Trần Đăng Khoa: Tiếng Việt ngày càng mất chuẩn
VOV.VN - Thời nay, các nhà giáo dục chỉ chú tâm đào tạo tiến sĩ, giáo sư, mà không đặt hướng chuẩn mực cho hệ thống phát âm tiếng Việt.
Người gióng lên tiếng chuông báo động này không phải tôi mà là thầy Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng bộ môn Dịch, Phó Trưởng khoa Tiếng Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Đại học Hà Nội. Thầy rất tâm đắc với chuyên mục “Blog tòa soạn” trên báo VOV, khi tờ báo bàn thẳng về những vấn đề nhức nhối của xã hội, trong đó có mảng Giáo dục và Đào tạo.
Thầy viết cho tôi một bức thư khá dài, bàn về Tiếng Việt mất chuẩn, gây hệ lụy cho việc học ngoại ngữ. Với bề dày của kinh nghiệm thực tiễn, bằng tầm nhìn khá sâu rộng của một người quản lý kiêm đứng lớp, thầy đưa ra nhiều kiến giải khá sắc sảo. Tôi trịnh trọng chuyển ý kiến của thầy đến đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những nhà Lãnh đạo ngành Giáo dục, các bạn ký giả và những người làm công tác truyền thông.
Qua thực tiễn giảng dạy, thầy Thắng nhận ra rằng những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều sinh viên hệ Chính quy, trong đó có bộ môn Tiếng Pháp thày giảng dạy, gặp khó khăn trong học phát âm, thậm chí luyện mãi mà không đọc đúng một số âm như [y] [ﮐ ] [з ]. Hiện tượng này trước kia cũng có nhưng không nhiều và dễ khắc phục.
Các nhà giáo dục chỉ chú tâm đào tạo tiến sĩ, giáo sư, mà không đặt hướng chuẩn mực cho hệ thống phát âm tiếng Việt. Ảnh: Tạp chí Cửa Việt |
Theo thầy, vấn đề này có nguyên nhân từ việc tiếng Việt càng ngày càng bị bóp méo, mất chuẩn. Người ta nói sai, viết sai và hiểu sai tiếng Việt một cách bừa bãi, vô trách nhiệm đến mức đáng báo động. Sự méo mó của tiếng Việt đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến việc học tiếng Pháp nói riêng, học ngoại ngữ nói chung, nhất là khâu phát âm, một mắt xích cực kỳ quan trọng của giao tiếp.
Tiếng Việt bị “chệch đường ray” xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân đầu tiên theo thầy là “Sai lầm từ tầm vĩ mô”. Ngày xưa, học sinh lớp 1 được học bảng chữ cái, luyện cách đọc từng chữ a, bê, xê, dê, đê…(A,B,C,D,Đ…), rồi học ghép vần (đánh vần), thí dụ bờ-a-ba (ba). Tức là phân định ranh giới giữa chữ cái (ký tự) và âm hoặc kết hợp chữ cái và vần, như “tr”, “ch”, “kh”, “êu”, “oi”... để tạo thành từ.
Hiện nay, cách làm này vẫn được áp dụng trong các phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tiếc thay thời nay, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục chỉ muốn vươn lên tầm vĩ đại như đào tạo ào ạt tiến sĩ, phong thật nhiều giáo sư, phó giáo sư mà không đặt hướng chuẩn mực cho hệ thống phát âm tiếng Việt.
>> Đọc thêm: Phản biện Trần Đăng Khoa và thầy Thắng về tiếng Việt “lệch chuẩn”
Người ta trộn lẫn chữ cái với âm (vần) trong một món ô hợp, dẫn đến sự ứng dụng ngôn ngữ không đồng đều, lộn xộn, bát nháo, và không ngoa mà nói là "quân hồi vô phèng". Giáo viên cấp I bắt trẻ con đọc các chữ cái a-b-c-d-đ… là a-bờ-cờ-dờ-đờ, cũng như vậy l-m-n-r là lờ-mờ-nờ-rờ….MC của Chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” trên VTV3, một chương trình dành cho tiếng Việt, không những đọc chữ “g” là “gờ” mà còn ép người chơi bắt chước cái sai của mình khi họ phát âm đúng là "giê". Cũng tương tự, chữ cái “q” ( [q] tròn môi, vẫn được dùng trong giáo trình Tiếng Việt cơ sở) bị đọc là “cu” (vậy nên mới có chuyện ông này ông nọ được “cắt cu” khi đôn từ vị trí “quyền giám đốc” (Q. Giám đốc) lên Giám đốc. Lỗi này chính là thủ phạm khiến học sinh ngày nay không đọc đúng âm [y] tròn môi như trong các từ “tu”, “russe”, “sur”... của tiếng Pháp.
Cũng theo thầy Thắng, sự méo mó của Tiếng Việt ấy bắt nguồn từ “hội chứng đám đông”.
Ở ta, cụm từ “Hội chứng đám đông” được dùng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng vì có quá nhiều điều day dứt để nói: Ùa đi mua vàng khi vàng tăng giá. Lũ lượt kéo nhau vào rừng tìm trầm vì nghe tin có người vớ được bạc tỷ nhờ bán lâm sản quý này. Ào ào rút tiền từ ngân hàng ACB khi “bầu” Kiên bị bắt…
Đại đa số ca sĩ Việt thể hiện ca khúc “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn bằng những âm thanh ghê rợn "Xống chong đời xống cần có một tấm lòng". Trong tiếng Việt, từ "xống" là tên gọi của loại "quần không đáy người ta hãi hùng" của đàn bà thời xưa, vậy mà họ không ngần ngại tuôn ra từ mồm rồi nhét vào tai thính giả. Thật là lố bịch khi một nhạc sĩ là giám khảo cuộc thi "Tìm kiếm tài năng", trong buổi tối 23-12-2012, đã cố tình vẹo mồm, uốn lưỡi ra vẻ khổ sở nhại lại từ "rõ ràng" sau khi một thí sinh phát âm chuẩn từ này trong câu trả lời "chim cu gáy rõ ràng hơn chim bồ câu".
Ngoài tiếng Pháp, khi học tiếng Hoa, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng A-rập, thày Thắng thấy có cả một hệ thống dạy phát âm được chuẩn bị công phu, khoa học, nên không có sự à uôm lẫn lộn các âm, người dân hầu như không phát âm sai. Nói một cách khác là không có sự “mềm hoá”, “bẹt hoá” một cách tùy tiện, vì nếu sai âm ắt dẫn đến sai nghĩa của từ. Chẳng hạn như trong tiếng Pháp : "chat" hoàn toàn khác với "sa", " les jeux" không thể là "les oeufs".
Trong tiếng Việt, mỗi chữ cái cho một âm riêng, nhưng sự "mềm hoá" đã tạo môi trường cho sự xâm lấn, chữ cái này “ăn cắp”, triệt tiêu âm của chữ cái khác, dẫn đến hệ luỵ khôn lường, đã và đang gây nên sự hiểu nhầm hoặc không hiểu nghĩa của từ. Một lần đi phiên dịch tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, thầy Thắng ngớ người ra khi nghe bà tiến sĩ phụ trách dự báo trung hạn nói : “Chúng tôi có 20 “xông”. Thầy hỏi lại “20 gì”? Trả lời “20 xông”. Thầy vẫn thần mặt ra thì người ngồi cạnh nhắc “20 sông”.
Sự “mềm hóa” âm đã khiến rất nhiều từ đơn trở thành tối nghĩa, thậm chí sai nghĩa, chẳng hạn khi nghe một người nói lợn “dống”, có thể hiểu theo 2 cách “lợn rống” hoặc “lợn giống”. Cụm từ “hai chục xe”, nếu phát âm dúng sẽ được hiểu là “20 xe”, còn người nói đã bẹt hóa âm, thì đó lại là “trục xe”. Khi nghe nhiều ca sĩ thể hiện bài hát “Chân tình” của Trần Lê Quỳnh, trong đó có câu: “Và anh còn nhớ những giờ em đứng chờ chồng”, thì ai cũng cho là người vợ chờ đợi chồng, hoàn toàn vô hại, mặc dù trong nguyên bản là “chờ trông” đã bị “mềm hóa”. Thế nhưng từ “trồng” bị học sinh “bẹt hóa” thành “Cô giáo em say chồng người” thì tai họa ập lên đầu cô. Và nếu cả hai từ đều bị “mềm hóa” (xay chồng người), thì cánh đàn ông coi chừng kẻo “tan thây”.
Sở dĩ người ta cố tình gán cho chữ cái “g” âm “gờ” vì không phát ra được âm “giê” do thói quen “bẹt hóa” thành “dê”, (phải chăng để tránh “con dê”). Thực tế âm [ʒ] đã từng tồn tại trong tiếng Việt có ký hiệu viết là “gi” như trong từ “gia đình”, “han gỉ”.
Tuy nhiên trong ứng dụng ngôn ngữ thường nhật, âm này dần dần biến mất, họa chăng chỉ gặp trong cách nói của số rất ít người “thất thập cổ lai hy” có học thức. Sự “mềm hóa” âm gây nên sự méo mó, “ biến thái” của tiếng Việt. Băng quảng cáo cho nước chấm “ma-gi” trên VTV nói là “ma-ghì (gì) má ghi (gi). Và cứ đà này, từ nghi vấn “gì” cũng sẽ bị trẻ con đọc là “ghì” (mày ăn “ghì”, làm “ghì”). Lỗi này thuộc về ý thức, cũng có thể nói là thói bừa bãi, không biết trân trọng tiếng mẹ đẻ của người sử dụng ngôn ngữ. Cũng chính lỗi này gây khó khăn cho sinh viên tiếng pháp phát âm [з].
Nếu người ta quyết tâm đặt lại khuôn mẫu quy chuẩn cho hệ thống ngữ âm tiếng Việt, và nếu người Việt có ý thức giữ gìn chuẩn mực và sự trong sáng của tiếng mẹ, trước hết ở tầm vĩ mô trong hệ thống giáo dục, rồi đến các thế hệ công dân nước nhà, thì tiếng Việt sẽ tìm lại được đúng quỹ đạo.
Tại sao nói được “Chương trình Đồ rê mí” hay “I-rắc” mà lại không nói là “ra vào” mà cứ phải nhại mồm ra là “da vào”, hay “ánh xáng dực dỡ” giết chết “ánh sáng rực rỡ”?
Trong băng ghi âm giọng Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, người ta thấy nổi bật sự phân biệt rõ ràng giữa các âm mà thời nay gọi là “nặng” và “nhẹ”, sao vẫn rung động lòng người đến thế? Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền uốn lưỡi thả điểm nhấn vào âm [r] khi cất lên câu hát trong bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của Nguyễn Văn Tý “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” lại khiến thính giả xao xuyến đến vậy?
Khí phách Hà Nội như vút bay cao hùng tráng trong giọng hát của ca sĩ Ánh Tuyết khi thể hiện bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi với những từ có âm bị coi là nặng chìm quê kệch “Hà Nội cháy khói bay ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo”.
Và nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương với bài “Tiểu đoàn 307” “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy” nghe không thấy “nhà quê” mà chỉ thấy hào hùng, oanh liệt.
>> Mời đọc: Tiếp tục phản biện Trần Đăng Khoa về “lệch chuẩn” tiếng Việt
Tại sao người ta chỉ thấy chướng tai khi nghe ai đó lẫn lộn giữa âm [l] và [n] (thật rợn người khi nghe một phụ nữ thơm phức nước hoa, ăn diện hợp thời trang, nói với người bán thuốc: “Cho chị một vỉ đầu “lâu”. Tá hỏa ra là một loại thuốc viên nang một đầu màu nâu), mà lại không nhận ra sự phản cảm khi người ta cố tình biến vần “tr” thành vần “ch” như “nhà chường”, “chẻ em xung xướng”, để rồi nói xong phải giải thích là “chờ” nặng, “xờ” nặng?
(Còn tiếp)