Vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn: Chuyện to đấy!
VOV.VN - Nói đến vỉa hè, lề đường, người ta, thường gạt phắt “chuyện nhỏ, có gì mà quan trọng hóa quá. Để tâm sức làm việc lớn". Nay thành chuyện lớn thật rồi.
Lâu nay, nhắc đến chuyện vỉa hè, lề đường, người ta, nhất là các sếp thường gạt phắt “chuyện nhỏ, có gì mà quan trọng hóa, chộn rộn quá. Để tâm sức làm việc lớn”. Nay thành chuyện lớn thật rồi.
Vỉa hè ở đâu, dù là thị trấn nhỏ đến đô thị lớn đều bị xâm hại, lấn chiếm, thậm chí chiếm đoạt hoàn toàn để buôn bán, mưu sinh. Từ đấy sinh ra tắc đường, mất trật tự, an ninh đường phố. Một quán nước bán chè chén nho nhỏ, đơn sơ, sáng dọn ra, tối khuya thu về kiếm dăm ba đồng. Tưởng chỉ thế thôi, “chuyện nhỏ ấy mà”, nhưng bên trong là nơi kết nối thì thầm, buôn bán ma túy, gọi gái mại dâm, ghi chép lô đề, cò nhà đất, sổ đỏ. Vỉa hè bị chiếm, người đi bộ tràn ra lòng đường chen lấn với xe máy, ô tô, xảy ra tai nạn thường ngày. Nhốn nháo vỉa hè, náo loạn đường phố, còn gì là văn minh, mỹ quan đô thị ?
Câu chuyện về vỉa hè nay không còn là chuyện nhỏ. |
Ai ? Đạo quân nào lấn chiếm hè phố ?
Họ là những người buôn bán nhỏ, là thương binh, thân nhân liệt sỹ, là cựu chiến binh, cựu quân nhân, là cán bộ, công nhân, viên chức, công chức nghỉ hưu, mất sức, hay đương chức, tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Họ là nông dân từ “bờ xôi ruộng mật”, nay mất đất vì khu công nghiệp, đô thị hóa, vì làm ruộng không đủ ăn phải ra phố ăn nhờ ở đậu, làm cửu vạn, bán hàng rong, kiếm tiền hơn hẳn nghề nông. Đạo quân ấy, ngày ngày bổ sung thêm lực lượng trẻ là sinh viên làm ngoài giờ học, bán hàng, bán hoa quả, kiếm tý chút bổ sung cho túi tiền viện trợ eo hẹp của cha mẹ nghèo.
Ai, lực lượng nào dẹp vấn nạn này ? Trả lại trật tư, văn minh cho hè phố.
Cấp ủy Đảng, Chính quyền, trực tiếp là Phường, Quận, là công an, các đoàn thể, là cả hệ thống chính trị. Lớn hơn cả, bao quát hơn cả, mà thật sự thiết thực là chính sách, quy chế thực thi và giám sát.
Vậy là câu chuyện giải cứu hè phố, lề đường không còn là chuyện nhỏ nữa rồi.
Thủ tướng Chính phủ đã lên tiếng trong kỳ họp tháng 2 vừa qua là “việc này không thể làm tất cả ngay, không thể “đầu voi đuôi chuột”. Bộ trưởng Công an khẳng định: “Quyết không để tình trạng tái chiếm vỉa hè.” Chủ tịch thành phố Hà Nội kiên quyết : “Không chỉ ra quân rầm rộ mà phải làm bền vững để không có tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, người dân tâm phục, khẩu phục”. Ông Đoàn Ngọc Hải, phó Chủ tịch Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, người đi đầu giải cứu vỉa hè, lòng đường dứt khoát: “ Không lấy lại được vỉa hè tôi cởi áo về vườn.”
Nói là làm. Làm bền vững để có giá trị bền vững. Đó là sự khác biệt với làm theo kiểu “ phong trào” ra quân rầm rộ, cờ xí, băng rôn rợp trời, rồi sau đó “đâu lại vào đấy” mà người xưa đã đúc kết một cách dân dã: “bắt cóc bỏ đĩa”.
Làm có lộ trình rõ ràng, dứt khoát. Trước hết phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu về luật pháp, về văn minh đô thị, về tình thân ái và chia sẻ cộng đồng. Mình vì mọi người thì mọi người mới vì mình. Sau đó kiểm tra, nhắc nhở. Một lần, hai lần, đến lần ba thì phải cưỡng chế.
Giải cứu hè phố, lòng đường đã khó. Khó hơn nữa là giữ cho đường thông hè thoáng. Muốn vậy, trước hết phải tạo điều kiện cho dân có công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập hàng ngày. Bằng ngân sách và xã hội hóa xây dựng quỹ đào tạo việc làm. Phải có chỗ trông giữ xe máy, xe đạp, ô tô. Phải kiên quyết phát triển giao thông công cộng.
Đến nay nhiều người vẫn nuối tiếc : gánh hàng hoa dạo phố, quán nước liêu xiêu, nồi ngô lưu động bốc khói là nét đẹp đường phố, thân thương, dung dị. Một thời, thành phố Hà Nội nửa triệu dân, vài ba triệu dân là thế thật. Nay thành phố Hà Nội mở rộng, chứa 7 triệu dân, chưa kể 3 triệu người qua lại thường xuyên, chưa kể hàng triệu xe máy, ô tô lớn nhỏ chen chúc nhau trên đường, chiếm hết phần đường của người đi bộ. Vẻ đẹp thân thương bây giờ là phải trật tự, ngăn nắp, đường ra đường, hè ra hè, bảo đảm an toàn, thông suốt cho xe cộ và người qua lại, lưu thông.
Hà Nội dẹp loạn vỉa hè: Liệu có xử lý dứt điểm lấn chiếm?
Đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đẩy người nông dân rời thôn xóm, ruộng vườn ra thành phố mưu sinh. Đây là đạo quân chiếm dụng hè phố, gầm cầu, vườn hoa, thậm chí cả nghĩa trang của thành phố để nương náu, mưu sinh. Đạo quân phức tạp nhất, khó giải quyết nhất. Thực tế đang thiếu một chính sách vĩ mô về lao động di cư, trong khi lao động di cư tự do ào ạt hàng chục năm nay. Mới đây ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận: “Hiện nay, tôi cho rằng chúng ta chưa có chính sách cụ thể cho lao động di cư, mà vẫn là chính sách chung. Sau này chắc là có một Vụ chức năng đầu mối vấn đề này, cùng phối hợp với các bộ, ngành để hình thành một hệ thống chính cách.”
Thực tiễn cho thấy không có chính sách đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống thì mọi việc làm (như giải cứu hè phố) sẽ không bền vững, dân không thể “tâm phục, khẩu phục”./.