Trần Đăng Khoa: Lương khủng hay là tham nhũng?
VOV.VN -Làm việc không hiệu quả mà nhận đồng lương ở trên trời, đấy không chỉ là suy thoái đạo đức, mà còn là một tội ác!
Rầm rĩ trong mấy ngày qua, hầu hết các hãng truyền thông và cả những trang mạng xã hội đều đồng loạt đưa tin về mức lương khủng của cán bộ quản lý tại một số công ty công ích ở TP Hồ Chí Minh, gây sự bất bình trong đông đảo công chúng. Báo điện tử VOV đã cập nhật thông tin rất sớm về hiện trạng này. Không ít các ký giả, các bạn đọc đã đưa ra những lý lẽ khá thấu đáo, để kiến giải vì sao lại có những hiện trạng kỳ quái đến như vậy.
Sự việc xảy ra cũng đã lâu, và cũng đã từ lâu, chúng ta trả lương qua thẻ ATM để nhà nước dễ dàng kiểm soát thu nhập cá nhân của các cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, cũng là một cách chống tham nhũng. Vậy có điều gì khuất tất không, mà tại sao các cơ quan chức năng, các Ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vẫn làm việc theo định kỳ hàng năm lại không hề biết mà kịp thời điều chỉnh, ngăn chặn từ xa, để đến lúc báo chí phát hiện thì đã thành một chuyện động trời?
Cứ như giới truyền thông đưa tin, mức lương của ông giám đốc Công ty Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí minh là 2,6 tỷ đồng/ năm. Tính trung bình mỗi tháng, số lương ông ta nhận cũng đã trên hai trăm triệu đồng. Và như thế, mỗi ngày ông nhận gần mười triệu đồng.
Theo hạch toán chi tiết của phóng viên Nguyễn Thu Hà (VOV) thì chỉ tính lương một ngày của ông cũng đã bằng mức lương cả tháng của một công nhân sau 30 ngày lặn ngụp dưới lòng cống hôi thối. Thậm chí, nó còn cao gấp đôi lương tháng của hàng trăm người lao động bị Công ty ông chèn ép bằng thủ thuật chỉ ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội, bớt xén tiền lương và phúc lợi xã hội của công nhân.
Cũng theo tin của giới truyền thông, nói về cơ chế tiền lương của các viên chức làm quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã lý giải khá thấu đáo.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 86. Năm 2012, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Sau đó, Chính phủ ban hành hai Nghị định số 50 và 51 vào giữa năm 2013, quy định rất chặt chẽ về cách hạch toán lương, cách tính mức lương của các viên chức quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Các nghị định cũng điều chỉnh cụ thể mức lương từ tập đoàn tới các Tổng Công ty, các doang nghiệp nhà nước.
Mức lương quy định rõ ràng cho các chức danh như từ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc đến kế toán trưởng… trong mỗi doanh nghiệp nhà nước. Mức cao nhất áp dụng đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn là 36 triệu đồng một tháng. nếu cuối năm, doanh nghiệp có thành tích kinh doanh tốt, lãi cao có thể thưởng thêm, nhưng mức thưởng cũng không thể quá 1,5 lần.
Như vậy là đã quá rõ. Đối chiếu với các nghị định, quy định mà Chính phủ đã ban hành, việc Giám đốc Công ty thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh nhận lương năm 2012 ở mức từ 2,2 đến 2,6 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam là không đúng quy định và “cần phải xử lý theo pháp luật”.
Cũng theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, khi so sánh lương “khủng” của các lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TP Hồ Chí Minh với lương của các nhà Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, những người đứng đầu đất nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, về nguyên tắc chung, lương của lãnh đạo Đảng, nhà nước được tính theo hệ số lương công chức. Mức lương có hệ số cao nhất trong hệ thống này là 14 lần lương cơ bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải người được hưởng mức lương ở hệ số cao nhất. Cộng tất cả các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số lương Thủ tướng nhận mỗi tháng cũng chỉ hơn 17 triệu đồng. Và như thế, lương của ông Giám đốc Công ty thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh còn cao hơn gấp mười lần lương của Thủ tướng Chính phủ.
Thật không thể hiểu nổi.
Nếu Công ty Thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị kinh tế tư nhân, hoàn toàn hạch toán độc lập theo cơ chế thị trường, một đơn vị làm ăn có lãi lớn, lãi khủng, ông Giám đốc có thể tùy theo lãi suất mà điều chỉnh tiền lương, tiền thưởng, ông có thể nhận lương một tháng 200 triệu, 400 triệu, 800 triệu, 1 tỷ, hay 5 tỷ đồng, tiền của ông làm ra, ông có quyền được hưởng, ta chẳng bàn làm chi.
Nhưng đây là cơ quan nhà nước. Lương ông nhận hàng tháng là tiền Nhà nước, tiền đóng thuế của dân. Vậy mà ông lại nhận lương khủng. Lương ngất ngưởng cao, cao đến mức, ngay cả những người điên khùng, giàu óc tưởng tượng nhất cũng không giám nghĩ tới.
Phải nói thẳng ngay rằng, đấy không phải tiền lương. Chẳng có cán bộ nhà nước nào có đồng lương như thế cả. Đấy là tiền nham nhũng. Không còn cách định danh nào đúng hơn thế.
Tham nhũng là căn bệnh phổ biến có tính toàn cầu. Không quốc gia nào không có. Ngay cả ở những nước văn minh phát triển, có hệ thống luật pháp chặt chẽ, hoàn thiện nhất cũng không tránh được tệ nạn này. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng mới gian nan và vất vả biết bao.
Nếu các ngài giám đốc của các công ty thoát nước đô thị mà giải quyết được dứt điểm nạn úng lụt, có nhận lương cao hơn người thì cũng còn khả dĩ thông cảm được, đằng này, hiệu quả công việc lại rất thấp, sau nhiều cuộc đào đường, mà càng đào càng tắc, nhiều trận mưa không lớn lắm, mà phố đã thành sông, họ lại phủi tay đổ hết mọi tội lỗi cho ông giời.
Có người còn bảo tôi, lãnh đạo ngành thoát nước cho đào đường để hợp pháp bỏ túi những khoản tiền lớn, chứ đâu có để giải quyết việc tiêu úng thoát nước. Nhận định này có thể cực đoan, nhưng cũng rất khó bác bỏ, bởi nạn úng lụt càng ngày càng trầm trọng.
Làm việc không có hiệu quả như thế mà lại nhận đồng lương ở trên trời, trong khi công nhân, đặc biết là những người trực tiếp lao động, tiếp xúc với môi trường độc hại mà lại chỉ được nhận đồng lương bèo bọt, nhiều người lương không đủ sống, lại còn bị bớt lương, bớt thu nhập để làm giàu cho lãnh đạo.
Nói như ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì “tội ấy phải trị tới nơi tới chốn, không phải cứ bớt xén tiền của họ rồi, giờ trả lại là thôi”. Cũng theo ông Lê Hoàng Quân, “việc giám đốc bớt xén tiền lương công nhân để làm giàu cho bản thân là sự suy thoái về đạo đức. Trong khi cả Thành phố đang nỗ lực vượt qua khó khăn mà họ thì làm như vậy. Cần phải nhanh chóng lập lại kỷ cương, ý thức trách nhiệm, không thể cứ cho rằng không đụng tới tiền nhà nước thì muốn chia làm sao thì chia, muốn làm gì thì làm...”.
Chả lẽ tiền thuế của dân đóng góp lại không phải tiền của Nhà nước ư? Chả lẽ cán bộ lại có quyền bóp nặn tiền lương của công nhân để làm giàu cho chính bản thân mình? Đấy không chỉ là suy thoái đạo đức, mà còn là một tội ác!
Hoan nghênh Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra kết luận, yêu cầu Công ty Thoát nước đô thị thành phố thu hồi toàn bộ tiền lương chi sai quy định. Ba Công ty Thoát nước đô thị, Chiếu sáng Công cộng thành phố và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn kiểm tra rà soát lại từ trước năm 2011 cho đến nay, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. Các Công ty này cũng phải báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập bất thường của các cán bộ viên chức quản lý.
Sự cố đã xảy ra ở các công ty công ích Thành phố Hồ Chí Minh là những trường hợp điển hình. Liệu còn bao nhiêu những trường hợp tương tự như thế trong các cơ quan doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cả nước? Cần rà soát lại một cách nghiêm túc, không thể muộn hơn./.