Trần Đăng Khoa: Thị Mầu đi tiếp thị?

(VOV) -Các điệu hát không cải biên, vẫn giữ nguyên những làn điệu chèo truyền thống quen thuộc, vậy mà người xem vẫn bị thôi miên...

Bảo cô Thị Mầu đi tiếp thị, nghe có gì điêu điêu. Cứ như là nói lấy được. E rằng, chính cô Mầu sẽ tốc dải yếm lên mà quở: "Này, đừng có mà vu oan giá hoạ cho chị nhé. Nhà chị có đến chín chị em. Chỉ có chị đứng đắn nhất, xinh đẹp nhất. Người xinh cái bóng cũng xinh. Tài tử, văn nhân, cho đến cả tổng giám đốc nữa, cứ là theo chị như ruồi. Chị xua bảy ngày cũng chả hết! Thế thì việc gì mà chị phải đi tiếp thị".

Quả là người đẹp, người ngoan thì đi đâu, về đâu cũng lấy được chồng. Cô Mầu của ta vẫn rất sáng giá và Nhà hát Chèo Hà Nội cũng theo cô mà lên ngôi. Không phải chỉ có ta mê, mà cả Tây cũng mê. Chèo Hà Nội đã từng có thời thành một tụ điểm của du lịch Hà Nội. Khách quốc tế đến thủ đô ta, sau khi đi thăm những danh lam thắng cảnh Hà Nội, thưởng thức đặc sản Hà Nội, lại được nghe vài điệu chèo, xem mấy tích chèo. Mấy ông Tây thấy Thị Mầu mắt lúng la lúng liếng ghẹo thầy tiểu cũng gật gù tâm đắc lắm. Có lẽ không cần phải biết tiếng Việt, họ cũng hiểu trên sân khấu, cô Mầu đang làm gì. Những ái ố hỉ nộ thì ở đâu mà chẳng có. Chèo Hà Nội không chỉ diễn ở Hà Nội, đã có thời, đoàn còn mang chuông đi “đấm” xứ người. Rồi “đấm” khắp thiên hạ. Đến đâu cũng được yêu mến. Nhiều hôm phải “chạy sô” tới mấy tua.

Cảnh Thi Mầu lên chùa trong vở chèo Quan âm Thị Kính



Nói đến chèo Hà Nội, tôi lại nhớ đến Nghệ sĩ ưu tú Quốc Chiêm. Một người sinh ra dường như chỉ là để hát chèo, diễn chèo. Giới phê bình sân khấu và anh chị em phóng viên báo chí có dạo còn gọi anh là “ông vua chèo”. Rồi “chàng hoàng tử của ba nước Đông Dương”. Sở dĩ Quốc Chiêm có biệt danh ấy vì anh đã thành công trong việc hoá thân thành ba anh chàng Hoàng tử. Hoàng tử xứ ta, Hoàng tử nước Lào. Rồi Hoàng tử Pơ Liêm của Campuchia trong vở Nàng Sita của hai cha con nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ. Anh còn sắm nhiều vai khác, trong đó có không ít những tiểu phẩm hài, diễn cùng Xuân Hinh. Dù ở vai nào, Quốc Chiêm cũng tạo được ấn tượng, thu hút cảm tình đặc biệt của khán giả.

Quốc Chiêm là một diễn viên đặc biệt xuất sắc. Chỉ tiếc những năm gần đây, anh không còn xuất hiện trong ánh đèn sân khấu nữa vì bận làm công tác quản lý. Quốc Chiêm đã mấy năm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội. Ta cũng mừng cho anh. Mừng cho cả làng chèo. Có một nhà lãnh đạo ngành hiểu chèo, lại từ chiếu chèo mà đi lên, kể cũng là may mắn cho chèo lắm. Nhưng để có một nhà lãnh đạo ngành mà lại phải “đánh đổi” và rồi “hi sinh” một nghệ sĩ thực sự tài năng thì quả là một điều đáng tiếc lắm thay!

Chèo, Tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống. Ở các nước khác, ví như Nga chẳng hạn, những loại hình nghệ thuật truyền thống này thường được nhà nước tài trợ để bảo tồn và phát triển. Nhưng ở ta thì lại chẳng mấy ai quan tâm. Vậy thì làm sao loại hình nghệ thuật truyền thống ấy có thể tồn tại được? Không ít đoàn gần như “sập tiệm”, hoặc có sống cũng lay lắt, vất vưởng. Những vở chèo cổ vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng chả lẽ lại cứ nương náu, cứ sống nhờ hương hoả cha ông mãi?

Những vở đề cập đến đề tài hiện đại thì lại có gì sống sượng, gượng dạo. Để những nhân vật là ông tây, bà đầm nào đó hát chèo không ổn đã đành. Ngay cả những con người quen thuộc như anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Mạc Thị Bưởi, hay đồng chí Nguyễn Văn Cừ hát chèo cứ thấy có gì sống sượng. Không ổn. Hình như chèo không dung nạp được những đề tài hiện đại. Người xem thưa vắng dần. Nhiều vở không diễn nổi đến mấy buổi.

Nhưng nếu vì thế mà bảo người Việt đã tẩy chay chèo thì cũng không đúng. Người ta vẫn thích chèo, nhưng là thích những làn điệu chèo, những bài hát chèo phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào các buổi trưa hay lúc đêm khuya. Còn xem cả một vở chèo mới thì uể oải lắm. Cũng may mà làng chèo ta lại có được ông Tào Mạt. Ba vở liền của Tào Mạt đã vực chèo dậy, đã kéo được khán giả trở lại với loại hình sân khấu cổ truyền này. Nhưng sòng phẳng mà nói, chèo Tào Mạt là một dạng kịch hát. Nó là chèo mà cũng không còn là chèo nữa. Những bài hát trong vở là những ca khúc của Tào Mạt dựa theo cái hơi của chèo.

Sau Tào Mạt là hai cha con nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ với vở Nàng Sita cũng cùng một xu hướng cách tân như thế. Lời hát trong Nàng Sita là nhạc Bùi Đức Hạnh, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Tình ca Tây Bắc”. Sau đó lại trống vắng. Có nhà phê bình sân khấu bảo tôi: “Kịch bây giờ chả có gì xem. Đặc biệt, sau khi nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mất, sân khấu ta dường như “sụt thế”. Đến nay đã gần 30 năm rồi mà vẫn chưa hồi dậy được.”

Chính vì vậy, có lần, khi nhà văn Lưu Sơn Minh có tấm vé rủ đi xem chèo, tôi rất ngần ngại. Nhưng thấy bạn nhiệt tình quá, tôi cũng đành miễn cưỡng đi theo. Đến nhà hát, tôi thực sự kinh ngạc khi thấy khán giả rất đông. Mà toàn là giới trẻ. “Chơi” được với giới trẻ thì mới có tương lai. Cung Văn hóa Hữu Nghị với hơn ngàn ghế ngồi đã dát đặc người. Nhà hát Chèo Hà Nội cho ra mắt công chúng 5 vở hài kịch ngắn: “Đi hỏi vợ”, “Vợ chồng Bá Kiến”, “Bù nhìn rơm”, “Khách ở quê ra”, “Thị Hến”.

Trong 5 vở này, có vở phát triển từ truyện cổ tích dân gian. Có vở chuyển thể từ tác phẩm văn học quen thuộc. Có vở đề cập những mẩu chuyện đời vặt vãnh mà ta vẫn gặp hàng ngày. Nhiều vở khán giả đã biết trước nội dung. Nghĩa là những yếu tố bất ngờ của cốt truyện kịch không còn nữa. Đã thế, các điệu hát cũng không cải biên, vẫn giữ nguyên những làn điệu chèo truyền thống quen thuộc đã có từ hàng ngàn tuổi. Vậy mà vẫn hấp dẫn. Người xem hoàn toàn bị thôi miên từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến những giây phút cuối cùng. Hoá ra chèo không èo uột như một số người lầm tưởng.

Điều thú vị là gần đây, lại có những ông Tây, bà Đầm ở những nước xa tít mù tắp nào đó tìm đến với nghệ thuật chèo, rồi chiêm ngưỡng loại hình nghệ thuật truyền thống của chúng ta như những báu vật. Ông Rick Yvanovich, người Anh đã lập một trang Web bằng tiếng Anh, giới thiệu Tuồng, Chèo, Cải lương của ta cho bạn bè quốc tế thưởng thức. Đặc biệt, cô Eleanor Claphan người Úc còn lặn lội sang ta tìm các nghệ nhân để học tuồng chèo, rồi hóa thân vào những nhân vật kinh điển trong các trích đoạn: “Súy Vân giả dại”, “Dư Hồng xuống núi”,“Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Thị Mầu lên chùa”, đĩnh đạc và nhuần nhuyễn như một nghệ sĩ Việt Nam đích thực.

Vậy thì cô Thị Mầu đâu phải đã hết duyên!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa phân tích tình hình bán đảo Triều Tiên
Trần Đăng Khoa phân tích tình hình bán đảo Triều Tiên

(VOV) - Trong suy nghĩ của lão Khoa, sẽ chả có cuộc chiến tranh nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cả.

Trần Đăng Khoa phân tích tình hình bán đảo Triều Tiên

Trần Đăng Khoa phân tích tình hình bán đảo Triều Tiên

(VOV) - Trong suy nghĩ của lão Khoa, sẽ chả có cuộc chiến tranh nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cả.

Trần Đăng Khoa: Dân cần nhất là niềm tin và chữ "tín"
Trần Đăng Khoa: Dân cần nhất là niềm tin và chữ "tín"

(VOV) -Nếu chuyển bản “thuyết trình” bằng hình cho các cơ quan chức năng thì khác nào ném vàng vào cõi mịt mù...

Trần Đăng Khoa: Dân cần nhất là niềm tin và chữ "tín"

Trần Đăng Khoa: Dân cần nhất là niềm tin và chữ "tín"

(VOV) -Nếu chuyển bản “thuyết trình” bằng hình cho các cơ quan chức năng thì khác nào ném vàng vào cõi mịt mù...

«Bí mật» của Trần Đăng Khoa ở nước Nga
«Bí mật» của Trần Đăng Khoa ở nước Nga

 (VOV)-Gọi là «bí mật», nhưng thực ra cũng chẳng còn gì là «bí mật». Bởi Lão Khoa cũng đã có lần kể ở đâu đó, hình như trên truyền hình..

«Bí mật» của Trần Đăng Khoa ở nước Nga

«Bí mật» của Trần Đăng Khoa ở nước Nga

 (VOV)-Gọi là «bí mật», nhưng thực ra cũng chẳng còn gì là «bí mật». Bởi Lão Khoa cũng đã có lần kể ở đâu đó, hình như trên truyền hình..

Trần Đăng Khoa: Giật mình nghe học sinh phê phán giáo dục
Trần Đăng Khoa: Giật mình nghe học sinh phê phán giáo dục

(VOV) - Lão Khoa rất tâm đắc với lập luận của em học sinh: Học thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp nổi bóng đèn thì học làm gì?

Trần Đăng Khoa: Giật mình nghe học sinh phê phán giáo dục

Trần Đăng Khoa: Giật mình nghe học sinh phê phán giáo dục

(VOV) - Lão Khoa rất tâm đắc với lập luận của em học sinh: Học thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp nổi bóng đèn thì học làm gì?

Trần Đăng Khoa: Du lịch "chặt chém" và "Uỷ ban xin lỗi"
Trần Đăng Khoa: Du lịch "chặt chém" và "Uỷ ban xin lỗi"

(VOV) -Cần phải có một giải pháp mạnh, phạt thật nặng những kẻ phá hoại ngành du lịch và làm nhục quốc thể

Trần Đăng Khoa: Du lịch "chặt chém" và "Uỷ ban xin lỗi"

Trần Đăng Khoa: Du lịch "chặt chém" và "Uỷ ban xin lỗi"

(VOV) -Cần phải có một giải pháp mạnh, phạt thật nặng những kẻ phá hoại ngành du lịch và làm nhục quốc thể

Trần Đăng Khoa: Phiếm luận về hạt nhân và thần đồng
Trần Đăng Khoa: Phiếm luận về hạt nhân và thần đồng

(VOV) -Chuyện phiếm của Lão Khoa với độc giả về chiến tranh hạt nhân và phát ngôn gây sốc của thần đồng

Trần Đăng Khoa: Phiếm luận về hạt nhân và thần đồng

Trần Đăng Khoa: Phiếm luận về hạt nhân và thần đồng

(VOV) -Chuyện phiếm của Lão Khoa với độc giả về chiến tranh hạt nhân và phát ngôn gây sốc của thần đồng