Người lính, chiếc chậu đồng và mong ước hòa bình
VOV.VN - Tôi đã hiểu vì sao đã 45 năm rồi nhưng vị tướng vẫn nghẹn lời khi nhắc câu “chỉ muốn về nhà với mẹ”
Hôm trước tôi xem trên vô tuyến thấy có ông tướng, lúc giải phóng Sài Gòn là lính xe tăng, kể những hồi ức ngày 30/4/1975. Phóng viên có hỏi ông cho tới giờ này, sau 45 năm, ông nhớ kỷ niệm nào nhất ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng? Tất nhiên, ông nhớ những trận đánh ác liệt ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, nơi đồng đội ông ngã xuống khi cuộc chiến sắp kết thúc. Nhưng đến đoạn nói nhớ nhà nhất và chỉ muốn về nhà với mẹ thì ông nghẹn lại, nước mắt trào ra.
Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN) |
Tôi thuộc thế hệ sinh cuối những năm 60, không biết mùi vị của chiến tranh nhưng nói chuyện với các chú các bác từng vượt Trường Sơn đi B thì họ đều bảo đánh đấm nhiều lúc phát chán, chả nghĩ sống chết, chỉ mơ ước hết chiến tranh để được về nhà.
Hồi đó ở miền Bắc chúng tôi được chứng kiến ngày sum họp của gia đình các “anh bộ đội” sau khi miền Nam giải phóng. Hình ảnh quen thuộc của anh bộ đội trong Nam ra sau năm 1975 là bộ quân phục bạc màu, chiếc ba lô con cóc đằng sau nhất định phải có con búp bê mắt nhắm mắt mở, quyển album, ai may mắn và chịu khó thì khoác thêm cái khung xe đạp. Gia tài của người lính đơn sơ chỉ vậy! Lúc vợ - chồng, mẹ - con gặp nhau mừng mừng tủi tủi, sung sướng tột cùng! Mấy chị vợ thấy chồng về vụt chạy ra sau nhà vừa thái rau lợn vừa...khóc.
Nhớ nhất trường hợp bác Tý, đi B năm 1964. Chiến tranh đằng đẵng, bác đi một mạch, vợ bác ở nhà chả nhận được thư từ gì. Năm 1975, trong khi những gia đình khác hồ hởi háo hức đón con, đón chồng trở về thì nhà bác vẫn im ắng như tờ. Vợ bác sau mỗi buổi làm đồng hợp tác lại ra ngồi bờ ao nhìn về phía đầu làng xem có bóng áo bộ đội nào không. Có, nhưng đều không phải bác Tý!
Lúc hy vọng dần trở thành tuyệt vọng thì năm 1977 bác lù lù trở về trong đêm. Hỏi bác có bị thương hay ốm đau gì không mà về muộn thế, cũng chả thư từ nhắn nhe gì. Bác bảo chả làm sao cả, về muộn vì được giao nhiệm vụ trông kho quân nhu, vũ khí giữa rừng nên không biết chiến tranh đã kết thúc. Cho tới một ngày linh cảm thấy sự tĩnh lặng xung quanh không phải cái tĩnh lặng của chiến tranh nên bác Tý xuyên rừng đi hỏi thì biết giải phóng được gần một năm rồi. Hình như đơn vị cũng quên luôn bác với cái kho vũ khí và quân nhu tít tận rừng sâu.
Một hôm bác Tý vui vui tôi mới dám hỏi, thế trước hôm về Bắc bác có chui vào kho xem có những thứ gì trong đó không thì bác bảo thiết tha gì, nghe hết đánh nhau cái là một mình nhảy tưng tưng như phát rồ, vừa chạy vừa gào thét rồi tìm nơi trả súng, hỏi đường về Bắc luôn.
Trong số những gia đình đón người thân đi B về thì nhà bác Tý “ăn” to nhất. Mấy đêm liền phải mượn thêm đèn dầu và chiếu để tiếp hàng xóm tới hỏi thăm.
Hôm vừa rồi dọn dẹp nhà tình cờ tôi lôi ra hai cái chậu đồng, được gò thủ công rất thô sơ từ đồng đỏ. Những chiếc chậu này dùng để rửa mặt trong các gia đình nghèo ở miền Bắc những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Hai chiếc chậu tôi mua cách đây hơn 20 năm, mỗi chiếc ở một thời điểm và địa điểm khác nhau. Thế nhưng lúc đem ra lau chùi để ý thấy cả hai chiếc đều có chữ “hoà bình”, “độc lập” được khắc thô sơ trên thành chậu.
Hai cái chậu đồng, được gò thủ công rất thô sơ từ đồng đỏ. |
Ban đầu tưởng tên cơ sở sản xuất nhưng không phải. “Hòa bình, độc lập” là ước nguyện cháy bỏng tự đáy lòng của tất cả người dân Việt Nam. Những người thợ gò ở một vùng quê nghèo nào đó của nông thôn miền Bắc đã cùng ký thác mong ước ấy vào sản phẩm của mình và muốn gửi gắm nguyện ước ấy tới tất cả mọi người.
Cả hai chiếc đều có chữ “hoà bình”, “độc lập” được khắc thô sơ trên thành chậu. |
Chiến tranh là điều không ai muốn. Hòa bình mới là nguyện ước của mọi người dân. Và đến bây giờ thì tôi hiểu vì sao bác Tý khi vừa biết tin hết chiến tranh đã vội trả súng tìm đường về nhà mà chả tơ hào gì cái kho quân nhu đầy ăm ắp; tôi cũng hiểu vì sao đã 45 năm rồi nhưng ông tướng vẫn nghẹn lại khi nói câu “chỉ muốn về nhà với mẹ”./.