Tác giả bức ảnh “Mẹ đèo con nguy hiểm” gây xôn xao nói gì?
VOV.VN - Sau khi bức ảnh con ngủ sau xe đạp của mẹ trên đường mưu sinh khiến cộng đồng mạng vừa thương vừa giận, tác giả bức ảnh là phóng viên VOV đã có lời chia sẻ.
Chủ đề tôi viết thường liên quan đến những con người bình thường, những người lao động và những câu chuyện cũng hết sức đời thường của họ.
Ảnh tôi chụp cũng vậy, tôi không chụp được những bức ảnh hào nhoáng, những phong cảnh hùng vĩ, những sắc màu lung linh, những cô gái đẹp lụa là... Với tôi, ảnh cũng phải phản ánh chân thực cuộc sống, thế nên tôi luôn cố gắng nhìn vào những điều thật nhất của cuộc sống hiện tại để thể hiện trên từng bức ảnh của mình. Và cũng cố gắng để không can thiệp vào chủ thể cho bức ảnh tự nhiên nhất và chân thực nhất có thể.
Bức ảnh "Mẹ đèo con" gây xôn xao trên các trang mạng xã hội. (Ảnh: Quang Hùng) |
Thế nên, có lẽ vì vậy mà nhiều người không thích vì nó quá xù xì, nói như bạn bè tôi thường trêu là: Ảnh của mày không thể treo được!... Nhưng với những bức ảnh đó, tôi lại cảm thấy như mình được “cứu rỗi” về tâm hồn. Từ những hình ảnh đó tôi biết mình đang sống ở đâu, tôi biết mọi người xung quanh tôi đang sống và làm việc thế nào.
Ví như 1 bức ảnh tôi chụp cách đây chỉ vài ngày, trên đường đi làm. Hôm đó là ngày mà các cổ động viên Việt Nam đang háo hức kéo đến sân vận động Mỹ Đình để được tận thấy các cầu thủ của 1 đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh tập luyện cho trận đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam vào ngày hôm sau.
Con đường chạy dọc theo khu đô thị hạng sang The Manor lũ lượt dòng người đang hướng về Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Giữa dòng người ấy, tôi chợt giật mình khi thấy 1 người phụ nữ dáng vẻ lam lũ đang gò mình đạp xe trong cơn gió nặng ngược chiều. Chiếc xe thồ với đôi sọt sắt bên trong đựng vài thứ đồ lặt vặt. Có lẽ chị đang trên đường về nhà sau một ngày buôn bán món hàng gì đó trong phố.
Nhưng, điều khiến tôi giật mình không phải bởi dáng vẻ lam lũ, chiếc xe đạp cà tàng và vài thứ đồ như nhặt ở bãi rác lên trong sọt hàng chị chở, bởi hình ảnh đó ta vẫn bắt gặp hàng ngày. Mà ở đây là đứa bé chỉ chừng 3 - 4 tuổi chị chở sau xe. Đứa bé không rõ là trai hay gái, đang nằm ngủ ngon lành trên giá đèo hàng phía sau xe, giữa hai chiếc sọt.
Thỉnh thoảng, người mẹ lại ngoái ra sau xem con mình... (Ảnh: Quang Hùng) |
Hai chân thả sang hai bên, đầu đứa trẻ xuôi về phía sau xe, buông thõng... Đôi bàn tay chống trước ngực, tỳ xuống tấm chiếu người mẹ “cẩn thận” lót lên phía trên giá đèo hàng cho đứa trẻ nằm, như để giữ cho thân hình ngủ quên không bị trôi mà rơi xuống đất...
Như một phản xạ tôi rút điện thoại chụp vài tấm hình, rồi chạy lên định nhắc chị, chắc là mẹ đứa trẻ. Nhưng chưa kịp nhắc thì người mẹ đã ngoái lại nhìn con một cách trìu mến, vỗ nhẹ vào mông con một cái, rồi lại cong người đạp xe...
Vậy là chẳng phải đứa trẻ ngủ quên, mà cũng không hẳn người mẹ kia vô tâm khi để con mình nằm ngủ trong một tư thế quá đỗi nguy hiểm – như bất kỳ ai nhìn vào cảm thấy. Đó là cuộc sống thường ngày của mẹ con họ, cuộc sống mà họ đang trải qua, đang chấp nhận. Và đứa trẻ, mỗi ngày, từ khi sinh đã ra phải theo mẹ bươn chải trên đường, đã phải học cách thích nghi với cuộc sống ấy, thích nghi với cách ngủ “nguy hiểm” ấy.
Một người anh của tôi khi xem ảnh đã nói rằng: Rồi thì nó vẫn lớn lên như bao đứa trẻ đủ đầy khác thôi! Cuộc sống là thế đó!
Đứa trẻ vẫn ngủ ngon lành!/.