Trần Đăng Khoa: Mở cửa nhìn thiên hạ làm giáo dục

(VOV) - Đối thoại của Trần Đăng Khoa với một người bạn về hệ thống giáo dục ở Bỉ nêu nhiều khía cạnh để học tập

Nhà «hàng xóm» ấy là nước Bỉ. Một đất nước ít nhiều cũng còn xa lạ với không ít bạn đọc chúng ta. Nước Bỉ dạy dỗ, giáo dục con em mình như thế nào? Ta chỉ ngắm họ ở một góc hẹp trong lĩnh vực giáo dục thôi.

Tôi có người bạn thân là Trần Thanh Thu. Chị là nhà khoa học, tốt nghiệp xuất sắc tại Nga. Nhiều năm làm việc ở Viện Sinh học - Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay chị đang sống và công tác tại Bỉ. Con trai chị cũng đang theo học phổ thông ở đây. Vì thế, với nền Giáo dục Bỉ, chị là nhà quan sát, cũng là người trong cuộc, một phụ huynh học sinh. Bởi thế, tôi muốn qua chị, cùng với bạn đọc, thử tìm hiểu xem cái ông bạn láng giềng xa ngái này đã giáo dục con em mình ra sao.

Giáo dục phổ thông ở Bỉ là phổ cập bắt buộc (Ảnh minh họa)


- Thưa bà Trần Thanh Thu quý mến, trước khi bàn cụ thể về giáo dục Bỉ, xin bà nói cho bạn đọc hiểu một cách tổng quát về nước Bỉ, cũng xin bà chỉ khoanh lại ở những nét vắn tắt chung nhất có liên quan đến Giáo dục mà thôi.

Trần Thanh Thu: Nước Bỉ tuy nhỏ nhưng là một liên bang với hệ thống chính phủ liên bang, dưới nó là chính phủ Flamant (vùng nói tiếng Hà lan), chính phủ Walonie (nói tiếng Pháp) chính phủ vùng nói tiếng Đức và chính phủ Brussel.

Về mặt điạ lý, Brussels thuộc vùng đất Flamant và đồng thời là thủ phủ của vùng Flamant nhưng có tới hơn 80% dân số nói tiếng Pháp. Xin mở ngoặc thêm một tý: Dân chúng bảo chính vì nhờ cái anh Brussels này nên mới có nước Bỉ như ngày nay, nếu không thì đã có hai nước Bỉ. Hệ thống giáo dục của Bỉ không theo cơ cấu chính phủ mà theo ngôn ngữ sử dụng. Tất cả các cơ sở dạy tiếng Hà Lan chịu sự quản lý của Bộ giáo dục Flamant, cơ sở dạy tiếng Pháp do Bộ Giáo dục Walonie quản lý dù cơ sở nằm ở vùng đất nào. Về cơ bản thì không có sự khác biệt trong hệ thống giảng dạy, trừ môn tiếng mẹ đẻ, văn học và ngôn ngữ.

- Một đất nước mà có đến mấy Bộ Giáo dục. Vậy Hệ thống Giáo dục của họ thế nào?

Trần Thanh Thu: Ở Bỉ giáo dục phổ thông gồm có hai cấp: Tiểu học và trung học. Tiểu học từ 6 đến 12 tuổi; trung học từ 12-18 tuổi. Giáo dục phổ thông ở Bỉ là phổ cập bắt buộc. Khi đã bắt buộc nghĩa là nếu bạn không thực hiện tức là bạn đã phạm pháp, và nếu là phạm pháp thì bạn sẽ bị xử lý, từ phạt hành chính đến vào tù.

Trẻ con ở đây, 6 tuổi là phải đến trường, bố mẹ nào không thực hiện điều này, pháp luật sẽ sờ đến ngay. Ngay cả đối với người nước ngoài, nếu đem con đang độ tuổi đi học vào Bỉ mà không cho con đến lớp cũng sẽ bị pháp luật hỏi thăm. Tất nhiên khi đã bắt người ta thực hiện thì trước hết xã hội phải tạo điều kiện tối ưu nhất để cho người dân dễ dàng thực hiện.

Và đối với việc cho con đi học (một cách bắt buộc) ở đây ít nhất phải có hai điều kiện: Học tập miễn phí hoàn toàn, để bất cứ thành phần xã hội nào cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ đi học này. Và trẻ con phải được an toàn và vui sướng nhất khi đi học. Có thế chúng mới tự nguyện đến trường. Cấp tiểu học ở đây hoàn toàn được chuẩn hóa. Đơn vị hành chính quan trọng nhất là cấp quận, họ phải lo đầy đủ chỗ học, chỗ chơi, khu thể thao, thư viện… theo đúng chuẩn. Tất cả sách giáo khoa, từ bài tập đến tài liệu học tập đều do nhà trường cung cấp.

Mỗi lớp ở tiểu học thường chỉ từ 15-20 cháu. Nếu quá số này phải mở thêm lớp. Nếu bạn xin học tiểu học cho con bạn ở tại quận bạn đang sinh sống thì họ bắt buộc phải nhận dù lúc đó đang là thời điểm nào của năm học. Khi tôi làm xong giấy tờ để đưa con sang đây thì đã là đầu tháng 4. Lúc đó cháu đang học lớp 1. Chỉ hai ngày sau khi cháu đến Bỉ, cháu đã bắt đầu đi học lại mặc dù cháu không biết một chữ tiếng Pháp nào. 

Tại nơi tôi sống lúc đó (ngoại ô Brusela), có xe bus để chở các cháu đi học. Nếu bạn cho con đi học theo xe bus thì bạn sẽ phải đóng tiền nhưng không đáng là bao, kể cả so với học bổng của sinh viên. Và họ quy định, không một cháu bé nào phải đi bộ quá 5 phút từ nhà ra đến bến xe, vì thế khi có một «hành khách» mới họ sẽ xem địa chỉ nhà ở đâu để chỉnh lại bến.

Trước khi cháu nhà tôi đi học, gần đấy không có bạn nào đi xe bus (vì có bố mẹ chở đi học bằng xe riêng) nên không có bến gần nhà. Khi con tôi đăng ký đi học, họ mở thêm một bến ở ngay cửa nhà tôi để đón duy nhất một học sinh, lại là người nước ngoài, không có quốc tịch Bỉ. Điều này làm phụ huynh an tâm về sự an toàn cho con cái mình nhưng cũng có điều bất tiện chút ít là các cháu ở bến đầu phải đi khá sớm vì xe bus đi loanh quanh khá lâu để gom học sinh.

Để  các cháu không mệt mỏi và buồn chán, trên xe bus này có trang bị màn hình và ngày nào cũng chiếu phim hoạt hình. Trên xe bus ngoài lái xe còn có một người phụ trách thu gom các cháu. Thường là những người phụ nữ trung niên làm việc bán thời gian hoặc tự nguyện cho quận. Họ nhớ cháu nào lên xuống bến nào, ai sẽ đón ở bến xuống. Nhiều gia đình cho cả con đang học mẫu giáo đi xe bus.

Suốt 6 năm con tôi học tiểu học tôi không phải đóng một euro tiền trường lớp nào, không phải mua một quyển sách quyển vở nào cho con. Duy nhất đầu năm học sinh được phát một tờ giấy cỡ nửa tờ A4 có ghi một số thứ cần mua cho cả 6 năm học, hình như khoảng 10 thứ: Cặp sách (loại nào tùy thích), compa, thước kẻ, hộp chì màu, 1 cái bút chì 2B, một quyển từ điển bỏ túi Pháp –Hà Lan, một quyển chia động từ.

Những cái này tiết kiệm thì mua một lần dùng cả sáu năm luôn, không có chuyện đầu năm phải mua các thứ mới. Cũng vì những thứ này là đồ bắt buộc phải mua nên đầu năm siêu thị luôn bán hạ giá để phục vụ ngày khai trường. Giá rất rẻ, dường như không đáng kể.

Còn ở Trung học thì mỗi năm học sinh phải đóng 80 euro tiền sử dụng sách giáo khoa, giáo cụ học tập và thuê một ngăn tủ để đồ. Việc học tập của học sinh không được để gián đoạn vì bất cứ lý do gì. Nếu các cháu bị bệnh hay tai nạn phải nằm điều trị dài ngày sẽ có giáo viên đến tận bệnh viện hoặc đến nhà để giúp các cháu theo kịp chương trình. Gia đình không phải trả lệ phí.

Hai vợ chồng sếp tôi đều là giáo sư đại học. Họ có một con trai. Cách đây vài năm khi con họ đang học tiểu học, họ có tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với Cuba. Năm ấy họ phải sang dạy cho lớp cao học ở Cuba trong thời gian đang là năm học và họ cũng không gửi được con cho ai. Họ phải làm đơn xin cho cháu đi theo bố mẹ và họ phải bảo đảm là cháu vẫn phải học hành đầy đủ theo đúng chương trình. Thế là ngày nào bố mẹ cũng phải thay nhau dạy con học để cháu không bị gián đoạn. Việc học sinh không được bỏ học kéo theo hệ lụy là tất cả các công ty du lịch đều «ăn theo» thời khóa biểu của trường học. Cứ đến thời điểm học sinh được nghỉ học, giá vé máy bay, tàu xe du lịch, khách sạn tăng như «pháo thăng thiên».

- Vậy việc tổ chức trường lớp cho các cháu ra sao, trước hết là ở bậc tiểu học?

Trần Thanh Thu: Như tôi đã nói với ông ở trên. Mỗi lớp tiểu học chỉ khoảng từ 15-20 cháu. Nếu đông hơn số đó phải mở lớp mới hoặc học ghép với lớp khác.

Lớp học khá rộng rãi. Ngoài số bàn ghế để cho các cháu có thể ngồi học thoải mái, lớp còn có các góc cho các cháu ngồi nghỉ, đọc sách, chơi với nhau trong giờ nghỉ trưa vì các cháu học ở trường cả ngày. Bàn ghế nhẹ nhàng dễ di chuyển, bàn liền với ghế, để các cháu có thể thay đổi vị trí tùy theo bài học và cũng tùy theo ý thích. Ngoài cửa lớp có giá treo áo khoác của các cháu. Nói chung các trường tiểu học ở đây chỉ có một lối vào khu học tập, có bảo vệ, chỉ có thầy cô giáo và học sinh mới được vào khu vực này trong năm học.

Bên cạnh phòng bảo vệ có phòng rộng để trông các cháu ngoài giờ vì giờ tan học thường là 16h30. Nhà trường nhận trông các cháu đến 19h tối, tiền trông trẻ ngoài giờ là 20 cent/giờ. Phòng trông trẻ ngoài giờ nằm ngoài khu lớp học, nối với sân chơi. Trong năm học nếu phụ huynh có cần gì thì liên hệ với hiệu trưởng chứ không bao giờ liên hệ với cô giáo phụ trách lớp.

Cuối năm có buổi gặp gỡ phụ huynh. Cô giáo gặp từng phụ huynh một theo giờ hẹn chứ không họp chung. Bạn nhận được thư hẹn, đến phòng họp sẽ thấy học bạ của con mình trên bàn. Trước khi gặp trao đổi với giáo viên, bạn có thời gian đọc học bạ để có thể thảo luận với giáo viên. Con tôi học rất giỏi và không có vấn đề gì ở trường, từ năm lớp hai nhà trường cuối năm đều  gửi thư nói: «cháu P học tốt, nếu ông bà không có thắc mắc gì cần trao đổi thì không cần phải có mặt tại buổi họp. Còn nếu ông bà muốn thì có thể đến vào lúc… ». Vì thế suốt 6 năm con tôi học tiểu học tôi gặp giáo viên duy nhất có một lần và không hề có một món quà cáp nào cho cô. Mà nếu có biếu, họ cũng không nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên