Phủ Thành Chương, biệt thự Mỹ Linh...: Toàn "sự đã rồi"!
(VOV) - Dân mình thì làm tới đâu hay tới đó, hoặc vô tình, hoặc cố ý làm cho cái sự đã rồi.
Mình vốn nhát nhưng đặc biệt thích chuyện đánh nhau. Năm 1975, cậu mình, bộ đội từ Sài Gòn ra, ngày nào mình cũng ở nhà cậu hóng chuyện đánh nhau với Mỹ.
Cậu kể lính Mỹ đã lên kế hoạch càn làng nào là chỉ sục sạo làng đó, không thằng nào bước chân sang làng bên cạnh. Biết thóp, bộ đội ta cứ ngồi làng bên vê thuốc rê hút vặt, đợi càn xong thì về.
Lính Mỹ ra trận quân trang quận dụng đeo kín người, chẳng bù cho quân ta, nhiều khi có mỗi cái quần sà lỏn. Đã thế khi chúng vận động mới buồn cười, thằng trước nhảy qua đám lá là y như rằng thằng sau cũng co giò nhảy phát, không cần biết sao phải nhảy. Lính ta phục trong bụi lại bụm miệng cười.
Mấy năm sau cậu phục viên rồi đi xuất khẩu lao động ở Đức. Về phép trông cậu như Tây, chẳng còn cái vẻ gầy gò đen đủi hôm nào. Hôm về, hàng xóm sang chơi kín nhà, cậu phẩy tay, nói Tây thì Mỹ hay Đức cũng vậy thôi, máy móc, cứng nhắc lắm, không thông minh, sáng tạo bằng người Việt.
Cậu kể anh em lao động Việt Nam sử dụng bếp điện nên cầu chì bị đứt, đứt liên tục, anh em moi giấy bạc trong bao thuốc lá nhét vào. Xong! Khỏi đứt! Thế mà thằng Tây nhất quyết thay lại bằng dây chì, tối nào đi kiểm tra hắn cũng lấy tay ấn vào từng cái cầu dao, mồm lẩm nhẩm 1-OK, 2- OK, 3-OK…
Đã vậy, trước khi mình làm cái gì nó cũng bắt trình bày phương pháp, rồi vặn vẹo sao không làm thế này, sao lại làm thế kia. Có bận cậu điên tiết đập bàn, nói đánh nhau mà cứ ngồi bàn như chúng mày thì pháo chụp lên đầu, chiến thắng làm sao được? Thằng Tây nghe chẳng hiểu gì, cứ tưởng rằng cậu quyết đoán, tự tin.
Cả làng nghe cậu kể phục lăn! Kể xong, dường như muốn thể hiện sự thất vọng, cậu rút phắt cái tăm trong miệng ném xuống đất, nói thế mà Tây lại giàu mới lạ.
Cậu sang Đức làm việc thêm mấy năm thì bức tường Berlin sụp đổ. Cũng may sau khi về nước cậu xin được việc ở một doanh nghiệp khai thác mỏ.
Hồi báo chí loan tin nước ngoài mua than với giá rẻ, đem về nước đào hố chôn để dành. Mình cú lắm, của ông cha, không dùng thì còn đấy, có thiu đâu mà sợ. Nhân hôm gặp cậu ở đám giỗ, mình hỏi, cậu trợn mắt, phẩy tay, nói mày chẳng hiểu gì về mỏ. Đã đào lò thì phải khai thác, hiểu chưa. Không khai thác thì hàng chục ngàn công nhân không có việc, nảy sinh biết bao vấn đề xã hội, không nhanh khai thác thì để nước nó ục vào à, mất hàng trăm tỷ như chơi.
Năm nay cậu về hưu, rỗi việc nên quan tâm tới thế sự, thời cuộc! Hồi bé ngày nào mình cũng sang nhà cậu hóng chuyện, giờ hưu, cậu lại suốt ngày ngóng mình đi làm về để luận chuyện đời.
Cậu phẩy tay, nói vào sinh ra tử, đi đây đi đó, giờ mới nghiệm ra rằng thằng Tây nó không máy móc, không cứng nhắc, ngược lại họ làm gì cũng rất có hệ thống, bài bản, nguyên tắc, từ đặt bàn chân để bước đi, cho tới việc sờ vào cái cầu chì, cầu dao. Còn mình thì làm tới đâu hay tới đó, hoặc vô tình, hoặc cố ý làm cho cái sự đã rồi, (phẩy tay) gọi là tư duy “cái sự đã rồi”.
Cậu phàn nàn cán bộ tắc trách, quan liêu thế làm gì dân làng cổ Đường Lâm không trả lại di tích. Dân bức xúc mới ngồi lại với dân, mới khẩn trương quy hoạch, mới thương lượng. Cậu phẩy tay, nói toàn để cho làm cái sự đã rồi mới cuống lên! Hậu quả đã có con cháu lo, vì lúc đó cũng hết nhiệm kỳ.
Lại còn Phủ Thành Chương và biệt thự của Mỹ Linh nữa. Người ta xây dựng cả chục năm, đón hết ông to bà nhớn, huyện chẳng nói gì, giờ thì khó rồi! Cậu phẩy tay, nói toàn để cho làm cái sự đã rồi mới cuống lên!/.