Trần Đăng Khoa: Không thể giàu có nhờ lúa gạo!

(VOV) - Để đất nước có thể giàu được bằng gạo, có lẽ chúng ta cũng phải đầu tư trí tuệ cho gạo, biến Hạt gạo Việt Nam thành Hạt gạo Trí tuệ.

Cái “phép lạ ngày thường” ấy là một tin vui. Cũng có thể xem như một sự kiện của đất nước: Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tôi gọi đó là “phép lạ…”, bởi những năm trước đây, ngay cả những người lãng mạn, giàu óc tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ đến. Việt Nam là một trong những vựa lúa của Đông Nam Á. Nhưng nghề làm ruộng là nghề vất vả cực nhọc mà lại bấp bênh nhất. “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Vắt kiệt mồ hôi, nước mắt cũng chưa chắc đã có được bát cơm đầy. Bởi tất cả còn phụ thuộc vào…ông Giời. Mà ông Giời ở đâu thì chẳng ai biết. Không biết nên mới sợ. Có một câu thần trú đã truyền lại từ bao đời mà không người nông dân nào không biết: “Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy bát cơm đầy/Một khúc cá to”...

Đấy, mơ ước muôn đời của người nông dân đơn giản có thế. Họ chỉ cần nước uống, ruộng cày, bát cơm và khúc cá thôi. Vậy mà cái khao khát tối thiểu ấy, trước đây đâu cũng đã có được. Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết”. Chỉ ngày Tết mới có bát cơm trắng, còn thì quanh năm ăn độn. Một hạt cơm cõng đến mấy hạt ngô. Nhiều nhà còn lấy gốc rau muống già băm nhỏ, rồi phơi khô, nấu trộn với cơm. Nhai miếng cơm như nhai chão rách.

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vào mùa gặt (ảnh minh họa: Hà Thành)


Bây giờ thì chẳng cần phải lạy ông Giời cũng có bát cơm đầy và khúc cá to rồi. Đất nước còn rất nhiều khó khăn. Sự suy thoái kinh tế. Nạn tham nhũng hoành hành. Sự nhiễu loạn giao thông dẫn đến những tai nạn thảm khốc không ngày nào không xảy ra. Đạo đức xã hội xuống cấp. Những nguy cơ rình rập ngoài Biển Đông. Rồi còn bao nhiêu bất trắc trong đời sống thường ngày. Nhưng về hạt gạo, về miếng ăn, lạy giời, chúng ta cũng đã qua cơn bĩ cực, qua cả chuyện “no cơm ấm áo” là mơ ước ngàn đời của ông cha, đã nghĩ đến việc ăn ngon và mặc đẹp. Chúng ta không chỉ đủ gạo ăn mà còn bán gạo ra thế giới. Thế là sướng.

Mà sướng thật. Tôi là một cậu bé sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Nhà tôi mấy đời làm ruộng. Nghề nông là nghề vất vả cực nhọc nhất, cũng đầy bất trắc, rủi ro nhất. Ông bà xưa nói: "Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm...". Trông tất cả, chỉ không dám trông vào bản thân mình. Vì mình chả là cái gì cả. Nghề trồng lúa là nghề phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Mà thiên nhiên, thời tiết lại bất trắc. Mưa nắng đều dữ tợn. "Áo mẹ mưa bạc màu, Đầu mẹ nắng cháy tóc". Bởi thế mà trong hạt gạo có cả “bão tháng Bảy” và “mưa tháng Ba.

Tháng Bảy thường có những trận bão lớn có sức tàn phá rất mạnh. Tháng Ba bắt đầu xuất hiện những trận mưa đầu mùa nên thường rất độc. Những trận mưa trận bão này thường tác động đến số phận của người nông dân làm ra hạt gạo. Cũng có khi lúa đã chín vàng đồng, tưởng bội thu rồi, thế mà chỉ sau một đêm mưa lớn, cả vựa lúa chìm dưới nước trắng. Sau hai ngày không cứu kịp (mà cứu làm sao được) thóc nảy mầm và thối ủng trong nước. Tôi đã nhiều lần từng nhìn thấy bố mẹ tôi, cùng rất nhiều bà con cô bác nông dân khóc ròng trên cánh đồng mồ hôi nước mắt của mình. Bát cơm đã đưa lên miệng, ông Giời lại hất đi!

Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. Cái đói thường trực đã bao nhiêu đời. Không phải chỉ trước và trong năm 1945, chúng ta có đến hai triệu người chết đói, mà sau này, cái đói vẫn tiếp tục hành hạ. Trong cuốn hồi ức “Đối thoại văn chương”, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã dành không ít trang kể về những năm đói ở làng quê tôi.

Gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên vào hợp tác xã nông nghiệp, từ đầu năm 1958. Năm 1959, có chuyện “cải tiến kĩ thuật”, cấy lúa 5 x 5, rồi cho lợn ăn phân trâu. Lợn chảy bụng lõng bõng như cái túi lủng lẳng, mắt toét nhoèn. Phân lợn cũng không có tác dụng để bón cho lúa. Rồi trồng khoai ụ, chẻ tre đan những cái sọt to như cái bồ, có bao nhiêu phân và đất màu mỡ thì hót lên, đổ vào cái bồ đó, làm thành từng ụ, cao ngang đầu người, dây khoai lang đặt vào xung quanh… Cuối cùng, khoai chết, ụ đất thành một cái lô cốt rắn như đá, phải dùng xà beng mới bẩy ra được, mà ruộng thì bạc hết màu…

Xóm tôi đã có người chết đói vào năm đó. Ông Luận, nhà liền nhà tôi, bó người chết trong cái chiếu đem chôn, mồm người chết cứ mở to ra như mồm con cá ngão. Không ai khép cái mồm người chết đói vào được. Sở dĩ có người chết đói vì không ai báo cáo lên cấp trên là hợp tác xã có người đói để cứu đói. Và khi chết đều chết vì tả. Nên có báo cáo thì chỉ báo cáo là chết bệnh, không phải chết đói.

