Trần Đăng Khoa: Những chuyện tử tế
VOV.VN - Nếu toàn xã hội sát cánh cùng ngành y, đặc biệt là các bệnh nhân thì các thầy thuốc mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình.
Gọi là “Những chuyện tử tế” thì cũng chẳng có gì sai, mà cũng không khác đâu, ông Trần Đăng Khoa ạ. Đấy là cách gọi ngắn gọn nhất, dù cái tên hơi quen quen.
Đã từng có một bộ phim tài liệu rất nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thuỷ những năm 80 của …thế kỷ trước lấy tên là “Chuyện tử tế”. Chuyện hôm nay chúng ta bàn, dù nội dung khác hẳn, nhưng cũng là chuyện tử tế. Ông đồng ý chứ?
Tôi đồng ý.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Thế thì vào chuyện nhé! Bạn đọc rất ấn tượng trong buổi trao giải thưởng cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” của Bộ Y tế và phần giao lưu với Trưởng ban Giám khảo cuộc thi và những thầy thuốc tiêu biểu tại buổi lễ. Điều đó cho thấy, ở đâu đó còn có những sai sót chuyên môn, còn có những thầy thuốc có thái độ và trách nhiệm chưa đúng mực, nhưng trên hết, vẫn có biết bao những tấm gương người thầy thuốc đang hằng ngày lặng lẽ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông thấy sao?
Tôi đánh giá rất cao báo “Sức khoẻ & Đời sống” và Bộ Y tế trong việc tổ chức cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” này nhằm tôn vinh những thầy thuốc chân chính. Mà cũng phải thôi. Từ các bậc thiên tài, các nhà lãnh đạo đến những người dân cần lao, số phận có thể khác nhau, vị thế cũng rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm chung: Đều gắn bó mật thiết với ngành Y tế.
Khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, gương mặt đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy, không phải mẹ ta, mà lại là các thầy thuốc, những người vừa dìu mẹ ta qua cơn “vượt cạn”. Và công việc đầu tiên của họ là lau gương mặt cho ta thật sạch, đưa chúng ta đến với mẹ mình.
Khi chưa có siêu âm, công việc đầu tiên của các bà mẹ thường quờ tay xem đứa con thân yêu của mình nó “đái đứng” hay “đái ngồi”. Và rồi khi trái gió trở trời, hắt hơi sổ mũi hoặc những lúc cam go vật lộn với thần chết, người đồng hành cùng ta là các thày thuốc. Và cả khi ta nhắm mắt xuôi tay, người đầu tiên vuốt mắt ta, tiễn ta về cõi không cùng cũng là các thày thuốc. Thế là trọn một vòng đời phải không?
Vậy mà lạ kỳ, tuyệt không có một bài thơ nào, một ca khúc, tiểu thuyết, cuốn phim, hay một tác phẩm nghệ thuật nào cho thật ra hồn về những bậc ân nhân của chúng ta? Trong khi chúng ta có rất nhiều bài hát đặc sắc về người giáo viên nhân dân, người phụ nữ Việt Nam, người chiến sĩ biên phòng, cô nuôi dạy trẻ, anh chăn bò Hồ Giáo…
Rồi mọi ngành nghề, rồi tỉnh ca, huyện ca, xã ca… Nhiều vô kể. Nhưng tôi đố bà, thách cả các nhà phê bình nghiên cứu thử tìm lấy một vài hát nào, một bài thơ nào, hay một cuốn tiểu thuyết nào thật sự có giá trị về ngành y tế?
Ở nước ngoài may mắn còn có “Đốc tờ Rivago” của Boris Paxternac, nhưng cuốn sách cũng vẫn chưa phải là một kiệt tác và cũng không phải viết về ngành y tế. Còn Việt Nam thì không? Tuyệt nhiên không. Ngay cả những tác giả có tài, có tên tuổi ở ngay chính ngành y tế như nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương, nhà thơ nhà báo Trần Sĩ Tuấn, nhà viết kịch Vũ Dũng Minh, nhà biên kịch điện ảnh Trần Quán Anh thì những tác phẩm xuất sắc nhất của họ cũng không phải viết về ngành y tế. Tại sao vậy nhỉ?
Ngay cả cha ông chúng ta xưa, những người rất sâu sắc và ân nghĩa, khi để lại cho chúng ta những di sản tinh thần, cũng lại là lời ca thán: “Đàn ông vượt bể còn có chúng có bạn. Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình…”. Rất ngùi ngẫm. Đúng không? Nhưng có thật đàn bà vượt cạn chỉ có một mình không? Không! Có các thầy thuốc chứ! Ngày xưa ở các làng quê, không có thầy thuốc thì cũng có người đỡ đẻ, như ông lang, bà lang, vì thế, chửa đẻ là nỗi hãi hùng. Vì thế các cụ mới bảo: “Chửa là cửa mả!”.
Bây giờ, với sự hỗ trợ của y tế, đẻ vô cùng đơn giản, thậm chí chẳng có đau đớn gì. Ông bạn tôi ở bệnh viện C, đã mổ đẻ hàng vạn ca, mỗi ca chỉ vài phút, lấy cả một đứa con mấy cân ra mà trên bụng không để lại vết sẹo nào. Ông ấy rạch theo đường viền mép bụng nên các ông chồng không thể phát hiện ra. Ai đó khen thì ông ấy bảo, tớ chỉ là hạng bét, viện này nhiều người mổ tài hơn tớ nhiều.
Mà bây giờ mổ đẻ đâu có phải là phẫu thuật vì nó quá đơn giản. Tài thế. Vậy tại sao người thầy thuốc vẫn bị người đời bỏ quên ngay cả khi họ vẫn đang hiện hữu? Vì thế tôi đánh giá rất cao người có sáng kiến tổ chức cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”. Đúng là hy sinh thật. Mà mấy lần hi sinh…
Với góc độ là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, ông thấy cuộc thi thế nào?
Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, bác sĩ, Thày thuốc Nhân dân, TBT báo Sức khoẻ & Đời sống đã thay mặt BGK nói rất hay về điều này rồi. Đây là cuộc thi báo chí, chứ không phải văn chương nghệ thuật. Và đã là báo chí thì nét đặc sắc nhất phải là tính phát hiện. Mỗi bài viết là một phát hiện về một tấm lòng, một con người cao đẹp.
Cái tài của các nhà báo đã biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế xã, các trạm xá… thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim. Có tác giả đã xông vào môi trường khắc nghiệt cùng người thầy thuốc, có người vượt hàng chục hải lý ra tận đảo Lý Sơn, Hoàng Sa… có người đã tìm về trạm y tế ở vùng sâu biên giới Tây Nam, có người phải vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước Mù Cang Chải...
Thế còn với góc độ của một người dân, cũng từng đi khám chữa bệnh, ông nhận xét thế nào về các bác sĩ, về sự đổi mới của ngành y tế chúng ta?
Tôi vốn sẵn yêu quý các thầy thuốc, nên nói sẽ không khách quan, vả lại bạn đọc sẽ nghi ngờ: “Ôi dào, cái lão già khú đế, sắp chết rồi, nên phải nịnh các thầy thuốc, để hy vọng lúc vào viện còn được chiếu cố”. Tôi xin nhường lời cho bạn bè quốc tế. Họ không liên quan gì đến ân huệ của chúng ta, họ lại có chuyên môn, là người trong nghề với các thày thuốc ta.
Tôi đã 6 năm học ở Nga, đã nằm ở bệnh bệnh viện Nga, lại cũng đã khám bệnh ở Mỹ. Ở Mỹ thuốc không bán tràn lan như ta, tất cả phải có đơn của thầy thuốc. Để mua một viên thuốc sổ mũi thôi cũng phải vào viện khám. Mà khám tổng thể. Tiền khám bệnh còn lớn gấp trăm lần tiền mua thuốc.
Khi biết tôi là người Việt, họ khen bác sĩ ta lắm. Họ bảo bác sĩ Việt Nam tài lắm. Họ đến học chúng tôi, nhưng năng lực vượt trội hơn chúng tôi nhiều. Cái tài của họ thể hiện qua ba phương diện: Một là chẩn đoán bệnh. Đối với ngành y, đây là khâu quan trọng nhất. Chẩn đoán mà sai thì phác đồ điều trị sẽ sai. Điều đó rất nguy hiểm. Hai là khả năng mổ xẻ. Người Việt nhỏ, đôi bàn tay cũng nhỏ nên khéo lắm. Đôi tay họ như có mắt. Ba là khả năng xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình điều trị. Tài lắm.
Họ chỉ thua chúng tôi thiết bị y tế và điều kiện làm việc. Quả đúng như vậy. Bệnh viện ở Việt Nam đúng là chỉ có ở Việt Nam. Ông R. Bert, nhà sử học người Bỉ, cha nuôi của nhà báo nổi tiếng Hoàng Anh Sướng có lần vào bệnh viện thăm mẹ Sướng nằm điều trị ở một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội. Ông kinh khiếp khi thấy bệnh nhân chen chúc hai, ba người nằm một giường, có bệnh nhân nằm dưới gầm giường, nằm tràn cả ra hành lang. Ông bảo ở nước tôi mà thế này thì chính quyền không bao giờ có thể yên được với dân.
Hôm vừa rồi, ông mổ tiền liệt tuyến ở một bệnh viện Bỉ, qua điện thoại di động “nối” trực tiếp với Sướng, tôi thấy ông ở một mình một buồng, sang trọng như một khách sạn 5 sao. Người nhà có vào thăm thì cũng chỉ chốc lát. Còn túc trực chăm sóc là các bác sĩ, y tá, hộ lý, chứ không phải người nhà.
Tất nhiên, tôi không ngờ nghệch đem bệnh viện hay điều kiện chữa trị của nước ngoài so sánh với ta, nhưng để bệnh nhân sống quá khổ, trong khi chúng ta hoàn toàn có điều kiện cải thiện được là chúng ta có tội với dân. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý các cấp hãy hết sức lưu tâm đến vấn đề này.
Tôi biết chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Rất nhiều việc phải làm. Nhưng cái gì lui lại được, để lại được thì hãy lui lại, làm sau, ví như xây các tượng đài, các trụ sở quá hoành tráng, các khách sạn, chung cư cao tầng quá hiện đại, hay thay xe sang mỗi lần lên chức, trong khi xe cũ vẫn còn quá tốt đã thanh lý. Hãy tiết kiệm tối đa để lo những việc cấp thiết trước mắt.
Việc cấp thiết nhất theo tôi là trường học cho trẻ em, đặc biệt là những nơi khó khăn như vùng sâu vùng xa. Nhiều cháu không có lớp để học. Có cháu bé phải chui vào túi ni lông hay đu dây như khỉ vượn để vượt suối đến trường. Kiếm được một con chữ ở xứ này sao mà khổ hạnh đến vậy? Việc thứ hai cấp bách là chữa bệnh cho dân. Thay vào những chung cư, khách sạn hiện đại, chúng ta hãy xây những bệnh viện hiện đại đi, nếu thiếu đất thì dâng lên cao tầng, để làm sao mỗi người dân vào viện được nằm một giường riêng? Cái đó có phải là ước mơ xa xỉ không?
Tôi rất cảm động khi bà Bộ trưởng Bộ Y tế Tết vừa rồi đã có mặt trong một bệnh viện ở thành phố HCM để đón một cháu bé ra đời vào đúng khoảnh khắc giao thừa. Nhưng tôi cũng rất đau lòng khi bà đến thăm một bệnh viện u bướu, thấy các cháu nhỏ chừng ba bốn tuổi bò từ trong gầm giường ra để đón vị ân nhân của mình. Xin các vị lưu ý cho, đây là các cháu bị ung thư, thời gian sống chỉ còn được tính bằng khoảnh khắc. Những ai còn có chút lương tri, không thể cầm lòng….
Cám ơn ông đã chia sẻ với ngành y.
Ngành y nhiều tài lắm. Bác Hồ bảo: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp”. Qua bốn lần thi, chúng ta phát hiện ra cả một rừng hoa đẹp của Bộ Y tế. Ngay hai bác sĩ ngồi giao lưu với tôi là bác sĩ Trịnh Hồng Sơn và bác sĩ Trần Văn Thuấn, hàng trăm bạn đọc đã nhắn tin vào máy của tôi. Họ gọi đấy là hai vị cứu tinh của những người bất hạnh.
Một độc giả có số điện thoại 09041088xx còn khẳng định: “Người ngồi bên nhà thơ là những hiền tài của đất nước đấy”. Ông Trần Văn Tuyên, cựu Phó Giám đốc Sở văn hoá Thái Bình cũng bảo: “Ông Trịnh Hồng Sơn đã mổ cho tôi. Tôi bị ung thư thành tá tràng, mấy bệnh viện đã khẳng định thế, tưởng sẽ chết, thế mà ông ấy mổ tôi lại khỏi chú ạ. Bây giờ không còn chảy máu, mà siêu âm sạch ung thư rồi. Hôm ông ấy mổ cứu tôi, tôi có nhìn rõ mặt ông ấy đâu. Bây giờ tôi mới biết ông ấy trên …ti vi. Tôi và vợ tôi, các con cháu tôi cứ vái ông ấy, mà lại vái lên cái… ti vi. Nếu chú gặp ông ấy thì nhắn hộ tôi rằng, cả nhà tôi thờ sống ông ấy đấy”.
Ngành y là một ngành nhạy cảm bởi nó gắn liền với sức khoẻ của con người. Khi thành công thì báo chí ca ngợi, nhưng khi sai sót, thậm chí sai sót chưa được kiểm chứng đã bị một số báo chí "ném đá". Là người làm truyền thông, ông nghĩ thế nào?
Tôi biết các thày thuốc bị nhiều áp lực. Nhưng dù bị áp lực thế nào, tôi cũng mong các anh các chị thận trọng, không phải tránh rủi ro, vì khó tránh lắm, nhưng hạn chế đến tối đa những sơ xuất, vì đó là tính mạng con người. Tôi cũng mong các nhà báo là những đồng nghiệp của tôi hãy đồng hành với ngành y, lăn lộn với ngành y như các nhà báo được trao giải trong cuộc thi này.
Báo chí là một sức mạnh đặc biệt. Bởi nó có khả năng định hướng và tạo niềm tin của dân đối với ngành y. Nếu toàn xã hội sát cánh cùng ngành y, đặc biệt là các bệnh nhân thì các thày thuốc mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình. Bệnh nhân điều trị mà không tin thày thuốc thì làm sao thầy thuốc điều trị được.
Xin cảm ơn ông…/.