Trần Đăng Khoa: Bàn tiếp về người Việt và sách

(VOV) -Nhà trường hãy trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người thói quen và niềm say mê đọc

Trong buổi hầu chuyện bạn đọc tuần trước, tôi có thưa với các Thượng Đế rằng, tôi rất nghi ngờ, nếu ai đó bảo người Việt bây giờ rất ít đọc sách hoặc không còn ai đọc sách nữa. Nếu không còn ai đọc thì người ta in sách ra để làm gì.

Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân. Nhưng các nhà xuất bản nhà nước đều do các tư nhân chi phối. Sách in khá đẹp và giá rất đắt. Có cuốn vài trăm ngàn. Có cuốn đến cả triệu bạc. Cái giá ấy đâu có dành cho người bình dân buôn thúng bán mẹt và các trí thức, học giả về hưu. Vậy mà vẫn trên trời dưới sách.

Người ta đẩy giá lên để có tiền chia cho người in sách, bán sách, quảng bá sách. Nhiều nhà buôn sách giàu sụ, có xe hơi, nhà lầu. Còn các nhà văn và các dịch giả, những người làm ra chính cuốn sách thì lay lắt. Không ai có thể sống nổi bằng nghề viết sách, dịch sách.

 

Thói quen đọc sách cần được tạo từ thưở nhỏ (Ảnh minh hoạ)

Những nhà văn thực sự có tài, thực sự có trách nhiệm với người đọc, không chịu viết ẩu, viết tạp thì còn khổ hơn nữa. Bởi tiền họ được hưởng từ cuốn sách chỉ tính bằng 10 -12% giá bìa. Những tác giả nổi tiếng có thể nhích hơn một chút, nhưng lượng in cũng chỉ 1000 bản thôi. Có cuốn “ăn khách” còn xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, nằm trong cả những mẹt sách bán rong cùng với sách vụ án, sách tử vi bói toán, sách hướng dẫn kỹ thuật buồng the mà chúng ta vẫn quen gọi là “sách ngoài luồng”.

Bạt ngàn, miên man thế, nhưng chỉ số, lượng in cũng vẫn chỉ 500, 800, hay 1000 bản. Đấy là con số “rõ ràng, giữa thanh thiên bạch nhật” để người ta tính thuế với nhà nước và trả công cho người viết sách, dịch sách, còn số lượng in thật thế nào ở trong cõi mịt mù, thì chỉ ma quỷ mới có thể biết được mà thôi.

Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế. Nhưng không thể nói rằng, họ không đọc sách. Có điều, trong xã hội ta, có hai đối tượng cần phải được đọc nhiều thì họ lai đang mất dần thói quen đọc. Đó là các quan chức và học sinh, sinh viên.

Tôi  quan tâm đến các quan chức, bởi họ là những người điều hành cơ quan, điều hành xã hội. Sự tác động của họ vào xã hội rất lớn, bởi thế cần phải có một tầm nhìn cao rộng. Họ đọc sách không phải chỉ để thưởng thức văn chương mà là để hiểu lòng dân. Hiểu đời sống thực sự là như thế nào. Nó khác rất xa những bản báo cáo hay những bài báo hời hợt, một chiều.

Buồn từ trong dạ buồn ra – Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về”. “Buồn từ trong dạ” là những nỗi niềm riêng tư, là cái buồn bình thường, ai mà chẳng có. Nhưng “buồn từ ngã bảy ngã ba” là cái buồn ngoài mình, cái buồn nhân thế, là những xao động của xã hội, của muôn dân, chỉ những nghệ sĩ, trí thức đích thực, những người có sự mẫn cảm đặc biệt mới nắm bắt được. Với những nhà lãnh đạo, đọc sách là vi hành để hiểu được lòng dân. Nhiều khi sự thật và khát vọng của dân lại nằm trong những cuốn sách có tính phản biện hay những trang Blog cá nhân tưởng như rất đơn lẻ.

Chỉ tiếc bây giờ, trong sự phát triển như vũ bão của truyền thông, có cảm giác như không cần đọc cũng biết, nên không ít nhà quản lý đang mất dần thói quen đọc sách. Nhà văn Nguyên Ngọc bảo: “Tôi được biết, có những người lãnh đạo ở cấp cao, sau giờ làm việc ban ngày, chỉ tập trung đánh tu lơ khơ suốt đêm, chẳng bao giờ cầm đến một cuốn sách. Vậy mà nếu có dịp đến một cuộc họp nào đó của giới văn học thì họ sẵn sàng lập tức lên lớp dạy nhà văn phải viết như thế này, phải sống như thế kia. Những điều như thế không thể coi là bình thường được nữa”.

Còn học sinh, sinh viên, cái giới lẽ ra cần đọc nhiều nhất, thì cũng không còn tâm sức đâu mà đọc sách nữa. Nhiều nhà văn và trí thức rất băn khoăn về hiện trạng này. Đặc biệt là Nguyên Ngọc. Tác giả “Rừng xà nu”, “Đất nước đứng lên” đưa ra những lý lẽ rất đáng lưu ý.

Khi Nguyên Ngọc  tỏ ra  lo lắng về tình trạng học sinh không đọc sách, thì ông bạn của ông, một Giáo sư Tiến sĩ đã nhiều năm đứng trên bục giảng bảo: Anh kêu học sinh không đọc sách nhưng tôi xin hỏi anh học sinh của mình bây giờ lấy thì giờ đâu nữa mà đọc? Suốt ngày bị quần đến mệt nhừ vì bao nhiêu thứ kiến thức cố nhét vào đầu. Tối lại ngập đầu trong những bài tập về nhà, ngủ cũng không yên, thở không ra hơi, còn đọc gì nữa? Nếu có chút thì giờ nào dôi ra được thì cũng là để thở, hơi đâu mà đọc, còn hào hứng thú vị gì nữa mà đọc!

Mới đây lại còn thấy báo chí đưa tin Bộ Giáo dục hợp đồng với đài truyền hình cứ buổi tối đến mấy giờ đó thì đài báo tín hiệu cho trẻ con bắt đầu ngồi vào bàn, học ở nhà, làm bài tập cho về nhà. Nghĩa là Bộ quản chặt hết thì giờ của trẻ con ban ngày ở trường rồi, thấy chưa đủ, còn quản luôn hết cả thì giờ ban đêm ở nhà của chúng nữa, quyết không cho chúng được hở ra lúc nào mà thở!

Cũng theo thông tin của nhà văn Nguyên Ngọc, nền Giáo dục ở Phần Lan hiện nay đang được nhiều người nhất trí công nhận là chuẩn mực vào bậc nhất thế giới, kể cả Mỹ cũng phải tìm đến học. Khi một đứa bé vừa được sinh ra thì quà tặng đầu tiên dành cho nó là một giỏ sách. Đúng là một mỹ tục của đất nước văn minh và hạnh phúc. Trẻ con Phần Lan 7 tuổi mới bắt đầu đi học, nghĩa là chậm hơn ở ta 2 năm, được tha hồ chơi thêm 2 năm nữa. Đi học thì hết sức thoải mái, nhuộm tóc đủ màu, nghe nhạc metal tức thứ rock hạng nặng, và người ta tuyệt đối cấm thầy cô không được cho bài tập về nhà…

Vậy mà lớn lên họ vẫn là những con người hoàn thiện, giỏi giang, sống rất văn minh, và tất nhiên đọc sách cũng vào hàng nhất nhì thế giới. Cách làm giáo dục như ở ta hiện nay thì thật khó lòng mà có được thói quen ham mê đọc sách. Thường đến 20 tuổi rồi mà không hề biết đến ham thích và không có cái thú đọc sách thì cả đời sẽ khó lòng trở thành người ham đọc và biết đọc sách.

Đấy là một điều rất đáng quan ngại. Hiện nay, đời sống của chúng ta đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản. Nhưng theo Giáo sư, Cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Hảo: Cái đáng lo của nước ta hiện nay vẫn không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều lại là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Kinh tế dù rất phức tạp, khó khăn, nhưng cũng dễ giải quyết hơn.

Một khi chúng ta hội nhập quốc tế thì dù sớm dù muộn, chúng ta cũng phải chấp nhận luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với quốc tế. Phát triển kinh tế rất khó, nhưng không phải không có thể làm được. Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn bản, có chiều sâu. Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Giáo dục của chúng ta hiện lại đang xuống cấp, gây bức xúc trong toàn xã hội. Chính cách giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc thậm chí còn triệt tiêu cả văn hóa đọc.

Hãy bắt đầu từ Giáo dục. Cần cải cách, đổi mới thế nào để các em còn có thời gian đọc. Đọc cũng chính là học. Cụ Lê Nin bảo: “Học! Học nữa! Học mãi” là học ở trong sách đấy chứ. Sách mới là người thày dạy ta suốt đời. Cụ Đỗ Phủ cũng bảo: “Đọc sách vỡ muôn quyển – Hạ bút như có thần”. Để có trang văn hay, người viết phải học từ hàng vạn trang sách.

Vậy mà theo nhà văn Nguyên Ngọc, vâng, tôi lại phải nhắc đến Nguyên Ngọc thôi, bởi những điều ông nói rất đáng suy ngẫm, theo ông, “có không ít sinh viên, thậm chí cả sinh viên khoa văn, chưa bao giờ đọc trọn một cuốn sách, chỉ đọc một số trích đoạn bắt buộc. Có những vị thạc sĩ, tiến sĩ văn học không bao giờ đọc hết một cuốn sách cho đến đầu đến đũa.

Nhà trường cần có quy định hẳn hoi lớp nào thì phải đọc hết những cuốn sách nào, hướng dẫn cách đọc. Bớt giờ học những môn ai cũng biết là hình thức và vô bổ đi, thậm chí cắt bớt một phần kiến thức đang dạy đi, xem thử có chết ai không, chúng ta tin là không, mà trái lại học trò của ta sẽ thông minh hơn, thoải mái, tự tin, chủ động, sáng tạo hơn. Nên dành thì giờ cho các em đọc sách.

Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc. Đoàn thanh niên của chúng ta có bao nhiêu hoạt động, phong trào này phong trào nọ, học cái này cái nọ rầm rộ, trong đó phải nói thật có rất nhiều cái chỉ là hình thức.

Tại sao đoàn thanh niên không có cuộc vận động mỗi thanh niên một năm hãy đọc lấy một cuốn sách? Rồi tiến tới mỗi tháng một cuốn sách. Tôi tin nếu làm như vậy thì đoàn, thanh niên của đoàn sẽ khá ra rất nhiều”.

Đúng vậy. Bởi trí tuệ của loài người nằm hết ở trong sách. Chính Sách sẽ dạy cho chúng ta nên người…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên