Trần Đăng Khoa: “Tôi đứng về phe nước mắt“
VOV.VN -Lão già hâm này cũng luôn đứng về “phe nước mắt”, là những người dân nghèo, được hưởng lợi từ Hãng Hàng không giá rẻ VietJet...
- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông có hay đi máy bay của Hãng Hàng không giá rẻ VietJet không? Ông nghĩ thế nào khi Hãng Hàng không Việt Nam lại đề xuất nhà nước áp giá sàn vé máy bay?
Đây thực sự là một sự kiện gây chấn động dư luận, từ nhà khoa học, nhà chuyên môn, các vị chuyên gia kinh tế đến cả những người dân bình thường cũng đã lên tiếng quyết liệt. Tôi và nhiều nhà văn khác cùng cánh dân nghèo thường xuyên đi hãng Hàng không VietJet.
Đây là hãng Hàng không tư nhân, giá vé của họ rất rẻ so với các hãng Hàng không khác. Nếu đặt trước thì còn rẻ hơn nhiều. Nhờ thế, bất cứ người dân nghèo nào cũng đi được máy bay. Giá rẻ mà lại được phục vụ rất tốt. Những người dân nghèo chúng tôi rất biết ơn VietJet. Họ là hãng Hàng không giá rẻ, mà vẫn có lợi nhuận tốt.
Vì thế, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh. Họ được hưởng lợi. Nhà nước cũng được hưởng lợi mà người dân lại càng được hưởng lợi. Thế thì tốt quá chứ. Thật kinh ngạc khi hãng Hàng không Việt Nam lại đề xuất đặt giá sàn máy bay. Việc làm đó chẳng khác gì anh phá đám bần tiện và xấu tính.
Ảnh minh họa |
Nhà thơ Dương Tường có câu thơ rất hay: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Vâng! Lão già hâm này cũng luôn đứng về “phe nước mắt”, đồng hành với “phe nước mắt”, là những người dân nghèo, được hưởng lợi từ Hãng Hàng không giá rẻ VietJet, nên để khách quan, bà con cũng không nên nghe lão. Hãy nghe các nhà chuyên môn, các chuyên gia kinh tế, họ khoa học, luôn khách quan, lại không đứng về phe nào.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế Trường ĐH Giao thông Vận tải đã khẳng định: “Nếu bán vé máy bay với giá rẻ mà các hãng hàng không vẫn có lợi nhuận, cả hành khách và nền kinh tế đều hưởng lợi thì không có lý do gì lại để Nhà nước đưa ra giá sàn nhằm khống chế việc giảm giá vé này”.
Cũng theo ông Thái, mỗi loại hình có đối tượng khách hàng khác nhau. Do đó, không thể đổ lỗi rằng VietJet cạnh tranh không lành mạnh, bán vé giá thấp khiến hành khách của đường sắt và đường bộ chuyển sang hàng không. Nếu hàng không giá rẻ mà vẫn lãi, buộc đường sắt và đường bộ phải thay đổi để phát triển chứ. Sự lựa chọn phương tiện đi lại là quyền của khách hàng. Đó mới là cạnh tranh lành mạnh.
Nền kinh tế của một đất nước chỉ phát triển được khi có sự cạnh tranh lành mạnh. Các hãng vận tải phải làm thế nào giảm được chi phí để cạnh tranh bằng giá vé nhưng vẫn có lãi. Theo quan hệ cung cầu, khi phát triển đến mức nào đó, giá sẽ do thị trường quyết định. Chỉ những trường hợp độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh như một hãng quá mạnh sẽ hạ giá để loại hãng quá yếu rồi đưa ra giá độc quyền, mới đưa ra giá sàn để khống chế.
Nhà nước đã quy định chuẩn rồi mà có hãng vẫn giảm được giá thấp hơn giá chuẩn đó, tại sao không để cho các hãng quyết định giá khi họ vẫn có lợi nhuận mà được tạo áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp khác phải giảm giá theo? Việc giảm giá mà vẫn lãi, toàn xã hội sẽ được hưởng lợi. Khi giá vận tải thấp cũng là để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cho ngành vận tải mà cho toàn xã hội, vì chi phí các sản phẩm, dịch vụ khác cũng sẽ phải giảm theo.
- Đấy là tiếng nói của giới khoa học và các nhà chuyên môn. Còn người dân thì sao, thưa ông?
Họ cũng như tôi thôi. Có thể nói là muôn người như một ủng hộ việc cạnh tranh lành mạnh. Bà Đặng Hoàng Anh bảo: “Tại sao lại đưa ra giá sàn? Vietjet là doanh nghiệp tư nhân thiệt thòi hơn Vietnam Airlines, nhưng kinh doanh lại hiệu quả, Vietnam Airlines có vốn Nhà nước, với nhiều lợi thế hơn mà cạnh tranh không nổi lại đề nghị giá sàn. Rất buồn cười và kỳ cục”.
Bạn Thuỷ Trọng cũng thấy kỳ dị: “Các bác muốn xây sân bay Long Thành và nhiều dự án nâng cấp sân bay khác nhằm phục vụ ai khi chính các bác lại “đánh” VietJet để chúng tôi phải đi xe đò, xe lửa? Ai cũng thấy tình trạng phát triển đường sắt nhiều năm qua không mấy phát triển mà theo cái vòng luẩn quẩn: không đầu tư, không có khách, thu nhập giảm nên không có tiền đầu tư. Bài toán này các bác nên ngồi lại với nhau mà giải, chứ không phải bắt khách hàng chúng tôi giải đâu nhá!”.
Ông Lưu Trí Dũng thì thẳng tưng: “Hãng nào không cạnh tranh được thì cho phá sản chứ không nên bảo hộ”. “Việc đưa ra giá sàn nghe sặc mùi lợi ích nhóm nào đó.
Ông Trần Hoàng Bách bộc bạch: "Các ông mới hé ra ý đồ, người dân đã biết ngay. Nói cho nhanh nhé. Hãy dẹp ngay việc đề xuất giá sàn này đi. Đưa ra giá sàn chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhóm, còn người dân là thiệt thòi nhất. Doanh nghiệp không cạnh tranh được thì phá sản chứ đâu có kiểu ép người khác tuân theo sự kém cỏi của mình? Coi chừng bị kiện vì vi phạm luật cạnh tranh đấy”.
- Thế còn với góc nhìn của ông?
Tôi ủng hộ các nhà khoa học, các giới chuyên môn và đặc biệt là những người dân nghèo. Xin các bạn cứ bình tĩnh. Đây chỉ là đề xuất. Như trước đây người ta từng đề xuất xe có biển chẵn đi ngày chẵn, xe biển lẻ đi ngày lẻ, hay phải có bốn người mới được đi taxi. Nếu thế người cấp cứu tìm được đủ bốn người thì bệnh nhân đã chết trước khi tới cửa bệnh viện rồi. Tôi cho rằng đấy không phải sáng kiến nhằm giảm ùn tắc giao thông mà là những “tối kiến” rùng rợn.
Việc đề xuất giá sàn cũng vậy. Đây chỉ là chuyện thảo luận, bàn bạc trong đời sống dân chủ. Chẳng ai dại dột làm thế, nếu muốn an dân. Nước mình là nước của dân, vì dân, do dân thì không thể hy sinh lợi ích của dân để phục vụ cho một nhóm người nào đó. Nếu có thay đổi về giá mà ta gọi là giá sàn theo một quy định chung thì phải yêu cầu những anh có giá cao phải hạ giá như VietJet. Bởi hạ giá thế mà VietJet vẫn có lợi nhuận, vẫn phát triển mạnh thì không lẽ gì người dân lại phải trả giá cao trong khi đời sống của họ còn rất thấp.
Tôi cũng đồng ý với PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, khi ông cho rằng, các doanh nghiệp luôn mong muốn cơ chế có lợi về phía họ. Nhưng vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên mọi doanh nghiệp cụ thể để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Cho nên, không cần phải bàn cãi kiến nghị áp giá sàn của ai mà là trách nhiệm của Nhà nước với kiến nghị đó, xem xét có hợp lý hay không.
Hãng hàng không nói giá dầu và tỉ giá, chi phí đầu tư làm tăng chi phí hoạt động. Nhưng về góc độ quản lý nhà nước, không phải vì những yếu tố đó mà đưa ra những quyết định nghiêng về bên này hoặc bên kia. Mục tiêu lớn nhất của quản lý nhà nước là tạo ra một sân chơi công bằng và bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp doanh nghiệp mạnh đưa ra ý kiến tác động mạnh tới cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chính sách nghiêng về doanh nghiệp đó. Điều ấy rất tệ hại vì nó là sự chi phối của nhóm lợi ích.
- Xin cảm ơn ông./.
Hà Nội thành phố quen, Đà Nẵng thành phố “lạ”
Qui hoạch sông Hồng - Đôi điều với “Thị trưởng” Nguyễn Đức Chung