Đói quá cái gì cũng ăn. Ví như lá sắn, lá sung, đều đem luộc, ăn được tất. Làng cứ nháo nhác cả lên. Lúc ấy, mới thấy giá trị của cây đu đủ, ăn hết quả rồi ăn thân cây, bỏ cái vỏ ngoài và cạo sạch cái lòng trắng bên trong, luộc đổ nước đầu đi, rồi nấu lên ăn, ăn lá, rồi ăn cả rễ. Lần đầu ăn nôn nao như say, sau chỉ cồn ruột thôi, nhưng chịu được. Vì gặp cái gì cũng ăn, lại uống nước lã, nên cả làng đi tả, tức là chết vì bệnh tả, chứ không phải vì đói, nhưng thực ra là chết đói… Vì chết do tả, nên người ta chôn vội chôn vàng, sợ lây nhiễm. Có một trường hợp rất đau lòng, khi cải cát (cát táng) mở quan tài của một bà, là mẹ cô em họ tôi, thấy con dao thường bổ cau (bà ăn trầu), rất sắc nhọn, buộc cái quai vào giải rút quần, cắm chặt vào mép tấm ván thiên ngang ngực người chết. Quan tài lúc ấy, đóng vội bằng gỗ tạp, nên gỗ rất mềm. Mọi người bật khóc, vì nghĩ rằng, sau khi chôn, bà đã sống lại và bằng cách đó, bà đã báo cho con cháu biết…

Cái đói không chỉ hoành hành ở làng quê tôi. Nhiều vùng quê khác cũng vậy. Người dân không phải chỉ ăn lá sắn, mà còn ăn cả…đất. Thật rùng rợn. Cụ Ngô Tất Tố, trong phóng sự đặc sắc “Việc làng”, có viết về một ông già ở quê, vào những năm đói kém, đã chế món ăn bằng... đất sét. Cụ xoay thành bao món cho lạ miệng, toàn những sơn hào hải vị cả, nhưng nguyên liệu chính cũng vẫn là... đất. Ăn mãi cũng không no, mà chỉ thấy nặng bụng. Đây là một chi tiết không thể bịa được. Con người ta đói, khi đã đến bước khốn cùng, phải ăn đến cả đất nữa thì khiếp quá.

Nhắc lại một thời gian nan, những chuyện đau lòng quanh hạt gạo ấy, mới thấy việc chúng ta xuất khẩu gạo đứng thứ nhất thế giới, là một sự kiện, một “phép lạ” kỳ diệu đến như thế nào. Đồng đất vẫn đồng đất ấy. Con người vẫn con người ấy, chỉ thay đổi cách quản lý, nhất là thay đổi cách lãnh đạo là đời sống biến đổi như có phép lạ.

Mấy năm vừa rồi, lũ lụt liên miên ở miền Trung, rồi miền Nam, mà ông giời cũng đâu có chiều người. Bằng cớ là không phải chỉ có bão tháng Bẩy, mà đến cả tháng Mười, tháng Mười Một vẫn còn có bão. Có năm, cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng coi như mất trắng. Người dân ngoài Bắc phải nhường cơm sẻ áo cho bà con mình ở trong kia, vậy mà bát cơm cũng có vơi đi đâu.

Giá gạo ngoài chợ cũng không có gì thay đổi. Bây giờ, chúng ta đã xuất khẩu gạo lớn thứ nhất thế giới. Đấy là một “phép lạ của ngày thường”, là niềm vui tuyệt vời, cho thấy cái đói không còn đe doạ nữa. Xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới không có nghĩa chúng ta đã giàu nhất thế giới. Thực tế, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo.

Muốn đất nước giàu lên, không phải chỉ trông vào hạt gạo, mà còn phải trông vào tài nguyên, khoáng sản. Và khoáng sản đắt giá nhất vẫn là trí tuệ. Chừng nào Việt Nam xuất khẩu được trí tuệ thì khi ấy, chúng ta mới thật sự hoá rồng và cất cánh. Bởi một sản phẩm công nghệ, nếu cân đong cơ học chỉ mong manh vài lạng, nhưng lại nặng hơn cả chục tấn lúa gạo của nông dân.

Để đất nước có thể giàu được bằng gạo, có lẽ chúng ta cũng phải đầu tư trí tuệ cho gạo, biến Hạt gạo Việt Nam thành Hạt gạo Trí tuệ, Hạt gạo Thông minh. Ví dụ ăn gạo Việt Nam sẽ không còn bị mỡ máu, không bị béo phì, là những căn bệnh mà cả thế giới đều hoảng sợ chẳng hạn. Nếu có hạt gạo như thế, chúng ta mới thực sự cất cánh, bởi hạt gạo Việt Nam sẽ đắt giá hơn bất cứ sản phẩm công nghệ nào.

Trong công cuộc cách mạng công nghệ hiện nay, niềm mơ ước như thế không còn là viển vông nữa. Trong lúc lật mình vươn dậy, chúng ta vẫn phải trông vào hạt gạo. Nói đến Việt Nam, vẫn là nói đến lúa gạo. Và có thể cả sau này nữa, cho dù chúng ta có bay giữa trăng sao thì cũng vẫn cứ phải sống bằng hạt gạo. Hạt vàng, hạt ngọc của những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương vẫn lặng thầm nuôi tất cả chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên