Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến mức nào, ai lên tiếng đi chứ!
VOV.VN -Dù khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền Hà Nội. Nếu không có giải pháp mạnh và hữu hiệu thì người dân không biết sẽ sống chung với ô nhiễm không khí đến bao giờ
Tối nào tôi cũng có thói quen gọi điện về quê “buôn chuyện” với mẹ. Chuyện của mẹ con tôi cơ bản chỉ về sức khỏe, học hành, ăn uống của người thân trong gia đình. Nhưng giờ đây, mở đầu câu chuyện, bao giờ mẹ tôi cũng lo lắng “Hà Nội đã đỡ ô nhiễm không khí chưa con?”. Trước khi nghỉ hưu, bà công tác trong ngành Y nên khá hiểu và lo cho sức khỏe người thân sống ở Hà Nội, nhất là những đứa cháu đang còn nhỏ.
Quả vậy, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian qua không còn là bình thường nữa mà trở nên đáng lo ngại, là mối quan tâm của tất cả người dân không chỉ ở Hà Nội mà cả nước. Đó cũng là chuyện rất bình thường, khi Thủ đô là trái tim của cả nước, còn ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu” (ảnh: Nguyễn Ngân) |
Trong thời gia qua, đã có rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia Y tế được đưa ra cảnh báo sự nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu”.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm kích thước nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoà khiến tổn thương phổi, tim và não. Cũng theo thống kê của tổ chức này, mỗi năm có 7 triệu người chết sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Và thực tế, thống kê ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ trong thời gian qua tăng lên nhiều lần.
Sống ở Hà Nội hiện nay, không ai là không lo lắng, bất an nhưng thực sự vẫn chưa biết làm cách nào và chưa biết đến bao giờ thì được thoát ra khỏi bầu không khí ô nhiễm như vậy. Mỗi người “tự cứu lấy mình” bằng cách trang bị thêm các vật dụng che chắn hệ hô hấp khi ra đường, hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết, nhà nào có điều kiện hơn thì tự mua máy lọc không khí…
Cả tháng trời qua, mặc dù người dân phải tự loay hoay, xoay sở tìm cách tồn tại trong bầu không khí ô nhiễm thì dường như chưa có một động thái chính thức nào từ chính quyền Thủ đô trong việc tìm giải pháp cũng như hỗ trợ người dân khi phải sống chung với không khí “bẩn”.
Còn nhớ, cách đây gần 2 tháng, người dân Hà Nội đã không khỏi bức xúc, bất an khi hơn 7 vạn người ở 4 quận phải ăn, uống nước sông Đà nhiễm dầu thải gần cả chục ngày trời mà không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng. Người dân sau khi phát hiện nước bẩn đã cầu cứu các cơ quan liên quan nhưng sau gần một tuần vẫn không có động thái nào từ chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Mãi đến khi Viwasupco có văn xác nhận sự việc thì sau đó vài ngày, khi người dân đã ăn, uống đủ thứ "nước bẩn" thì Hà Nội mới có sự chỉ đạo về việc cung cấp nguồn nước sạch tạm thời cũng như giải quyết sự cố để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền Hà Nội khiến người dân mệt mỏi, bức xúc.
Và trước đó cũng không lâu, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông khiến môi trường xung quanh khu vực này độc hại, hàng ngàn người phải “bỏ nhà, bỏ cửa” đi tìm chỗ ở để tự cứu mình và trẻ nhỏ ra khỏi vùng ô nhiễm mà cũng không có sự vào cuộc, khuyến cáo kịp thời của chính quyền Hà Nội.
Những tưởng vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông và sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải sẽ là bài học xương máu để chính quyền rút kinh nghiệm trong các sự cố tương tự. Nhưng đến nay, sau cả tháng trời người dân phải tự loay hoay tự cứu mình, thì vẫn chưa có động thái chính thức nào từ chính quyền Hà Nội.
Dù đã là khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi và mong mỏi sự vào cuộc chính thức của Hà Nội và các cơ quan liên quan. Bởi nó không chỉ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của một nhóm người mà liên quan đến tất cả người Hà Nội, tự mỗi người dân không thể giải quyết.
Chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của chính quyền Hà Nội với việc công bố rõ ràng, minh bạch nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục với sự hợp tác, giám sát của người dân thì mới mong giảm thiểu được sự ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Tất cả người dân Thủ đô vẫn đang chờ đợi./.