Trần Đăng Khoa: Bởi trẻ em không thích chuyện viển vông
VOV.VN -"Các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại. Thôi khỏi bàn đến những ước mơ cao siêu, vì như thế viển vông quá. Chúng cháu chỉ khát khao có chỗ để nhảy dây, đá bóng..."
Công ty Honda của Nhật Bản tại Việt Nam lại vừa tổ chức cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” lần thứ 7. Đồng hành với các em suốt 7 năm liền, mà rồi lần nào tôi cũng kinh ngạc. Các em đề xuất nhiều ý tưởng rất thú vị. Ví dụ, có thể chế tạo ô tô, xe máy chạy bằng năng lượng sạch, là điện tự chế. Khi xe dừng, cánh quạt của tua bin hạ xuống, nằm chìm trên nóc xe. Xe khởi động bằng ăc quy. Khi chạy, cánh quạt sẽ nhô lên. Gió sẽ làm cánh quạt quay tạo điện năng lượng sạch để xe vận hành. Có em cho rằng, nhiều tai nạn thảm khốc đều do lái xe say rượu vì vậy các em đề xuất nên chế tạo những chiếc xe thông minh có thể tự động đo độ cồn. Nếu có hơi rượu là xe tự động động tắt máy và người có hơi rượu sẽ không thể nổ máy được. Liệu chúng ta có thể sản xuất được những chiếc xe thông minh như thế không? Hoàn toàn có thể làm được, dễ như lật bàn tay.
Tôi lại nhớ cuộc giao lưu với các em học sinh Trường Đội Lê Duẩn. Rất ấn tượng và tôi cứ bị ám ảnh mãi. Hôm ấy, đến dự có Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh, Thứ trưởng - nhà văn Phùng Ngọc Hùng, nhà thơ Định Hải, nhà văn Lê Phương Liên, nhà Phê bình nghiên cứu Vân Thanh và đông đảo các phóng viên báo chí. Khác hoàn toàn với nhiều cuộc tiếp xúc của thiếu nhi, nhưng lại do người lớn tổ chức, chuẩn bị, các em chỉ thụ động đọc những bài diễn văn, những lời phát biểu cứng nhắc và nhạt nhẽo do người lớn viết hộ, ở đây, trong cuộc giao lưu này, các em tự tổ chức và tự điều hành.
Không khí hội trường sinh động, tươi trẻ, linh hoạt và ấm nóng ngay từ giây phút đầu tiên. Các em đều nói vo. Không có văn bản chuẩn bị trước. Nhưng ý kiến nào cũng chân thực và sắc sảo. Nhiều vấn đề được đặt ra rất nghiêm túc. Một cuộc Hội thảo khoa học đích thực. Vấn đề đầu tiên các em đưa ra là sự chật chội, ngột ngạt trong đời sống của các em ở các đô thị. Liệu có giải pháp nào cải thiện được không? “Trong khi các cô bác cứ nói quan tâm đến thiếu nhi với bao nhiêu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu nào nghe cũng hay cả: Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, rồi Tất cả vì tương lai con em chúng ta… Riêng cái quan niệm này, chúng cháu thấy không ổn. Bởi các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại. Tương lai là cái gì còn rất mù mờ ở phía trước. Tương lai có thể đến, hoặc không bao giờ đến. Hoặc giả dụ, nếu tương lai có đến thật thì lúc ấy, chúng cháu cũng đã thành các cụ già rồi, làm sao còn thú vui của con trẻ để thụ hưởng những gì tốt đẹp các bác đem đến. Còn hiện tại chúng cháu đang sống thì chẳng có gì cả. Thôi khỏi bàn đến những ước mơ cao siêu, vì như thế viển vông quá. Chúng cháu chỉ khát khao có chỗ để nhảy dây, có chỗ đánh chuyền hay đá bóng. Phóng túng hơn nữa là thả diều.
Trên thị trường diều được bán rất nhiều, đủ các kích cỡ, hình dáng. Người lớn bán rất nhiều diều cho trẻ con để thu lợi nhuận nhưng lại không cho trẻ con có chỗ thả diều. Có bạn đành leo lên tầng thượng, leo lên nóc nhà thả diều. Có bạn liều lĩnh đá bóng ngay trên đường phố. Đó là những việc làm vô cùng nguy hiểm. Có bạn ngã nhào từ tầng 5 xuống đất chết. Có bạn đá bóng dưới lòng đường bị xe cán gẫy chân. Không biết các bác người lớn, nhất là các bác lãnh đạo có thấy đau lòng không? Cháu cũng không thực biết là như thế nào, bởi nếu các bác có đau lòng thật, thì chắc đến nay tình hình đã phải khác chứ. Nhiều bạn bị các bác Cờ đỏ quát mắng om sòm vì “gây mất trật tự đường phố”. Thực sự chúng cháu có lỗi không? Trẻ con có quyền được vui chơi không?”.
“Trẻ em rất cần được vui chơi. - Một nhà văn tiếp lời - Nhưng các em cũng phải thông cảm với các cô các bác. Bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều người nghèo không có nhà ở. Vậy thì theo các em, giữa việc xây nhà cho người nghèo có chỗ trú mưa nắng với chuyện làm sân chơi cho các em, ta cần ưu tiên cái nào trước đây?”. “Theo cháu, chúng ta không nên đặt vấn đề như thế? Không nên lấy cái nọ triệt tiêu cái kia. Tại sao các bác không nghĩ đến việc vừa xây nhà cho người nghèo, vừa làm sân chơi cho con trẻ? Chưa kể có nơi cả hai cái đều không có, mà chỉ có các khẩu hiệu căng xanh đỏ đầy cả ở ngoài đường: Hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất mình có...nhưng chẳng có cái gì. Vài cái kẹo đêm trung thu chăng?”. “Nhưng làm bằng cách nào được, trong khi phố phường chật chội như thế?”. “Chúng cháu nghĩ rằng phố phường chỉ chật chội đối với những nhà quản lí không có tầm nhìn xa và không biết quy hoạch cụ thể. Với người có khả năng tổ chức, quy hoạch, thì dân số hiện tại ở Hà Nội không phải là đông và đất đai cũng không hề chật hẹp…”.
“Vậy thì theo cháu cần phải làm thế nào? - Nhà báo Đặng Nam - Chủ nhiệm chương trình Truyền hình “Vì trẻ thơ” - quay lại hỏi một cháu gái vừa đưa ra lời lí giải - Giả sử bây giờ, cháu không phải là Liên đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong mà lại là bà Chủ tịch thành phố, cháu sẽ “quy hoạch” thành phố của chúng ta như thế nào đây?”.
“Trước hết, cháu sẽ xoá tất cả những căn nhà ổ chuột, những căn nhà mỏng dính, những căn nhà lô nhô cao thấp, cái thò ra, cái thụt vào, trông rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Tất nhiên là phải tìm chỗ ở khác tốt hơn cho các chủ hộ, chứ không phải xua họ ra đường...Nhìn chung, nhà cửa, phố phường của ta, từ trước đến nay, vẫn xây dựng theo kiểu tự phát, chủ yếu là do dân tự làm, ai thích kiểu gì thì làm kiểu đó, lại làm tuỳ theo túi tiền của từng nhà, nên rất lộn xộn và hoang toàng như cỏ dại. Đi trên đường phố, cháu có cảm giác như mình đang đứng trước một dàn nhạc khổng lồ, có đến hàng triệu nhạc cụ, nhưng lại thiếu nhạc trưởng, nghĩa là thiếu một bàn tay chỉ huy, nên cứ mạnh ai nấy tấu. Rốt cuộc chẳng ra làm sao cả. Vậy cần phải quy hoạch lại bằng cách dựng nhà cao tầng như nhiều Thủ đô văn minh của các nước tiên tiến. Chỉ một khu nhà cao tầng đã giải quyết được chỗ ở cho bà con cả một khu phố. Nếu làm được thế, Hà Nội sẽ rất thoáng và rất hiện đại, nề nếp. Chúng ta vừa giải quyết được chỗ ở cho dân, vừa có chỗ xây dựng khu vui chơi giải trí. Làm sao ở bất kì căn hộ nào, bật cửa sổ ra cũng thấy bóng cây xanh và công viên sinh thái. Đó là nơi vui chơi cho con trẻ, là chỗ đi dạo cho người già…”.
“Trời ơi! Cháu gái mơ mộng quá - tôi kêu lên - Cháu đang dẫn các bác vào thế giới cổ tích đấy!”. “Tại sao lại cổ tích? Cháu nói thật với chú Khoa là cháu không thích truyện cổ tích. Từ bé, cháu đã không đọc chuyện cổ tích rồi. Cháu không đọc vì đó là những chuyện hoang tưởng, bịa đặt”. “Thế nhưng cháu lại đang sáng tác chuyện cổ tích đấy. Vì những điều cháu nói rất khó thành hiện thực. Dân mình vừa đơn giản lại vừa rất phức tạp. Người nào cũng muốn có mảnh đất riêng, căn nhà riêng. Dù méo mó, nhưng vẫn thích, vì đó là nhà riêng của mình chứ không phải nhà tập thể. Bao nhiêu công trình công cộng không giải toả nổi cũng vì dân đó thôi…”.
“Đó không phải vì dân đâu. Dân không tin nên không ủng hộ đấy. Không tin vì cách các bác đền bù hay hỗ trợ di chuyển gì đó. Nhà là giá trị thật, là một đống vàng, nhưng tiền đền bù lại giá bèo, nhiều khi không mua nổi một căn lều có thể che được mưa nắng. Thế thì người dân nào chịu được...Đó là lỗi tại các bác chứ. Nhiều trường hợp người ta đã giao nhà, đã đóng tiền và ở vạ vật, nhưng vạ vật mãi mà nhà vẫn không xây xong. Thế thì làm sao mà tin được. Theo cháu, với dân, nên rõ ràng, không nói một đằng, làm một nẻo. Trước sau đã bất nhất. Có gì khó khăn nảy sinh cũng thông báo với dân, bàn với dân. Cháu tin dân sẽ cảm thông. Ngày xưa, xem trên báo, trong sách sử, cháu biết dân từng hiến vàng, hiến cả nhà cửa, có người còn hiến cả mấy cái biệt thự cực kì sang trọng cho Cách mạng. Vậy mà bây giờ, con cái họ, kiếm một chỗ ở thông thường cũng không xong... Có người buồn bực quá, còn làm đơn đòi lại nhà đã hiến. Vì những cái nhà ấy người khác đã ở, mà “người khác” có “cách mạng” gì đâu.... Cháu nghĩ không phải lỗi tại dân. Tại chúng ta làm mất niềm tin của họ. Nếu được dân tin thì việc gì, dù khó đến đâu cũng vẫn làm được. Cháu nghĩ đất đai ở trong dân. Tiền bạc ở trong dân. Công sức cũng ở trong dân. Dân tin yêu, ủng hộ thì những chuyện cổ tích sẽ thành hiện thực, còn nếu dân không tin, không ủng hộ, thì những việc đơn giản, có sẵn trong tầm tay, hoặc căng đầy đường các khẩu hiệu xanh đỏ cũng sẽ thành chuyện cổ tích xa vời, lại rất hoang tưởng, viển vông… đừng nghĩ chúng cháu tin theo. Trẻ con còn không tin thì người lớn làm sao mà tin được..”.
Đấy! Lí lẽ của trẻ con đấy. Hoá ra người lớn đâu đã hiểu các em. Cũng đừng nghĩ trẻ con già trước tuổi. Từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, cậu bé mười một tuổi Hoàng Hiếu Nhân đã từng diễn giải: “Các anh đừng nghĩ chúng em già khôn trước tuổi. Cái gì cần nhớ trước thì nhớ trước, có cái cũng cần nhưng để tính sau”…/.