Vụ sân bay Long Thành: Ông Trần Đình Bá lẽ ra phải được cảm ơn?
VOV.VN - Lẽ ra, Bộ GTVT chỉ cần tập trung vào phản biện của ông Trần Đình Bá chứ không nhất thiết phải thẩm tra học vị của ông này.
Trong lúc Quốc hội, các nhà khoa học, kinh tế… bàn về dự án sân bay quốc tế Long Thành tập trung vào qui mô đầu tư dự án, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vận hành sân bay này sau khi khánh thành… thì ông Trần Đình Bá đã đưa ra thông tin khiến nhiều người “sốc”. Đó là phối cảnh sân bay Long Thành “đạo” phối cảnh sân bay Chek Kap Lok (Hongkong)!?
Những tưởng sau khi Cục Hàng không (Bộ GTVT) có văn bản trả lời chính thức rằng không có chuyện “đạo” gì ở đây cả thì mọi việc đã kết thúc. Nhưng sau đó, lại có thông tin Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định ông Trần Đình Bá không phải là tiến sĩ, chưa bao giờ làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp hàng không như ông này thường tự nhận.
Là người dân, họ không cần biết ông Bá có học hàm, học vị như thế nào. Mà chỉ biết rằng, ông là người có những đóng góp xây dựng cho ngành GTVT. Nhưng không hiểu vì lý do gì, từ câu chuyện sân bay Long Thành mà Bộ GTVT lại lái chệch hướng sang học vị của ông Bá?
Trước hết, ai cũng hiểu, việc đi thẩm tra xem ông Bá có phải là tiến sĩ hàng không hay không, không phải là chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT. Và giả sử, ông Bá không phải là tiến sĩ thì những gì ông đã cộng tác với ngành GTVT là không thể phủ nhận.
Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn đang trong giai đoạn xem xét, lấy ý kiến các chuyên gia, đâu phải đã “đóng khung”. Vì thế, tại sao Bộ GTVT không coi ý kiến của ông Trần Đình Bá là một phản biện đáng xem xét. Thực ra, Bộ này cũng đã nghiêm túc xem xét và công bố trước dư luận về thông tin ông Trần Đình Bá đưa ra rồi. Nhưng không ai có thể hiểu nổi, khi hầu hết lãnh đạo, cán bộ của Bộ GTVT đều biết ông Bá là ai, trình độ như thế nào mà phải đi làm một công việc không cần thiết như vậy, trong khi ngành còn bao nhiêu việc khác phải làm? Bộ có thể coi đây là một phản biện rất bình thường.
Sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia. Nếu được đồng ý xây dựng thì đây là một biểu tượng của đất nước trong việc vượt qua khó khăn của kinh tế trong nước và toàn cầu. Chẳng có lý gì mà một công trình tầm cỡ như vậy lại không được xem xét thấu đáo nhiều chiều, nhiều mặt. Tiền xây dựng công trình này có cả tiền đóng góp từ thuế của dân. Nếu sau này, khi đã hoàn thiện, một ai đó phát hiện công trình là bản sao của một sân bay nào đó thì mọi sự đã rồi, chỉ còn biết hổ thẹn mà thôi.
Nếu tất cả các bộ, ngành đều “nhảy dựng” lên khi nhận được ý kiến trái chiều như trong trường hợp này thì không thể hình dung nền hành chính nước nhà sẽ đi đến đâu? Mà cũng chẳng có xã hội nào tất cả các ý kiến đều thuận chiều cả. Nếu như vậy sẽ không có sự phát triển. Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển. Mâu thuẫn ở đây không phải là sự ganh ghét, đố kỵ mà là sự cọ xát nhiều chiều để tìm ra chân lý. Chẳng nói đâu xa, tại dự án sân bay Long Thành này thôi, nếu không có ý kiến phản biện của nhiều nhà kinh tế, khoa học thì ngay sau lần trình Quốc hội đầu tiên, qui mô đầu tư dự án liệu có giảm hàng nghìn tỷ đồng hay không?
Bộ GTVT vốn nổi tiếng là cơ quan thực hiện tốt việc tiếp thu và sửa chữa. Nhưng trong trường hợp này, phản ứng của Bộ thực sự là không cần thiết. Câu chuyện này lẽ ra nó rất bình thường như hàng nghìn, hàng vạn cuộc tranh luận giữa các chuyên gia và Bộ, ngành như từng xảy ra từ trước tới nay. Sau việc này, liệu có nhà khoa học tâm huyết nào muốn đóng góp ý kiến cho các bộ, ngành nữa không?
Ông Trần Đình Bá đã trưng ra những bằng chứng chứng tỏ sự hợp tác bền chặt, lâu dài giữa ông và Bộ GTVT; chứng tỏ chất xám của ông đã được Bộ GTVT sử dụng vào sự phát triển của ngành. Tới đây, nhiều người phân vân, cần phải thẩm tra lại những người muốn thẩm tra học vị tiến sĩ của ông Trần Đình Bá. Với những gì ông đã đồng hành cùng ngành GTVT thì học hàm hay học vị lúc này không còn là điều quan trọng nữa. Giả sử, Bộ GTVT tìm ra sự thật rằng ông Bá không phải là tiến sĩ như ông từng nói thì sẽ giải quyết được điều gì?./.