Tuổi trẻ, lòng tự trọng và sự tử tế
(VOV) - Muốn làm được những điều lớn lao, trước hết người ta phải có lòng tự trọng…
Trước dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Trung ương Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động khá thú vị. Trong đó, tôi để ý nhất là cuộc đối thoại của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan với các bạn trẻ. Thật khéo khi chọn bác Khoan làm khách mời. Bác là người uyên bác, trí tuệ, sâu sắc mà lại vô cùng giản dị, gần gũi và dân chủ.
Nghề làm báo cho tôi may mắn được gặp nhiều chính khách tên tuổi hoặc những người thuộc giới tinh hoa. Mỗi người mỗi vẻ, khi gặp họ tôi đều ít nhiều học được điều gì đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng mang lại cảm giác dễ chịu như bác Vũ Khoan, kể cả cái cách bác ấy từ chối trả lời phỏng vấn khi không tiện. Nhiều vị quyền cao, chức trọng, kể cả khi về với đời thường rồi mà cái chất quan cách, kênh kiệu vẫn còn nguyên. Tiếp xúc khó chịu lắm...
Những điều bác Vũ Khoan tâm sự làm tôi xúc động. Đó là những trăn trở, suy tư và cả sự gửi gắm tâm huyết cho thế hệ nắm chìa khoá của tương lai đất nước. Điều tôi thấy sâu sắc nhất mà bác nhắn nhủ đó là tổ chức Đoàn làm sao hãy góp phần dạy thanh niên thành những người tử tế. Có lẽ cái tử tế là giá trị mà xã hội đang thiếu, hay nói đúng hơn là đang đánh mất dần đi. Người không tử tế thì dù giỏi đến mấy cũng chả làm gì được. Như Bác Hồ đã dạy: Có tài mà không có đức thì cũng vô dụng.
Tôi có một người bạn vong niên mà tôi coi là thầy. Ông có hai người con rất ngoan và học giỏi, cả hai ông đều cố gắng gửi đi học ở Thái Lan và Sinhgapore. Ông tâm sự: "Mình muốn chúng nó học được cái tử tế ngay ngắn của nước họ. Thậm chí mình khuyến khích chúng ở lại làm việc ở các nước đó, bao giờ xã hội ta tử tế hơn thì về cũng không muộn".
Nhiều bạn bè của ông cũng chọn cách làm như vậy. Có anh còn than thở: "Con mình nó sống cứ thật thà quá, ở bên Tây thì được, chả biết về nước có tồn tại nổi không!".
Đấy là cách phản ứng của những người "có điều kiện". Nước mình vẫn còn nghèo, người có thể ra nước ngoài để hưởng cái tử tế, chuyên nghiệp của những xã hội phát triển, mọi chuẩn giá trị đã định hình, đâu phải nhiều. Thêm nữa, môi trường sống, làm việc, học tập phức tạp như thế này vẫn có thể là cái nôi rèn luyện nên những con người có bản lĩnh, có sức đề kháng cao, có năng lực hành động để làm cho xã hội ta càng trong sạch, tử tế hơn.
Muốn làm được những điều lớn lao, trước hết người ta phải có lòng tự trọng. Bác Vũ Khoan nói rất đúng. Con người có lòng tự trọng thì luôn giữ được tư cách, phẩm giá trong mọi tình huống, kể cả lúc khó khăn, gian khổ. Người có lòng tự trọng sẽ học được điều tốt, quyết tâm bù đắp được cái khiếm khuyết, thiếu hụt của mình, tránh xa được cái xấu xa.
Một dân tộc muốn được thế giới tôn trọng, dân tộc đó trước hết phải có lòng tự trọng. Hào quang của quá khứ không phải là thứ của cải mang ra dùng mãi được. Chúng ta phải sống với thực tế là thế giới văn minh đã đi trước rất xa và không khéo thì sẽ bị bỏ lại rất xa...
Chuẩn bị cho tuổi trẻ hành trang tốt nhất để gánh vác tương lai của dân tộc là việc (nói một cách chính trị) của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, không riêng gì của tổ chức Đoàn. Hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập hợp được khoảng 30% thanh niên, tôi nghĩ thách thức lớn nhất của tổ chức này là làm sao lôi cuốn, hấp dẫn được tuổi trẻ một cách thực sự.
Trong bối cảnh như hiện nay, có quá nhiều lực hấp dẫn, có quá nhiều thứ thu hút sự quan tâm của giới trẻ, việc tập hợp tuổi trẻ một cách thực sự, có khi còn khó khăn hơn ngày xưa nhiều…
Điều quan trọng nhất hiện nay là Đoàn hãy giúp tuổi trẻ sống thật, sống đẹp và sống có lòng tự trọng, đó là những phẩm chất tiền đề để làm người. Nó cần làm trước khi nói đến các chuyện khác như tri thức, công nghệ, kỹ năng làm việc…
Muốn làm được việc đó, Đoàn phải tìm ra được những thủ lĩnh đích thực, hướng thanh niên vào những công việc thiết thực, hiệu quả, có ích cho cuộc sống, không nên sa đà vào các hoạt động hình thức, khoa trương. Hàng ngày, đi trên những đường phố Hà Nội, tôi không thích nhìn thấy các bạn đoàn viên mặc áo xanh tình nguyện tham gia điều khiển giao thông. Việc đó là của cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác. Về mặt pháp luật, các bạn ấy cũng không có thẩm quyền điều khiển giao thông. Có lẽ thanh niên nên đi làm những việc khác có ích hơn...
Thế hệ chúng tôi được may mắn lớn lên trong một môi trường văn hoá, xã hội ít phức tạp như bây giờ. Tôi còn nhớ khi đọc xong tác phẩm "Ruồi Trâu", toàn thân như lên cơn sốt (chắc nhiều người cũng thế). Xúc động, khao khát được như hình mẫu nhân vật chính Ác-tơ Bớt-tơn... Khi đọc "Thép đã tôi thế đấy" cũng vậy. Gần gũi hơn là những câu truyện đẹp đẽ, bi hùng về sự hy sinh cho lý tưởng của Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ hay Hoàng Văn Thụ (trong tác phẩm cùng tên của Tô Hoài)... Họ đã dấn thân phụng sự lý tưởng từ khi còn rất trẻ.
Giá như bây giờ chúng ta cũng có được nhiều hình mẫu thật có sức lôi cuốn và tập hợp thanh niên như vậy... Xã hội hiện nay có nhiều người thật như vậy hay không? Nếu có, tôi tin là có, mà lại không tìm ra, thì thật là có lỗi với tương lai./.