Tết... sao mà chán thế!?

VOV.VN - Chán Tết, sợ Tết, ước gì 3 năm mới có 1 cái Tết… đó là tâm tư của nhiều người về cái Tết bây giờ.

Hay thấy người ta than: Chao ôi sao thời gian cứ trôi vùn vụt, vừa mới Tết xong đã lại Tết!.

  Hoa đào trên phố Hà Nội ngày áp Tết (ảnh: Huy Phương)
Thế mà ngày trước có câu “vui như Tết!”…  

Ngày nay ít ai nói vậy. Nhắc đến Tết là bảo chán, bảo chả có gì vui.
Tết mang đến một kỳ nghỉ dài. Hàng ngày mọi người luôn thấy thiếu thời gian. Dịp này có tới hơn một tuần lễ để mà ăn Tết, chơi Tết. Thế thì sao lại… chán?

Nghe người-chán-Tết kể lể.

Này nhé, thứ nhất, là cứ đến gần Tết, đường xá đông đúc, có thể kẹt xe vào bất cứ lúc nào chứ không cứ gì giờ cao điểm. Người người đổ ra đường, đi mua sắm Tết, đi biếu quà Tết. Đi đường mãi chả đến nơi cần đến. Thế có chán không?

Thứ hai, là hao tiền. Giá cả ngoài chợ tăng một cách vô tội vạ dù cung không vượt cầu. “Giá ngày Tết” mà. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Giờ thì không mấy ai còn đói, nhưng đến Tết vẫn phải mua sắm thật nhiều bánh, kẹo, mứt, giò chả, thịt, măng, miến… Một mặt mua đồ làm cỗ cúng tổ tiên ông bà, một mặt thì tích trữ thực phẩm theo thói quen, ăn Tết là phải đầy đủ lệ bộ như thế. Rồi đến ra Giêng, qua rằm đôi khi vẫn chưa “giải quyết” hết đống thực phẩm tích trữ. Ôi, chán!

Rồi đến Tết thì phải về quê. Những người gốc gác thành phố không có quê để về thì hình dung quê kiểng là nơi thi vị lắm. Lắm khi những người có quê lại thấy chán, nhất là những nàng dâu thành thị. Lối sống, nếp nhà ở quê khác lắm, đàn bà thành phố về quê thấy mệt mỏi vô cùng, từ những lễ nghĩa có phần rườm rà ngày Tết, đến những tiện nghi sinh hoạt hàng ngày quá đơn sơ.

Rồi Tết thì ăn nhậu tơi bời. Nghỉ dài thế, không đi du lịch (vì những ngày Tết, khu du lịch nào cũng đông, giá thì lên mà chất lượng lại xuống). Thế thì rủ nhau nhậu cho vui. Cái thói ép nhau uống bia uống rượu giờ như tệ nạn. Khi say thì mệt rũ chứ không thích thú gì, nhưng trên mâm vẫn cứ là phải ép nhau uống cho túy lúy, chứng tỏ “bản lĩnh”. Rồi say sưa, nôn mửa, chỉ khổ cho đám phụ nữ trong nhà vừa phải dọn dẹp vừa phải chịu đựng những kẻ vật vờ lơ mơ dở khôn dở dại. Thế là Tết rất chán.

Ăn với chơi xong, có những nhóm rủ nhau đánh bạc. Đánh cho vui thôi. Theo phong tục ngày xưa, có khi cả năm ông chủ gia đình cấm con cháu không được cờ bạc (cờ bạc là bác thằng Bần mà), nhưng đến Tết lại có bộ bài, lúc ngồi canh nồi bánh chưng thì chơi cho vui. Sau Tết lại đốt đi vào hôm cúng “hóa vàng”. Phong tục ấy bây giờ biến tướng thành đánh bạc ăn tiền. Mỗi ván ít tiền, cho vui. Thế rồi càng đánh càng ham, thâu đêm suốt sáng, thiệt hại cũng không nhỏ chút nào. Cháy túi thì sinh bực bội, thế là chán Tết.

Chỉ ăn với chơi, đơn thuần như thế thì Tết cũng khác gì một tiệc sinh nhật hay dịp vui cuối tuần?

Chưa hết, gần đây, Tết còn là dịp đầu năm người ta đi lễ, “dâng sao giải hạn”, cầu tài cầu lộc, tốn kém không ít. Thậm chí có trường học, thày cô cũng dẫn học trò năm cuối cấp đi lễ vào dịp Tết, để cầu mong đỗ đạt. (Ngày trước chỉ có những con bệnh ốm đau lâu ngày mới “vái tứ phương” và chữa trị theo lối “Đông tây y kết hợp… cúng”, ngày nay chuyện học hành đỗ đạt trở thành sức ép đến nỗi không chỉ các bậc cha mẹ mà đến cả thày cô cũng đôn đốc con em mình “học ngày học đêm kết hợp… cúng” để mong đạt điểm cao trong các kỳ thi).  

Rất nhiều “lễ nghĩa” phải hoàn thành, nhưng dường như người ta làm nó với một tâm lý căng thẳng, “ăn thua” chứ không phải với cảm giác thơ thới trong lòng. Chẳng khác gì người đi biếu quà Tết, không phải để thể hiện tình cảm, mà để cầu cạnh, nhờ vả. Lúc ấy, món quà biếu giống như một sự “đầu tư”, hay một món “gá bạc”, và người ta cứ phải bận lòng xem không biết có thu được kết quả gì hay nhỡ lại “xôi hỏng bỏng không”…

Nhiều nghi thức của Tết nhuốm sự mưu cầu lợi, kèm cảm giác bất an. Phải chăng người ta vì muốn nhiều quá, nên vô hình chung “mua dây buộc mình” làm vậy. Mới sinh chán Tết.

  Đường hoa ở Đà Nẵng (ảnh: Hải Sơn)
Thi sĩ Xuân Diệu sinh thời viết những câu thơ xuân thế này:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”…


Thời gian như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc qua là mất đi vĩnh viễn. Cái ta đang có cũng là cái ta đang mất. Thế nên ai ơi, ta sẽ đánh mất rất nhiều, nếu cứ giữ mãi sự “chán” Tết ở trong lòng, mà không có cách gì làm cho hết chán.

Ngày Tết nguyên đán với bao nhiêu ý nghĩa tinh thần đẹp đẽ mà tổ tiên đã gây dựng, lẽ nào không có gì để theo, để gìn giữ mãi về sau? Thời gian một đi không bao giờ trở lại. Làm sao đây để không phải tiếc? Hãy cứ vui cho mùa Tết ý nghĩa.
Nào dọn nhà dọn cửa. Đi chợ hoa, ngắm đào mai khoe sắc.
Tận hưởng những giây phút sum họp bên gia đình…

Hãy về thăm cha mẹ già nếu có thể. Có những người sống ở xa, mỗi năm chỉ có điều kiện thăm cha mẹ mình chừng một vài lần. Ngày tháng thoi đưa, chẳng bao lâu số lần họ còn có thể gặp cha mẹ mình chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nếu có đi chùa đi đền, hãy dành những phút giây tướng nhớ công lao của người xưa, để lòng tĩnh lặng, cầu những điều tốt lành cho tất cả mọi người…

“Gỡ” đi những cái “dây buộc mình”. Mình tự buộc thì mình cũng tự cởi bỏ được…
Mở lòng ra mà đón Tết!
  ảnh: Dương Rkudo

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tái hiện Tết truyền thống của dân tộc Mông, Sơn La
Tái hiện Tết truyền thống của dân tộc Mông, Sơn La

VOV.VN -Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” đang diễn ra tại Sơn Tây, Hà Nội.

Tái hiện Tết truyền thống của dân tộc Mông, Sơn La

Tái hiện Tết truyền thống của dân tộc Mông, Sơn La

VOV.VN -Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” đang diễn ra tại Sơn Tây, Hà Nội.

Hội Xuân Yên Tử sẽ khai mạc vào ngày 10 Tết Ất Mùi
Hội Xuân Yên Tử sẽ khai mạc vào ngày 10 Tết Ất Mùi

VOV.VN - Danh thắng Yên Tử là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống du lịch văn hóa tâm linh của vùng Hà Nội - Hải Phòng và khu vực phía Bắc.

Hội Xuân Yên Tử sẽ khai mạc vào ngày 10 Tết Ất Mùi

Hội Xuân Yên Tử sẽ khai mạc vào ngày 10 Tết Ất Mùi

VOV.VN - Danh thắng Yên Tử là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống du lịch văn hóa tâm linh của vùng Hà Nội - Hải Phòng và khu vực phía Bắc.

Bức tranh tươi mới của làng nghề miền Tây đón Tết
Bức tranh tươi mới của làng nghề miền Tây đón Tết

VOV.VN - Mùa xuân mang theo sự quyến rũ của nắng, của gió, của hoa trái, sản vật giục làng nghề miền Tây vào Tết.

Bức tranh tươi mới của làng nghề miền Tây đón Tết

Bức tranh tươi mới của làng nghề miền Tây đón Tết

VOV.VN - Mùa xuân mang theo sự quyến rũ của nắng, của gió, của hoa trái, sản vật giục làng nghề miền Tây vào Tết.

Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi tôn vinh bản sắc Việt
Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi tôn vinh bản sắc Việt

VOV.VN - Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi - năm 2015 tạo không khí giải trí, nét văn hóa vui xuân của nhân dân thành phố trong dịp lễ tết cổ truyền.

Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi tôn vinh bản sắc Việt

Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi tôn vinh bản sắc Việt

VOV.VN - Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi - năm 2015 tạo không khí giải trí, nét văn hóa vui xuân của nhân dân thành phố trong dịp lễ tết cổ truyền.