Quấy rối tình dục ở nơi làm việc: Bao nhiêu người dám lên tiếng?
VOV.VN - Rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều không dám, ngại lên tiếng tố cáo mà chỉ biết “nhịn cho lành”.
Không phải đến khi một CTV của báo Tuổi Trẻ TP HCM tố bị nhà báo A.T quấy rối tình dục thì dư luận mới quan tâm đến vấn đề này. Đã nhiều lần, các cơ quan có trách nhiệm tổ chức các hội thảo, toạ đàm, in sách báo, băng đĩa… để nói về tình trạng quấy rối tình dục nơi làm việc, nơi công sở, giúp những người có nguy cơ QRTD biết cách phòng tránh.
Quấy rối tình dục giờ đây không phải chỉ là hành động của người nam với người nữ, mà còn cả ở chiều ngược lại, nhiều nam giới cũng là nạn nhân của nữ giới. Tuy nhiên, phần nhiều nạn nhân vẫn là nữ giới.
Rất nhiều phụ nữ tham gia các cuộc khảo sát của các cơ quan có uy tín đều trả lời đã từng bị quấy rối tình dục. Nhẹ thì là những lời nói, sự săn đón, nặng hơn là những hành động cưỡng bức, sờ soạng… Thế nhưng, không mấy người dám nói ra sự thật.
Bạn tôi làm việc trong một cơ quan Nhà nước, hình thức ưa nhìn, rất nhiều lần bị sếp gạ gẫm, quấy rối. Nhẹ thì là những lời nói trăng hoa, ánh mắt liếc tình, soi mói vào những bộ phận nhạy cảm hoặc cố tình đụng chạm vào cơ thể, bắt đi tiếp khách, uống rượu… và có lần đã dồn chị vào tường để ôm... Chị rất sợ. Nhiều người trong cơ quan cũng cảm nhận được có chuyện không bình thường giữa sếp với chị nhưng không ai dám can thiệp.
Bản thân chị là nạn nhân nhưng không dám chia sẻ cùng ai. Bởi trước đó, cũng tại cơ quan này, một cô gái cũng bị chính ông sếp đó quấy rối, cô gái lên tiếng tố cáo thì ngay lập tức bị ông ta cho là vu oan giáo hoạ. Còn những người khác thì cho rằng cô gái này còn trẻ nhưng không đứng đắn, chắc phải dễ dãi thế nào thì mới bị sếp lợi dụng…
Và trường hợp của cô CTV của báo Tuổi Trẻ khi chia sẻ trên mạng xã hội cũng nhận được những bình luận trái chiều. Người thì bày tỏ sự căm phẫn, người thì chia sẻ, người thì mỉa mai, châm biếm. Cô gái kia chắc sẽ còn phải chịu rất nhiều "búa rìu" dư luận.
Vì sao lại có quá nhiều cách nhìn nhận, quan điểm khác nhau về QRTD nơi làm việc? Thực tế, có không ít phụ nữ lợi dụng nhan sắc, sự gợi cảm của bản thân để “lấy lòng” sếp, coi đó là phương tiện đến tiến thân, kiếm tiền. Đã có không ít câu chuyện tình – tiền bị phanh phui trong các công sở, khiến nhiều người “thân bại, danh liệt”, sự đổi chác tình –tiền, danh vọng xuất hiện ở nhiều nơi và không còn là chuyện lạ.
Vậy làm gì để hạn chế nạn QRTD? Trước hết, cần xây dựng môi trường làm việc nghiêm túc, văn minh, nâng cao nhận thức cho những người yếu thế để họ biết cách tự bảo vệ bản thân. Mỗi cá nhân, đặc biệt phụ nữ, khi đến công sở cần có cách ăn mặc, đi đứng, nói năng chuẩn mực, không tạo cơ hội cho những hành động xấu xuất hiện. Mỗi người cần chú trọng đến việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đừng đặt sự nghiệp, tương lai của mình vào tay bất cứ ai. Chỉ khi đứng vững trên chính đôi chân, tài năng của mình thì mới không lo bạn là nạn nhân của QRTD.
Bản thân những người làm công tác quản lý, có quyền, có tiền trong các cơ quan, đơn vị cũng cần phải có nhận thức đúng đắn về tình yêu, tình dục và các mối quan hệ xã hội thì mới kiểm soát được hành động của mình.
Thời gian qua, việc xử lý những vụ việc liên quan QRTD còn rất rườm rà, nhiêu khê, khó tìm bằng chứng nên không có kết quả, có khi còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình của người tố cáo. Chính vì thế, nhiều người dù là nạn nhân của QRTD nhưng rất ngại và rất sợ tố cáo. Họ âm thầm chịu đựng và tìm cách lẩn tránh, chống đỡ với những trận săn đón của kẻ hám mồi để tìm hai chữ bình yên.
Cách nay gần 3 năm, Bộ LĐ-TB và XH sau khi giới thiệu về Bộ qui tắc ứng xử về QRTD nơi làm việc đã đưa ra lời hứa ban hành một Thông tư chống quấy rối tình dục vào năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy thông tư này xuất hiện. Và câu chuyện về phòng, chống QRTD vẫn là việc của mỗi người./.
Nghi án nữ CTV báo Tuổi trẻ bị xâm hại: Công an cần vào cuộc
Côn đồ hành hung bác sĩ: Không chỉ lên án là xong!
Báo Tuổi Trẻ tạm đình chỉ công tác nhà báo bị tố hiếp dâm