Nghe câu Kinh cũ xa khói hương mụ mị
VOV.VN - Âm vọng câu Kinh sâu thẳm níu tôi dừng lại tránh sa vào những chốn nhiều khói nhang mụ mị.
Cứ mồng 1 ngày Rằm, lễ tết, tôi lại nhớ cụ họ tôi. Cụ khuất núi lâu rồi, từ hồi tôi còn nhỏ. Giờ tóc đã đôi màu, đã là cha của hai đứa trẻ mà tôi vẫn nhớ như in hình bóng cụ. Tóc râu cụ bạc trắng, vóc dáng cao gày thanh thoát.
Thời Pháp, cụ làm thư ký mọn ở Tòa hành chính, sau này nghỉ, cụ còn giữ làm kỷ niệm bộ kaki trắng và chiếc mũ li-e nhẹ bẫng. Nhưng cụ không thích mặc trang phục tây. Lúc nghỉ công sở, cụ vận toàn quần áo gụ nâu, dáng vẻ xa lạ giữa không gian phố cổ đã bắt đầu thay áo mới sặc sỡ.
Cụ bà cũng vậy, dáng gày guộc lặng lẽ phảng phất nét u trầm trong lòng phố. Hai cụ sống khép kín, cụ ông viết sách, dạy học, cụ bà chăm cụ ông, cung đường chỉ từ nhà ra chợ và ngược lại. Sống cả đời người trong khu phố chả to tiếng với ai. Ai nói gì chỉ khe khẽ: Nam mô A di đà Phật.
Căn nhà cũ hai tầng, ngoài gian thờ, khu bếp chung, hai cụ ở riêng một phòng tầng 1, nhà tôi trên tầng 2. Hai cụ không con cái. Tài sản, ngoài cái phản cũ đã tróc từng lớp sơn ta, trên kệ xếp đầy những bộ Kinh Phật do chính tay cụ ông chép và những bản dịch thơ La-Mác-Tin, nhà thơ Pháp mà cụ trân quý.
Là viên chức thời Pháp nên cụ rất "suya" tiếng Pháp, thi thoảng lại có vài người đến thỉnh giáo. Có một chuyện tôi nhớ mãi. Một học trò của cụ được giao bài tập về nhà, khó quá liền nhờ một người khá giỏi tiếng Pháp ở cơ quan làm hộ. Khi nộp bài, cụ tỏ ý không hài lòng và yêu cầu làm lại.
Vị học trò lúc đó đã là một nhà thơ có tên tuổi bèn khai thật chuyện đi nhờ, có ý khẳng định là người làm hộ rất giỏi. Nghe vậy cụ hơi nặng giọng: "Tôi đã bảo sai là sai. Dù đây có là bài của Mít-Tơ-Răng thì tôi vẫn cứ phải sửa". Nhà thơ kinh ngạc đến thán phục lắp bắp cầm cuốn vở ra về.
Trong số bài thơ của La-Mac-Tin mà cụ dịch, bài hay nhất là bài "Cái hồ", nó xao động những vòng sóng kiếp người, năm tháng, nó dạy con người ta biết yêu thương. Bài thơ hợp với tạng hai cụ, tuổi già không con cái, sống tựa vào nhau trầm tĩnh trước những thứ hợm hĩnh vây bủa.
Hai cụ tu tại gia, ít ăn thịt, chỉ dùng lạc, tương. Thanh nhàn, giản dị, lễ Tết, Giỗ Chạp, cụ không bày vẽ nhiều, chỉ làm sao bàn thờ luôn sạch sẽ, hoa quả tươi, hương khói thành kính. Cụ vẫn dặn nhà tôi là lễ Phật và tổ tiên chỉ nên cầu bình an đừng cầu quan lộc tiền tài, những thứ xác phàm dục vọng, cũng không cần đốt vàng mã, vướng bận vào những thứ lệ thuộc.
Đầu tháng, ngày Rằm, hai cụ ngồi trên chiếc phản cũ lần tràng hạt rì rầm niệm Phật. Một không gian thanh bạch đến tận cùng. Câu Kinh như lời ru êm dạy con người ta tu tâm tích đức, biết vượt qua hố mê dục vọng, biết cúi đầu nghiêng mình trước điều thiện, cái đẹp, biết ngẩng đầu trước bạo quyền... Tôi, một đứa trẻ đầu xanh, ngồi há hốc mồm nghe mãi chả hiểu gì...
Và từ ngày ấy đến giờ, gần nửa thế kỷ trôi qua, âm hưởng của sóng hồ La-Mac-Tin dạt dào từ trang viết chữ đẹp như tranh, từ âm vọng câu Kinh sâu thẳm níu tôi dừng lại tránh sa vào những chốn nhiều khói nhang mụ mị.../.
Người dân vùng lũ ở Nghệ An thắp hương kính viếng Đại tướng