Nhớ thời nghe trộm Đài nhà hàng xóm

VOV.VN - Những đêm 30 Tết, việc nghe đài với tôi như một nghi thức thiêng liêng trào dâng xúc động với biết bao kỷ niệm một thời.

Những năm 80 của thế kỷ 20 trở về trước, chiếc đài bán dẫn là khối tài sản lớn của mỗi gia đình mà không phải nhà nào cũng có. Thanh niên nông thôn, anh nào đi hỏi vợ mà có chiếc đài đeo lủng lẳng bên hông là bảo đảm chắc thắng đến... chín chục phần trăm. Còn ở Hà Nội, đến cuối thập niên 80, nhiều gia đình vẫn còn phải nghe đài treo tường, thực chất là hệ thống loa truyền thanh của thành phố, có tiếp âm Đài TNVN và Đài PT Hà Nội.

Ở Thủ đô mà còn thế, thì chuyện hồi đó cả làng tôi - một ngôi làng nghèo tận miền Trung “chang chang cồn cát” - chỉ có 3 cái đài, kể cũng chẳng có gì phải xấu hổ. “Hồi đó” là hồi chúng tôi phải đội mũ rơm đi học dưới đường hào giao thông, cách nay đã ngót nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn nhớ như in chuyện 3 chiếc đài của 3 nhà trong làng, được gọi là “đài ông Huê”, “đài ông Trân” và “đài cu Hoàng”.

(Ảnh minh họa: KT)
Nếu còn sống đến nay, hẳn ông Huê phải đến hơn trăm tuổi. Bởi vì hồi tôi còn học cấp một, ông Huê đã râu tóc bạc trắng. Cho đến nay tôi chưa gặp cụ già nào đẹp lão như vậy: Người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, lưng thẳng, mắt sáng, đặc biệt bộ râu dài chấm ngực, trắng muốt như tơ, giọng nói thì từ tốn chậm rãi...

Nhìn vóc dáng phong thái ấy, ông phải là một lão thực hiền triết mới đúng. Hoặc ít ra đó là một cụ già nhàn nhã, chơi hoa thưởng nguyệt vui thú thanh tao. Ấy thế mà ông Huê lại làm nghề thợ mộc, một nghề nặng nhọc vất vả... Ông Huê làm thợ mộc, kiếm bữa nào xào bữa nấy, nhưng lại có một cái đài Philip oách nhất làng. Đó là quà của một người em ông ở Thái Lan gửi tặng.

Cái đài của ông Huê nghe nói tốt hơn đài của anh cu Hoàn và của ông Trân, vì là hiệu Philip đầu bảng hàng điện tử của Nhật Bổn. Dân làng tôi nghe thế thì biết thế chứ làm sao phân biệt được hãng này với hãng nọ. Chỉ đến khi nghe đồn rằng cái đài của ông Trân dự báo thời tiết thường hay sai, còn đài ông Huê báo nắng mưa thế nào là y như rằng trúng phóc. Tin chiến thắng miền Nam của đài ông Huê cũng nhiều hơn, giết được nhiều quân địch hơn. Thế là dân làng tôi tin chắc chắn đài ông Huê tốt nhất. Tiếng lành đồn xa, tối nào bà con xóm trên xóm dưới cũng kéo đến chật nhà ông Huê để nghe đài. Một bữa, bà con đang say sưa nghe “Kể chuyện cảnh giác” thì ông Huê từ trong buồng bước ra tắt ngóm cái đài, bảo là bà con thông cảm, mỗi tối nghe vài người thì được, chứ nghe nhiều người tốn pin lắm...

Thế là từ hôm đó, hàng xóm không ai dám sang nghe chực đài ông Huê nữa. Tôi cũng thế, nhưng hằng tối chủ nhật cứ bồn chồn mỗi khi sắp đến chương trình “Tiếng thơ”. Một hôm, tôi đánh liều chui qua hàng rào luồn vào đầu hồi nhà ông nghe đài. Đầu hồi nhà ông Huê có bụi cam sành đã cuối năm rồi mà còn sây lúc lỉu. Tôi ngồi dưới gốc cam nghe Châu Loan ngâm bài thơ “Mẹ Suốt” mê mẩn như nuốt từng lời. Đến lúc nghe “soạt” một phát từ phía xưởng mộc, đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì ánh đèn pin trong tay ông Huê đã chiếu thẳng vào mặt tôi, kèm theo tiếng thằng Minh cháu nội ông Huê kêu như lợn bị bóp cổ: “Thằng Thắng! thằng Thá... ắng...”. Tiếng ông Huê đanh như dùi cui đánh đục: “A, Thắng, to gan ăn trộm cam hả?”. Không hiểu sao lúc đó tôi lại không bỏ chạy, tuy hơi run một chút nhưng vẫn tự tin cãi lại: “Không phải, con chỉ nghe trộm đài thôi!”.

