Trần Đăng Khoa: Hãy để nhân dân Trung Quốc thấy rõ sự thật

VOV.VN - Cần làm cho thế giới và đông đảo người dân Trung Quốc hiểu được thực chất của sự việc. 

Những ngày gần đây, Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng. Nhiều cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra. Dân mình rất yêu nước và sẵn sàng xả thân cứu nước khi đất nước lâm nguy.

Có nhà thơ đã ca tụng: “Bao nhiêu lớp người – Lao vào lửa đạn – Cho Tổ Quốc sáng bừng tên tuổi – Rồi để lại những nấm mồ vô danh – Trắng đến tận chân trời”.

Lòng yêu nước và sự hy sinh của dân trong mấy cuộc chiến tranh là vô cùng vĩ đại. Tuy nhiên, trong tình hình Biển Đông đang rất nóng hiện nay, yêu nước lại cần phải điềm tĩnh, tỉnh táo, đừng để cho kẻ xấu kích động.

Khắp nơi trên cả nước đã có những cuộc tuần hành, biểu tình ôn hòa của nhân dân nhằm phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong việc đặt dàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đấy là việc làm thể hiện tình yêu nước thiêng liêng, rất đáng trân trọng.

Biểu tình của người Việt tại Mỹ phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 

Tuy nhiên, tẩy chay người Trung Quốc, không phục vụ khách Trung Quốc trong một cửa hàng dịch vụ ăn uống nào đó, hay cực đoan, công kích công nhân Trung Quốc trong những công ty kinh tế của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không phải là hành động yêu nước, là lối ứng xử nông cạn và dại dột, chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng, dễ bị đối phương lợi dụng. Hiện nay, số lượng khách du lịch Trung Quốc sang ta rất đông. Có yêu đất nước chúng ta, họ mới đến. Khách du lịch Trung Quốc, hay người dân Trung Quốc lao động ở ta cũng giống như người Việt ta đi du lịch hay đi lao động ở nước ngoài. Họ có lỗi gì đâu? Lẽ ra, thay vì tẩy chay, ta sát cánh với họ, giúp họ hiểu đúng thực chất của mọi vấn đề. Hãy để người dân Trung Quốc nhìn thấy sự thật, để họ tự đánh giá.

Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã từng hô hào bài xích người Nhật khi có mâu thuẫn giữa hai nước. Nhiều công ty kinh tế của Nhật ở đất nước Trung Quốc cũng bị đập phá, thiêu hủy. Đó là một sai lầm. Người Việt Nam chúng ta không nên để lỗi lầm ấy xảy ra trên đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta.

Việc đặt giàn khoan của Trung Quốc là có chủ định và tính toán rất kỹ lưỡng. Chúng ta cần tiếp tục đấu tranh quyết liệt và kiên trì, cùng với sức ép của dư luận quốc tế và của chính nhân dân Trung Quốc. Làm sao để thế giới và đông đảo người dân Trung Quốc hiểu được thực chất của sự việc.

Chúng ta có nhiều bằng chứng lịch sử, có thể đưa ra tấm bản đồ nhà Thanh in vào năm 1904 đã thể hiện rất rõ Trung Quốc không có Trường Sa, và Hoàng Sa. Bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – từ năm 1827 đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và điều thú vị là bộ Atlas này lại được vẽ bởi nhà địa lý nổi tiếng Philippe Vandemaelen người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ và được xuất bản từ năm 1827. Chúng ta có quá nhiều chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng Trung Quốc thì chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng xác thực nào.


Người Việt tại Pháp phản đổi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Cách tốt nhất trong cuộc đấu tranh này là tuyên truyền để thế giới và cả người dân Trung Quốc hiểu rõ điều đó. Thêm nữa, chúng ta cũng cần liên minh chặt chẽ với các nước trong khu vực có chung quyền lợi ở biển Đông.

Công việc trước mắt của người dân chúng ta là sát cánh cùng Đảng và Chính phủ, đấu tranh một cách ôn hòa. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo bằng công điện, nhắc nhở người dân biểu thị lòng yêu nước nhưng phải tôn trọng pháp luật và luật pháp quốc tế. Đó là việc làm rất kịp thời và hiệu quả.

Mới đây, trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Thành phố Vũng Tầu, ông Lê Xuân Tươi, Bí thư Thành ủy đã xuống đường cùng với nhân dân. Tại đài liệt sĩ thành phố, trong trang phục giản dị như một người dân, ông Tươi phát biểu qua loa cầm tay: “Với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của TP này, trước hết tôi ghi nhận thái độ rất văn minh của mọi người, đặc biệt là thanh niên chúng ta. Và tôi muốn rằng tất cả chúng ta biểu thị một thái độ quyết liệt nhưng có văn hóa. Chúng ta có những khẩu hiệu thu phục được nhân tâm và nói với Trung Quốc rằng dân tộc Việt Nam không lùi bước. Thứ hai, tôi yêu cầu chúng ta không có hành động quá khích để gây thiệt hại cho trật tự công cộng, cho tài sản của quốc gia. Và chúng ta cũng phải biết bảo vệ công ăn việc làm của chúng ta, không có hành động quá khích, tấn công vào những cơ sở kinh tế, dù những cơ sở đó không phải của Việt Nam, mà của Trung Quốc, của Hong Kong, của Đài Loan. Điều đó làm thiệt hại đến nền kinh tế, thiệt hại đến công ăn việc làm của chính chúng ta”.

 Quyết liệt nhưng bình tĩnh, tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng. Đó là hành động khôn ngoan của dân tộc Việt Nam, của thế hệ trẻ khi thể hiện tinh thần yêu nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên