Sau 25 năm sụp đổ, bức tường Berlin vẫn còn chia cắt nước Đức
VOV.VN - Bức tường Berlin dù đã bị phá tan cách đây 25 năm nhưng vẫn hiện diện ở rất nhiều nơi trên nước Đức như chứng tích một thời đất nước này bị chia cắt
Bảo tàng Checkpoint Charlie và Khu tưởng niệm bức tường Berlin Gedenkstatte Beriner Mauer tại Berlin luôn đông khách. Không chỉ người nước ngoài mà ngay cả người Đức cũng thường xuyên lui tới nơi này.
Một phần bức tường đặt ở Trụ sở Đảng CDU
Nhìn chiếc xe hơi lỗ chỗ vết đạn vì cố tình vượt thoát qua cửa kiểm soát thì người ta có thể hiểu bảo tàng muốn chuyển thông điệp gì tới khách tham quan.
Dấu vết móng của bức tường còn lại trên phố
Ngay tại phố Friedrich, người ta đã phục dựng chốt kiểm soát Charlie (của đồng minh Anh - Mỹ - Pháp) với những bao cát và một vài anh lính mặc quân phục, cầm cờ Mỹ. Sự hiện diện của khoảng 400.000 lính Liên Xô (cũ) ở phía Đông thì hôm nay có thể tìm thấy trên vỉa hè, tại các quầy bán đồ sourvenir với đủ loại huân huy chương và quân phục của những người lính Đông Đức và Liên Xô cũ.
Chốt kiểm soát Check point do Mỹ - Anh - Pháp quản lý giữa hai miền Đông - Tây
Quần hàng bán quân trang lính Liên Xô và lính Đông Đức
Người Đức muốn nhắc nhở mọi người về sự chia li, sự đau xót của một dân tộc bị cách chia làm hai nửa. Vì thế, cũng thật dễ hiểu tại sao hướng dẫn viên của bảo tàng và khu tưởng niệm bức tường Berlin lại giới thiệu về những cuộc đào thoát đầy máu và nước mắt nhiều như thế.
Cho tới hôm nay, nhiều người Đức cho rằng việc dựng lên bức tường chia cắt là một nỗi đau. Hệ lụy của nó không hề nhẹ. Vẫn còn đó sự kỳ thị giữa người phía Tây và phía Đông, đặc biệt người già. Người phía Đông thì tự ti, hoài cổ; còn người phía Tây thì chẳng cần giấu giếm thái độ thất vọng của những người khi phải “cưu mang”. Có người cho rằng phải 3 thế hệ mới đủ quên đi sự kiện chia cắt này.
Một đoạn tường còn nguyên vẹn, phía trên là những ống trong to để không bám tay vào được
Gần đây, người ta đã thực hiện một cuộc điều tra xem dân ở Đông và Tây đánh giá “cái gì giá trị nhất”. Người Đông Đức viết vào hai chữ BÌNH ĐẲNG còn người Tây Đức không do dự nói hai tiếng TỰ DO.
Thất nghiệp phía Đông nhiều hơn phía Tây vì các xí nghiệp bên phía Tây nhiều hơn. Lương bổng của người dân phía Tây cũng hơn hẳn. Năm năm nữa phía Tây sẽ ngưng rót tiền cho phía Đông. Dân Đông Đức đang lo, còn dân Tây Đức bảo “thế đủ rồi”. Sau 25 năm tiếng reo mừng của người dân Đông Đức xem ra không còn nhiệt liệt như lúc ban đầu, vào cái đêm 9/11/1989.
Tác giả bên tượng đài di dân từ Đông sang Tây
Phía Tây cứ nghĩ đổ một đống tiền cho bên Đông là xong, nhưng thực tế không phải vậy. Có người ở phía Tây 25 năm qua (kể từ khi bức tường sụp đổ) du lịch ở Tây Ban Nha, Pháp… chứ không bước chân sang phía Đông; có 4 tờ báo phía Tây rất khó bán ở bên Đông và 6 tờ ở miền Đông không thể lên sạp nổi ở phía Tây. Sự khác biệt trong lòng người sau 25 năm vẫn còn quá lớn!./.