Nguy cơ từ vụ dỡ đình bán gỗ sưa đến 'quái thú' vào lăng Vua
VOV.VN - Những hồi chuông cảnh báo từ việc chức sắc của thôn và đình Cựu Quán tự ý dỡ mái đình tổ tiên đem bán gỗ sưa đến vụ mang "quái thú" vào lăng Ngô Quyền
1. Công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở ta có nhiều bất cập, hiện tượng tôn tạo xong thì “méo mó” là một nhẽ mà “di tích ngàn năm thành…một năm” diễn ra không phải là không có. Có lẽ vì thế, khi VOV online khởi xướng loạt bài về vụ “quái thú” chắn lăng Ngô Quyền đã gây được sự chú ý của dư luận.
Lăng Ngô Quyền trước và sau khi tu bổ |
Khi xây lăng Ngô Quyền tại làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, các cụ ngày xưa đã khéo léo chọn thế đất đẹp tương xứng với bậc đế vương. Thế đất cao ráo của lăng mộ và đền thờ Ngô Quyền nhìn ra có đầy đủ cả minh đường và tam thai triều củng. Ấy thế mà mới đây người ta xây nguyên một cái bình phong chắn hết tầm nhìn của lăng, gắn trên đó là hình một “quái thú”… 2 chân, nó chả ra chó cũng không giống báo. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền gọi đó chính là "con quỷ".
"Quái thú" trên bình phong chắn lăng Ngô Quyền gây bức xúc trong dân Đường Lâm và dòng họ Ngô. Ảnh: Quang Trung |
Mục đích cuối cùng của bảo tồn, tôn tạo di tích là phải tôn vinh được công lao của vị Vua, tôn vinh giá trị di tích và phải phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và dòng họ Ngô. Ấy vậy mà khi thi công, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm đã không thành lập Ban giám sát cộng đồng-một qui định bắt buộc.
Đó là câu trả lời đắt giá và chính xác nhất cho việc vì sao BQL khẳng định dự án được cấp phép đúng luật và việc xây dựng tu bổ cũng đúng với những gì đã được phê duyệt nhưng lại vấp phải sự phản đối từ dư luận và dòng họ Ngô.
Không biết đến bao giờ bức bình phong mới được nghiệm thu vì “con hổ” trên đó sửa đi sửa lại vẫn ra hình…“quái thú”. Đáp áp của việc này là bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn kính. Đắp phù điêu tâm linh phải là nghệ nhân thực thụ có tâm sáng cùng sự tư vấn cặn kẽ của chuyên gia văn hoá lịch sử chứ không phải “cặp đôi hoàn hảo” một anh thợ xây với một chủ thầu chỉ muốn bớt xén!
2. Cũng bắt nguồn từ sự thiếu tôn kính mà một nhóm gồm 6 chức sắc chủ chốt của thôn và đình Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã tự ý tháo dỡ mái đình tổ tiên để lấy 4 thanh gỗ sưa đem đi bán. Người mua, bất ngờ thay lại là sư trụ trì chùa thôn Cựu Quán Thích Diệu Bản. Trụ trì mua về để… làm kỷ niệm!
4 thanh gỗ sưa có trọng lượng 127,5 kg, được bán với giá 1,2 tỷ đồng, quá rẻ so với những gì họ đã làm: Mạo phạm tổ tiên, xúc phạm biểu tượng sức mạnh cộng đồng thiêng liêng.
Đình Cựu Quán thờ lục vị Đại vương, có lịch sử từ lâu đời với một số bộ phận của đình cổ được làm bằng gỗ sưa - một loại gỗ quý hiếm. Di tích này đã từng được chuẩn bị hồ sơ để xếp hạng. Tuy nhiên, thủ tục xếp hạng chưa hoàn tất được do địa phương chậm trễ mà không rõ lý do gì (!?)
Đình Cựu Quán thờ lục vị Đại Vương. Ảnh: Thu Linh |
Trả lời trên Thanh Niên, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Đình Cựu Quán tuy chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục di sản được kiểm kê để bảo vệ. Chính vì thế, nó vẫn được bảo vệ theo quy định pháp luật về di sản”.
Bảo vệ thế nào hay chỉ là đi sau giải quyết hậu quả khi mà những người có trách nhiệm của địa phương và những người trực tiếp trông coi di tích thông đồng cố ý xâm hại di tích?
Di tích, di sản không phải là một cái nhà mới, sai thì sửa, không thích thì phá bỏ, thay thế mà là thứ mất đi rồi là mãi mãi, không thể lấy lại.
Câu chuyện về vụ hạ giải gác khánh ở chùa Trăm Gian hay nhà sư trụ trì tự ý thả trôi tượng cổ để thay thế bằng một tượng mới giống mình ở chùa Chàng Sơn còn chưa hết nóng thì lại liên tiếp xảy ra những vụ việc bức xúc này.
Hồi chuông kêu cứu của di sản tiên tổ bị hư hại bởi “người đương thời” cứ rung mãi đến khi nào?./.