương

Nhưng vì Bác rộng tình thương

Cho nên gió mới muôn phương tràn về.

Hãy đọc, hãy chiêm nghiệm sẽ hiểu thấu đáo tình cảm của lớp trẻ Việt Nam hôm nay với Bác Giáp. Cả một tuần qua, cho đến ngày đưa tiễn Bác Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ Quảng Bình đã cho thấy một hiện tượng lịch sử về lòng dân, về tuổi trẻ với Đại tướng nhân dân Võ Nguyên Giáp.

Hãy đọc trên báo Kinh tế nổi tiếng của nước Anh, vương quốc xứ sở sương mù xa xôi ra ngày 12/10/2013 viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Làm cách mạng, ông từng viết là tài tiên đoán. Không chỉ cần biết trước kẻ thù sẽ làm gì mà còn cần biết thế giới sẽ thay đổi ra sao. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông đã nhìn thấy trước tất cả, thật rõ ràng.” Thiên tài là đây. Tầm cao trí tuệ là đây. Lịch sử đã ghi lại. Nhân dân đã hiểu, thanh niên đã biết và giàu thêm lòng kính trọng, mến yêu vị Đại tướng của mình.

Hãy nghe: qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, cụ Tô Đình Cắm, dân tộc Tày, 91 tuổi, người đội viên Tuyên truyền Giải phóng quân đầu tiên từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của đại tướng, từng cùng Đại tướng ngủ rừng, gác chân lên nhau nay ở mãi Đạ Tẻ, Lâm Đồng, do tuổi già sức yếu không về Hà Nội tiễn biệt thủ trưởng được đã nhắn gửi: “Anh Văn ơi, vĩnh biệt nhé, nhớ tôi nhé, nhớ mình nhé, anh Văn ơi”.

Hãy nghe giọng hò sông nước trên dòng Kiến Giang để nhớ về Đại tướng. Ông ngày nào cũng đọc báo Quảng Bình, lúc nào cũng muốn biết tình hình quê nhà. Cho đến lúc không đọc được nữa ông nhờ thư ký tóm tắt cho nghe. Thấu hiểu lòng Đại tướng, chị em phục vụ đã mở băng bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” cho ông nghe. Ông yêu thích bài hát này và ông nghe… nghe cho đến phút cuối cùng…  từ giã cõi đời này, cho đến khi tiếng quê nhà thấm đẫm vào tâm khảm.

Từ khi hay tin Bác Giáp từ trần, bà con quê nhà ngày nào cũng sắm mâm cơm cúng, như cho người thân trong gia đình. Sinh thời, Bác thích ăn cơm với tép kho khế chua, trứng kho với thịt, hay bánh bèo Đồng Hới nổi tiếng. Mâm cơm cúng của Bác không hề thiếu.

Lạ kỳ thay, những ngày tang lễ có hai chị từ Tuyên Quang đi xe máy vào tận quê Lộc Thủy nấu cơm cúng cho Bác Giáp. Không chỉ có hai chị mà tất thảy bà con dân tộc Tuyên Quang đã về đây dâng cơm cho người con của núi rừng Việt Bắc, thủ đô gió ngàn một thời gian khó.

Lại một bất ngờ nữa, có một đoàn sinh viên của thành phố Hồ Chí Minh đi xe đạp 5 ngày đêm ròng qua 12 tỉnh, thành phố để kịp đến tiễn biệt đại tưởng. Qua mỗi tỉnh các em lấy một nắm đất. Món quà các em dâng lên mộ phần đại tướng trong giờ hạ huyệt là 12 nắm đất ấy.

Anh Nguyễn Văn Trãi, công dân trẻ danh dự của thành phố Hồ Chí Minh đã một lần gặp Bác Giáp vẫn nhớ như in lời Bác dạy: “Trước khi giữ một chức vụ nào đó, phải là một con người đúng nghĩa”. Nói như nhà văn Macxim Goocki: con Người viết hoa. Và như cha ông ta từng nói muốn làm quan trước hết phải biết làm người.

Có hai người khách du lịch của nước Ý tuổi 30 đổi ngày bay muộn hơn để được vào viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi một lẻ đơn giản: đến Hà Nội, Việt Nam, hai anh mới hiểu thêm rằng Đại tướng thiên tài Võ Nguyên Giáp thực sự là con người vì dân, vì nước.

Nhà văn Quân Đội Nguyễn Minh Châu có câu rất hay rằng: hãy đi đến tận cùng của Dân tộc sẽ gặp Nhân loại. Nơi tận cùng ấy là Đất nước, là Nhân dân, là cõi thiêng hồn cốt Dân tộc, là nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp, đã hóa thân.

Đến bây giờ tôi càng thấm thía dòng chữ trên vòng hoa của nhân dân Quảng Bình: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng của Nhân dân”./.

Hà Nội, 18h ngày 13/10/2013

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử trong lòng dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử trong lòng dân

VOV.VN -Đại tướng đã về với đất Mẹ, nhưng nhân cách và những cống hiến to lớn của người mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử trong lòng dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử trong lòng dân

VOV.VN -Đại tướng đã về với đất Mẹ, nhưng nhân cách và những cống hiến to lớn của người mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Tưởng niệm, cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tưởng niệm, cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN -Toàn thể chư tôn đức, tăng ni và phật tử đã thành kính dâng hương tưởng niệm

Tưởng niệm, cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tưởng niệm, cầu siêu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN -Toàn thể chư tôn đức, tăng ni và phật tử đã thành kính dâng hương tưởng niệm

Video: Lời cảm tạ của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Video: Lời cảm tạ của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi lời cảm ơn của gia đình tới tất cả cơ quan, đơn vị và nhân dân.

Video: Lời cảm tạ của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Video: Lời cảm tạ của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi lời cảm ơn của gia đình tới tất cả cơ quan, đơn vị và nhân dân.

Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà
Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà

VOV.VN -Suốt chiều dài khoảng 3km từ Quốc lộ 1 vào khu an táng, người dân đứng chật kín, mong được vào vĩnh biệt Đại tướng.

Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà

Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà

VOV.VN -Suốt chiều dài khoảng 3km từ Quốc lộ 1 vào khu an táng, người dân đứng chật kín, mong được vào vĩnh biệt Đại tướng.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài xuyên đêm
Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài xuyên đêm

VOV.VN -Để đáp ứng mong muốn của người dân khắp nơi về Hà Nội viếng Đại tướng, Ban tổ chức sẽ kéo dài lễ viếng đến 6h sáng 13/10.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài xuyên đêm

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài xuyên đêm

VOV.VN -Để đáp ứng mong muốn của người dân khắp nơi về Hà Nội viếng Đại tướng, Ban tổ chức sẽ kéo dài lễ viếng đến 6h sáng 13/10.

Võ Nguyên Giáp-Nhà yêu nước chân chính
Võ Nguyên Giáp-Nhà yêu nước chân chính

VOV.VN - Các phương tiện truyền thông của Nhật Bản ngày 12 và 13/10, tiếp tục đưa tin về Lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp-Nhà yêu nước chân chính

Võ Nguyên Giáp-Nhà yêu nước chân chính

VOV.VN - Các phương tiện truyền thông của Nhật Bản ngày 12 và 13/10, tiếp tục đưa tin về Lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - VOV online trân trọng giới thiệu Lời Điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - VOV online trân trọng giới thiệu Lời Điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...

VOV.VN -Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...

VOV.VN -Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng.

Video: Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Video: Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp