Sau vụ các cô giáo quỳ xin không đóng cửa trường học có gì khuất tất?

VOV.VN - Chuyện các cô giáo quỳ trên sân trường mẫu giáo Tuổi thơ kêu khóc, xin Chủ tịch huyện Thanh Chương, Nghệ An không đóng cửa trường đã gây một cơn sốt.

Hiện trái bóng đã lăn trên sân vận động Moscow, gây những “trận bão truyền thông” có thể làm chao đảo cả hành tinh. Bây giờ mọi chuyện đều bé nhỏ so với trái bóng. Nhưng không phải vì thế mà những nỗi niềm cô lẻ ở một thị trấn miền núi Thanh Chương tỉnh Nghệ An có thể bị trái bóng che khuất.
Không! Việc các cô quỳ gối cũng là một trận tố lốc, lay động tâm can của hàng triệu người, nhất là những người dân có lương tri.

Các cô giáo quỳ trên sân trường mẫu giáo Tuổi thơ kêu khóc, xin không đóng cửa trường. (Ảnh: Tiền Phong)
Phóng viên: Ông có để ý chuyện này không, ông Trần Đăng Khoa?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Có chứ! Một chuyện “lay động tâm can hàng triệu người, nhất là những người có lương tri” làm sao tôi lại không biết? Trước đây, do cô giáo xử phạt một học trò vì thái độ hỗn láo với giáo viên, một phụ huynh học sinh có thế lực đã bắt cô giáo phải quỳ gối trước mặt học trò xin lỗi thằng con mất dạy của ông ta.
Hành động phi đạo đức ấy đã gây dư chấn trên mạng xã hội. Và rồi rốt cuộc, ông phụ huynh học sinh đã bị kỷ luật, khai trừ Đảng vì làm nhục một con người, đi ngược lại với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của Tổ tiên chúng ta.
Ở đây có khác. Khác ở chỗ, các cô tự nguyện quỳ chứ không ai bắt cả? Làm sao mài khổ đến mức như vậỵ? Các cô giáo trường mầm non lương rất thấp, thấp nhất trong hàng ngũ giáo viên. Lương thấp nhưng cũng vẫn là lương. Dù sao các con của các cô giáo cũng còn có bát cháo.
Đóng cửa nhà trường, đồng nghĩa với việc các cô không còn được dạy, sẽ không còn đến cả những bát cháo ấy nữa. Vì thế cực chẳng đã, các cô mới phải quỳ tập thể, kêu khóc xin ông chủ tịch huyện không đóng cửa trường.
Các giáo viên, những người thày khả kính, đi dạy người lại quỳ lạy, kêu khóc van xin thì có còn nhân cách nữa không? Có xứng đáng làm thày nữa không? Nhiều người đã nổi giận.
Một bạn đọc bảo: “Chưa biết sự việc đã diễn ra trước đó thế nào, nhưng nhìn vào cái hình ảnh các cô giáo quỳ gối xuống là đã không thể chấp nhận. Tự hạ thấp bản thân, đánh mất giá trị của người giáo viên”.
Không ít công dân mạng đã nổi giận như thế. Họ nổi giận là đúng. Nhưng trong trường hợp này, lại không đơn giản như thế. Ai cũng có quyền tự trọng. Nhất là những người làm thầy. Nhưng sự thật khốc liệt có khi còn lớn hơn sự tự trọng, lớn hơn cả bản thân mình. Các cô quỳ gối, kêu khóc có phải vì các cô đâu? Vì các con, vì bố mẹ già. Thà có bát cháo còn hơn không có bát cháo.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo: “Vì cành trĩu quả mà cây cúi đầu…”. Các cô cúi đầu cũng vì “cái cành” nặng trĩu trách nhiệm ấy đấy. Ở đây, các cô đáng thương gấp hai lần. Mà sự thật có đến nỗi thế không? Điều ấy khiến dư luận đặt câu hỏi, cơ sự nào đã đẩy các cô đến tình cảnh trớ trêu như vậy?
Ngày 13/6, phóng viên một tờ báo mạng đã tìm gặp ông Chủ tịch huyện Thanh Chương - Nguyễn Văn Quế. Theo ông Quế, cơ sở Mầm non Tuổi thơ do Công ty Minh Sang làm chủ đầu tư. Hiện công ty này chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để duy trì hoạt động nên đành phải đóng cửa.
Cũng theo ông chủ tịch, huyện Thanh Chương có chủ trương thu hút nhà đầu tư để đầu tư vào xây dựng các trường mầm non tư thục. Sau khi sáp nhập các trung tâm giáo dục mầm non, trên địa bàn thị trấn có thừa một cơ sở và huyện đã chủ trương lấy đất tại cơ sở này mở trường mầm non tư thục.
Ông Quế cho rằng: "Đến thời điểm này Công ty Minh Sang mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, còn tất cả mọi vấn đề đất đai, khảo sát lựa chọn địa điểm, quy hoạch, bàn giao đất, giải phóng mặt bằng đều chưa được cấp phép”.
Thật lạ kỳ. Chủ đầu tư không có giấy phép, không giải phóng mặt bằng thì làm sao lại có thể xây được một trường học tư thục bề thế đến mức như vậy. Ngôi trường rất khang trang. Xây dựng và trang trí đều rất đẹp, rất phù hợp với một trường mẫu giáo.
Và rồi trường cũng đã mở lớp, đã tuyển được một đội ngũ giáo viên. Các cháu theo học cũng đã một năm rồi, số các cháu theo học đã lên đến 200 cháu. Đối với một trường mầm non, số các con đến trường như thế không phải là ít. Vậy sao chính quyền lại không biết?
Thị trấn Thanh Chương đâu có mênh mông bát ngát gì. Một ngôi trường mầm non với số lượng giáo viên và học sinh như thế, đâu có phải cái kim giấu trong bọc mà chính quyền địa phương không nhìn ra.
Cũng theo ông chủ tịch huyện: “Năm ngoái, Công ty Minh Sang tiến hành xây dựng trái phép, huyện đã đình chỉ, xử phạt nhưng công ty vẫn làm lén lút, cuối cùng xin mở rộng lớp, sau đó bùng phát ra thành nhiều lớp”.
Theo Chủ tịch huyện Thanh Chương, khi xảy ra như vậy, huyện và thị trấn thấy đang trong năm học, con em vào học rồi mà tiến hành đình chỉ thì không nên. Vì vậy chủ trương đợi đến hết năm học để tiến hành đóng cửa.
Vừa rồi, tỉnh Nghệ An có thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện các thủ tục, giấy tờ đầu tư của Công ty Minh Sang chưa hoàn thành theo quy định. Tỉnh đã kết luận đến ngày 31/5 buộc nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục nếu không thu hồi quyết định chủ trương đầu tư.
Có thể nói ngay rằng, không có ai vô can trong chuyện này cả. Nếu chủ đầu tư Minh Sang có lỗi một thì chính quyền địa phương có lỗi hai. Lỗi của công ty Minh Sang là chưa hoàn thành được thủ tục. Mà hơn một năm rồi. Lỗi của địa phương là vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không đầy đủ thủ tục sao lại cho người ta xây dựng rồi mở trường? Mà thủ tục hành chính có gì đâu mà khó khăn đến thế?.
Hiện nay, Đảng và Chính phủ có chủ trương cải cách hành chính, đỡ phiền hà cho dân, giờ thủ tục chỉ còn một cửa, có thể giải quyết rất nhanh gọn. Ở nhiều địa phương việc làm thủ tục vô cùng thông thoáng. Nếu có gì chưa hợp lệ, cần hướng dẫn cho người ta làm. Chỉ một vài tiếng là xong chứ không cần đến một ngày.
Ở đây là đến cả một năm rồi, trường cũng đã học được một khoá. Số học sinh đã tăng lên rất đông. Cái khó nhất của chúng ta hiện nay là kinh phí. Kinh phí chủ đầu tư đã xây xong. Nghĩa là khâu khó nhất cũng đã xong rồi. Ngôi trường khá bề thế, theo nhiều phụ huynh nhận xét là trường rất đẹp. Các cô dạy rất tốt, nên các bậc cha mẹ vô cùng tin tưởng, vì thế, số lượng các con mới tăng nhanh như vậy.
Thủ tục có gì còn chưa hoàn thiện thì bổ sung thêm, sao lại vì mấy thứ giấy tờ mà đóng cửa trường, ảnh hưởng đến hai trăm cháu theo học, hai trăm gia đình rồi ảnh hưởng đến cả đội ngũ giáo viên. Điều này rất không bình thường, nếu không nói là có gì đó khuất tất.
Xin cho phép tôi được nghi ngờ. Vì trong công cuộc đổi mới về thủ tục hành chính của Đảng và Chính phủ ta hiện nay, không có gì là khó khăn đến mức phải đóng cửa một trường học chỉ vì mấy thủ tục giấy tờ. Không khó khăn, nhưng vẫn có thể ách tắc nếu người ta cứ bày vẽ ra hết lý do này đến lý do nọ để hành hạ người dân. Nhất là lại có quyết định kinh hoàng: “thu giấy phép” xây dựng như ông chủ tịch nói. Đến thế là thành chuyện tày trời rồi.

Cơ sở nhóm trẻ mầm non Tuổi thơ huyện Thanh Chương. (Ảnh: Tiền Phong)
Phóng viên: Đúng là không bình thường. Ông chủ tịch nói cũng có lý vì áp lực. Nếu xảy ra bạo hành trẻ em hay ngộ độc thức ăn, ai chịu trách nhiệm?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Khi người ta đã cố tình kiếm cớ, bao giờ cũng phải có lý, nếu chỉ nhìn chút qua cái dáng vẻ bên ngoài. Thậm chí có khi còn rất nhân văn. Quả là có rất nhiều cơ sở mầm non có sự cố đáng tiếc. Ấy là chuyện các cô bảo mẫu hành hạ trẻ. Rồi thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhưng đấy thường là những cơ sở nhỏ lẻ, những cô bảo mẫu trông trẻ tại gia, người trông trẻ không có nghiệp vụ. Còn trường mẫu giáo Tuổi thơ này lại khác.
Trường đã được các bậc phụ huynh thẩm định. Nếu có lỗi, chỉ là chuyện thủ tục. Và lỗi thủ tục là lỗi của cả hai phía. Phía người xin thủ tục và phía người cấp thủ tục. Nếu người cấp thủ tục cứ gây ra những khó khăn, làm sao thủ tục xong được. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từ việc to đến việc nhỏ, làm gì cũng phải bôi trơn, nếu không bôi trơn, công việc không thể xong được”.
Ở đây, có chuyện đáng buồn đó không? Nếu không có chuyện đó, tại sao tắc nghẽn. Tôi lần tìm các thông tin. Đó là tiếng nói của dân. Tiếng nói của những người trong cuộc. Trong hàng loạt nhận xét của bạn đọc, với họ tên cụ thể, rất nhiều phụ huynh khen nhà trường có nề nếp, các cô nuôi dạy rất tốt. Phụ huynh tin tưởng. Có tin tưởng họ mới gửi con và các con mới đến học đông như thế.
Trong số hàng ngàn bình luận nhận xét ấy, đã có một thông tin hé lộ sự thật. Thông tin này của một người dấu tên, chắc là một phụ huynh nào đó không muốn bị trù dập, nhưng chắc chắn đây là người trong cuộc. Người đó ký tên là Thanh Chương.
Bà hay ông Thanh Chương hé ra rằng: “Cơ sở này rất tốt. Rất yên tâm khi gửi trẻ ở đây. Nhưng các cô làm vậy không được. Không được hạ thấp mình như thế. Thật ra theo tôi và tôi biết chắc chắn, mọi chuyện cũng do cơ sở này thu hút hết trẻ vì hiện tại có một cơ sở nữa của lãnh đạo nhưng không có trẻ theo học. Thậm chí trường mầm non của lãnh đạo ở thị trấn năm nay còn nhận giữ cả hè nữa nhưng vẫn không có trẻ đến học”.
Hoá ra là như vậy. Cái tổ của con chuồn chuồn là ở đây chăng? Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Giáo dục Nghệ An hãy kiểm tra thông tin này và trả lời cho công luận rõ. Nếu có trường mầm non nữa của lãnh đạo đầu tư cũng tốt thôi. Một thị trấn có hai trường mầm non cũng là điều bình thường. Càng có thêm trường càng tốt để phụ huynh có điều kiện lựa chọn.
Nếu dạy tốt chăm tốt sẽ có đông các con theo học, có nhiều trường, lớp sẽ ít học sinh, các cô càng có điều kiện chăm sóc các cháu hơn. Hãy để các bậc cha mẹ tự lựa chọn. Quyền là ở các bậc cha mẹ, không phải từ những người có quyền lực, hay một số người với lợi ích nhóm nào đó, khi không cạnh tranh được bằng tấm lòng và sự tử tế thì triệt hạ đối phương bằng cách đóng cửa, cấm mở lớp, hay những ngón đòn đã rất lỗi thời là bày vẽ ra những lằng nhằng các thủ tục hành chính. Không phải hành chính mà hành là chính…
Xin cảm ơn ông!./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối
Xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối

VOV.VN - Theo đại diện Bộ Tư pháp, người buộc cô giáo ở Long An phải quỳ gối trước đó đã được Bộ Tư pháp có quyết định cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối

Xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối

VOV.VN - Theo đại diện Bộ Tư pháp, người buộc cô giáo ở Long An phải quỳ gối trước đó đã được Bộ Tư pháp có quyết định cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Khai trừ Đảng ông Võ Hòa Thuận
Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Khai trừ Đảng ông Võ Hòa Thuận

Huyện ủy Bến Lức xác định hành vi của ông Võ Hòa Thuận trong buổi làm việc tại trường Tiểu học Bình Chánh khiến cô N. phải quỳ xin lỗi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Khai trừ Đảng ông Võ Hòa Thuận

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Khai trừ Đảng ông Võ Hòa Thuận

Huyện ủy Bến Lức xác định hành vi của ông Võ Hòa Thuận trong buổi làm việc tại trường Tiểu học Bình Chánh khiến cô N. phải quỳ xin lỗi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Hiệu trưởng bị điều xuống đứng lớp
Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Hiệu trưởng bị điều xuống đứng lớp

Liên quan đến vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh, sáng 11/4, quyết định cách chức ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường TH Bình Chánh đã được triển khai.

Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Hiệu trưởng bị điều xuống đứng lớp

Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Hiệu trưởng bị điều xuống đứng lớp

Liên quan đến vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh, sáng 11/4, quyết định cách chức ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng Trường TH Bình Chánh đã được triển khai.

Hàng chục cô giáo quỳ gối khóc xin được... dạy trẻ
Hàng chục cô giáo quỳ gối khóc xin được... dạy trẻ

Sau khi biết được tin cơ sở phải dừng hoạt động, nhiều cô giáo ở Trường Mầm non Tuổi thơ, (Nghệ An) đã quỳ gối, khóc lóc van xin...

Hàng chục cô giáo quỳ gối khóc xin được... dạy trẻ

Hàng chục cô giáo quỳ gối khóc xin được... dạy trẻ

Sau khi biết được tin cơ sở phải dừng hoạt động, nhiều cô giáo ở Trường Mầm non Tuổi thơ, (Nghệ An) đã quỳ gối, khóc lóc van xin...