Đúng là tình ngay lý gian! Sáng hôm sau thằng Minh đi rêu rao khắp xóm là tối hôm qua tôi mò vô ăn trộm cam, bị ông cháu nhà hắn bắt được. Mạ tôi nghe nói thế thì mắng nhiếc tôi cả ngày. Chiều, tôi đi học nhóm về đã thấy ông Huê ngồi ở bậc cửa. Tôi chột dạ, chuẩn bị cãi tiếp thì ông tươi cười nói với mạ tôi:

- Ông sang nói lại với bây đừng la thằng Thắng. Đúng là cam nhà ông còn tám chục trái để dành chưa mất trái nào. Sáng nay ông đếm đi đếm lại từng trái rồi. Đúng là hắn chỉ nghe trộm tiếng thơ thôi. Cả làng ta chỉ hắn biết mần thơ. Cái bài “Máy bay phản lực” của hắn ai cũng thuộc. Mấy chú Sẵn Sàng khen lắm!

“Mấy chú Sẵn Sàng” đây là mấy chú đơn vị TNXP người Khu Ba đóng quân ở làng tôi để hằng đêm đi lấp hố bom trong tuyến đường tàu. Ngày ấy dân làng tôi gọi TNXP là “Sẵn Sàng”. Về sau tôi cũng biết chính mấy chú Sẵn Sàng bày đặt chuyện nhiều người cùng nghe đài thì tốn pin để trêu ông Huê, không ngờ ông tin là thật. Nhưng hôm đó thì tôi sung sướng lâng lâng khi nghe ông Huê nói mấy chú Sẵn Sàng khen bài thơ “Máy bay phản lực” của tôi.

Ngót nửa thế kỷ rồi, bài thơ vần vè trẻ con thế mà tôi vẫn nhớ như in. Cũng như đã mấy chục năm ông Huê qui tiên, nhưng tôi vẫn nhớ như in gương mặt, chòm râu của ông và nhất là cái điệu bộ gật gù lắc lư mỗi khi ông đọc: Trời mần một hội dung dăng...

Bây giờ thì làng tôi nhất loạt chỉ nghe nhìn tivi và băng đĩa. Nhiều nhà sắm những 2-3 chiếc tivi, mua chảo lậu về lắp xem hết kênh này đến kênh khác. Tụi thanh niên thì chơi game và xem phim bằng điện thoại thông minh, tối đến thì tập trung hát karaoke nghêu ngao ở cái quán cắt tóc gội đầu kiêm cháo lòng buổi sáng ở gần chợ. Vậy mà tôi ra sinh sống ở Hà Nội mấy chục năm vẫn chưa hết nghiện nghe đài. Đêm nào tôi cũng phải nghe hết bản tin thời sự cuối cùng trong ngày mới ngủ được, sáng thì vừa tập thể dục vừa nghe bản tin thời sự lúc 6 giờ. Nhất là những đêm 30 Tết, việc nghe đài với tôi như một nghi thức thiêng liêng trào dâng xúc động với biết bao kỷ niệm một thời, bao gương mặt người thân xa khuất ùa về.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thính giả VOV: "Sẽ nghe đài cho đến khi không còn sức để nghe"
Thính giả VOV: "Sẽ nghe đài cho đến khi không còn sức để nghe"

VOV.VN -Tôi đã nghe Đài TNVN từ năm 1968 đến nay và sẽ tiếp tục nghe cho đến khi nào không còn sức, tai điếc không thể nghe được nữa mới thôi

Thính giả VOV: "Sẽ nghe đài cho đến khi không còn sức để nghe"

Thính giả VOV: "Sẽ nghe đài cho đến khi không còn sức để nghe"

VOV.VN -Tôi đã nghe Đài TNVN từ năm 1968 đến nay và sẽ tiếp tục nghe cho đến khi nào không còn sức, tai điếc không thể nghe được nữa mới thôi

Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng bạn nghe đài
Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng bạn nghe đài

VOV.VN -Nhớ lại những thời khắc được cập nhật thông tin chiến trường từ Đài phát thanh Giải phóng, nhiều người đã không khỏi bồi hồi, xúc động.

Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng bạn nghe đài

Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng bạn nghe đài

VOV.VN -Nhớ lại những thời khắc được cập nhật thông tin chiến trường từ Đài phát thanh Giải phóng, nhiều người đã không khỏi bồi hồi, xúc động.