Và giới trẻ đã tìm thấy thần tượng của mình: Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Người đã thổi bùng lên ngọn lửa sức mạnh tinh thần đầy yêu thương của lý tưởng sống cao đẹp đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

1. Mới gần đây thôi, người ta còn bàng hoàng về cách cư xử thái quá của các bạn trẻ với những “thần tượng nhập ngoại”, đau lòng trước sự lên ngôi của các giá trị ảo với những hot girl “cởi mở”, xót xa về thị hiếu thẩm mĩ âm nhạc của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chỉ thích nghe nhạc sến, hay là bất bình trước những cuộc tranh cãi ầm ĩ không đáng có về sự thực của câu chuyện ta ba lô qua 25 nước của một cô gái trẻ. Ai đó ngao ngán nói về nguồn gốc của “khủng hoảng niềm tin”…

Mới đây thôi, người ta còn đau đầu vì học sinh thờ ơ với lịch sử văn hoá truyền thống nước nhà với mớ kiến thức và điểm số thấp được ví như một “thảm hoạ”. Hình ảnh hàng trăm học sinh hò reo xé đề cương môn Sử trắng cả sân trường khi nghe tin không có môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từng làm tốn giấy mực bình luận của không biết bao nhiêu chuyên gia.


Rất nhiều bạn trẻ đã mang hoa đến xếp hàng để vào viếng Đại tướng ở nhà riêng số 30, Hoàng Diệu (ảnh: Quang Trung)

Và cũng chưa xa, người ta còn cảnh báo rằng hai môi trường là gia đình và nhà trường lẽ ra phải là nơi trú ẩn an toàn và bền vững để trẻ em có lối sống văn hoá, chân thực thì lại chính là nơi đầu tiên dạy chúng về sự ích kỷ và gian dối.

Gia đình không giữ được gia phong, thiếu sự quan tâm thực chất lẫn nhau, chạy theo thị trường mà ở đó sự thành công, hanh thông chủ yếu được đo bằng độ dày của những chiếc phong bì. Nhà trường thì vì chạy theo thành tích và điểm số, vô hình chung cũng …gian dối mà thả nổi chất lượng dạy và học thực chất.

Thế rồi tuần qua…

2. Người ta cảm động khi đọc những dòng tri ân của những người trẻ lan truyền trên mạng đối với vị Đại tướng của lòng dân, khi thấy những bạn trẻ chia sẻ với nhau những câu chuyện lịch sử, những đoạn phim tư liệu về vị tướng huyền thoại “từ nhân dân mà ra”, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thày giáo dạy sử vĩ đại “Văn lo vận nước văn thành võ/Võ thấu lòng dân, võ hoá văn”.

Người ta như được truyền niềm tin khi thấy những người trẻ-những người có khi mới hôm qua thôi còn “dị ứng” với câu nói được bắt đầu bằng từ “ngày xưa …” của người lớn, họ - thế hệ không trải qua năm tháng chiến tranh, lại nhất loạt bộc lộ sâu sắc lòng thương tiếc, ngưỡng mộ đối với một danh nhân của đất nước.

Họ chăm chú lục tìm, mua và đọc say sưa những bài viết sâu sắc, những cuốn sách, tác phẩm lịch sử về thiên tài quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một niềm tự hào, ngưỡng mộ.

Rồi họ, trong đó có những anh chàng choai choai mới tuần trước còn chen lấn, đánh võng, lạng lách trên đường, giờ xếp hàng nghiêm túc, nhẫn nại nhích từng bước một chờ đến lượt được một lần tiễn biệt vị Đại tướng mà họ kính trọng.

Họ - mới tuần trước còn bị coi là “trẻ trâu”, chỉ vui chơi không biết nghĩ đến đại cuộc thì hôm nay đến đây với tư cách là một chứng nhân lịch sử, là người của thế hệ sau-chủ nhân tương lai luôn ghi nhớ công ơn của người đi trước.

Rất đông các bạn trẻ tình nguyện đã chung tay lo lễ tang của Đại tướng (Ảnh: Quang Trung).

Và rồi người ta cũng bị thuyết phục hoàn toàn khi chứng kiến rất nhiều người trẻ tình nguyện đứng ra chung tay cùng xã hội lo đám tang Đại tướng. Đó là ý thức công dân.

Họ đến các điểm viếng Người trên toàn quốc, hỗ trợ phân luồng giao thông, nắm tay nhau nối thành một giúp đỡ người đến viếng, tiếp nhận hương hoa...

Từ cổng ngôi nhà của Đại tướng ở Hà Nội, hàng trăm áo xanh tình nguyện đã nắm tay nhau tạo thành một hàng rào kéo dài ngăn cách dòng người với lòng đường, đảm bảo an toàn cho người đến viếng khiến nhà sử học Dương Trung Quốc đã thốt lên rằng “dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau”.

3. Từ lâu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là thần tượng của biết bao nhiêu thế hệ. Nhưng đó là những thế hệ cha anh sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của đất nước.

Người ta tự hỏi thời gian qua Thần tượng còn đấy mà sao giới trẻ lại cứ “nhập khẩu” ở đẩu đâu về kèm với văn hoá ngoại lai mà như nhạc sỹ Phạm Tuyên từng đau lòng gọi là “mất chủ quyền ngôn ngữ, chủ quyền văn hoá” (?!)

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành” – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết như thế trong bài "Nước mắt rơi chung".

Đó phải chăng là những dòng nước làm thanh sạch tâm hồn những con dân nước Việt?

Sự ra đi của người khiến cả dân tộc này như sống chậm lại, suy tư…

Người trẻ cũng suy tư về cốt cách, văn hoá dân tộc mà hoàn cảnh xuất phát của dân tộc đã tạo nên. Đó là những gì ta vẫn gọi là bản sắc văn hoá lịch sử truyền thống…Thì ra mạch nguồn đó từ lâu vẫn chảy…

Thời nào dân tộc ta cũng có những danh nhân, những vị anh hùng danh tiếng lẫy lừng từ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh…và những người lính vô danh và khuyết danh, những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm…và cả những chiến sĩ của “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma, Len Đao 25 năm trước…

Nhiều người trẻ có lẽ sẽ ngạc nhiên về chính bản thân mình khi nhận thấy một ngày mùa thu đẹp đẽ như hôm nay, họ có thể nghĩ đến những điều lớn lao như thế, rằng không phải học theo mốt này, trào lưu kia, mà là học cách sống vì một lý tưởng cao đẹp, lý tưởng vì tổ quốc.

Người đã thổi bùng lên ngọn lửa sức mạnh tinh thần đầy yêu thương của lý tưởng sống cao đẹp đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Và giới trẻ Việt đã tìm thấy thần tượng của mình!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên