Xông đất đầu năm trong hoài niệm những ngày thơ bé
VOV.VN - Sáng mùng 1 Tết, những đứa trẻ thông minh, sáng láng được chọn đi xông nhà...
Những lời chúc, tiếng cười râm ran từ những mái tranh còn thoảng những vệt khói. Đường làng rộn rã những bước chân, tiếng bi bô con trẻ, tiếng chúc Tết của người lớn, những tấm áo mới xanh đỏ đủ màu của đám thanh niên mới lớn làm cho không khí ngày Tết rộn ràng như những sắc hoa đào, hoa mai đang rực rỡ trong nắng xuân.
Tranh minh họa: Bản quyền Truyền thông Trăng Đen |
Ở quê ngày xưa, trẻ con thích nhất là được mặc quần áo mới và “mừng tuổi” trong 3 ngày Tết. Nhớ hồi bé còn tiền xu, nhưng đồng 1 hào, 2 hào, tròn đặc, còn đồng 5 xu thì mỏng hơn và có lỗ ở giữa. Tiền giấy cũng có mệnh giá 5 xu tờ màu tim tím, một hào và hai hào, to hơn thì 5 hào, một đồng, hai đồng, năm đồng… Nhưng trẻ con thì đa số được người lớn mừng tuổi 5 xu, một hào. Đứa nào nhà giàu thì được mừng tuổi 2 hào, 5 hào.
Mình nhớ có năm mất mùa, ăn cỗ sáng mùng 1 xong u mừng tuổi mỗi đứa 2 đồng 5 xu, thấy hơi buồn tẹo nhưng nghĩ trong lòng lát nữa đi chúc tết kiểu gì cũng được nhiều. Mấy anh em kéo nhau qua nhà bà cô, cô đon đả tươi cười chúc tết xong xoa đầu mỗi thằng một cái, tưởng xoa đầu xong bà cô sẽ lôi cái “ruột tượng” ra mừng tuổi như mọi năm, nhưng cô chỉ cầm đĩa kẹo lạc mời mỗi đứa một cái, thế là xong vụ mừng tuổi, mấy anh em mặt buồn thiu, buổi trưa về kể chuyện, u bảo, nhà cô với nhà mình giống nhau đều mất mùa, mà cả làng mất mùa nên túng thiếu các con ạ, chắc chắn sang năm cô sẽ mừng tuổi gấp đôi. Thế là bọn trẻ lại sáng mắt ra, quên ngay chuyện không được mừng tuổi, mơ màng tưởng tượng cái tết năm sau được cô mừng tuổi 2 hào.
Cứ nhớ sáng mùng 1 Tết, đi chúc Tết gặp hết gia đình này đến gia đình khác, bọn trẻ thì khoe nhau quần áo mới. “Áo này u tao mua ở tận Chờ đấy, quần này thày tao còn mua ở tận thị xã Bắc Ninh cơ…” bọn trẻ thi nhau khoe như thế. Những chiếc quần áo mới còn nguyên nếp gấp vì không có bàn là, đa số là áo sơ mi con gái thì mặc loại in hoa cà tím, hoa dâu, con trai thì cẻ caro hoặc một màu xanh, vàng,… thường là may bằng vải phin dầy bịch, thô kệch loại rẻ tiền, nhưng mà đối với bọn trẻ điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả, quan trọng nhất là được mặc quần áo mới.
Cái niềm vui háo hức sáng mùng Một ngủ dậy, phi xuống giường là lao vào buồng sờ vào bộ quần áo mà u gấp cẩn thận để ở trên nóc cái bồ thóc. Rồi ăn cơm trong sự náo nức, hồi hộp bởi trẻ con nhà quê hồi đó mỗi năm mới được mặc quần áo mới một lần vào dịp Tết, nên khi mặc bộ quần áo mới vào người, cảm giác sung sướng kinh khủng, thấy mình đẹp ra, lớn lên và mới mẻ hẳn. Cảm giác đấy thật sảng khoải và nó như liều thuốc kích thích tinh thần cho bọn trẻ khiến đứa nào cũng vui tươi, hào hứng.
Ba ngày Tết trôi vèo cái rất nhanh, cứ đến chiều mùng 2 là buồn lắm, “sao Tết đi nhanh thế nhỉ”, vì chỉ sáng mai thôi, đã là bữa cỗ cuối cùng rồi. Thường sáng mùng 3, thày sẽ thịt con gà lễ cuối cùng, con gà cúng “tiễn các cụ” thì đơn giản hơn, vẫn là mổ moi nhưng không cần ép vào cây cho thẳng mà để nguyên như thế cho vào nồi luộc.
Bữa cỗ sáng mùng 3 thường bâng khuâng vì Tết đã hết, đứa trẻ nào cũng tiếc nuối, muốn níu kéo dài thêm những tháng ăn chỉ có ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi mà không phải học hành hoặc làm đồng vất vả. Nhưng thời gian là thế, nó cứ lặng lẽ trôi, chỉ có lòng người là lúc vui, lúc buồn, hoài niệm hay tiếc nuối thôi.
Vì thế, bữa cỗ sáng mùng 3 vừa chất chứa đầy sự nuối tiếc vì hết Tết, vừa phấp phỏng lo sợ thày u sẽ sai làm việc gì đó ví dụ như Lục vác cuốc gia đồng Quan xem mấy cái nẻo nước nhé, hoặc Lục dắt trâu ra đồng một tý cho nó đỡ cuồng chân mấy ngày chỉ ở trong chuồng,… Những lúc đó hơi buồn và tủi, nhưng mà nó cũng quen, và thực ra thì không chỉ nhà mình, mà nhà ai cũng vậy, thường mùng 3 Tết thì ngoài đồng bắt đầu lác đác có người đi làm. Lúc đó là hết Tết.
3 ngày Tết dân làng được sống trong no đủ, ai cũng có áo mới, nhà nào cũng ngày ba bữa cỗ. Trẻ em ríu rít khoe tiền mừng tuổi, thanh thiếu niên thì đi chúc Tết thày cô, bạn bè sau khi đã cùng gia đình đi thăm chúc họ hàng. Những nét đẹp ấy vẫn còn gìn giữ đến tận ngày nay, khi cuộc sống đã hiện đại hơn rất nhiều.
Cho dù thời thế thay đổi, làng quê giờ đã đổi mới, nhưng Tết ở quê nó vẫn đậm chất truyền thống, đầy tình yêu thương, xum họp và đoàn kết, như là một nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức trở thành bản chất của những người dân quê hiền lành, mà cho dù có đi đến đâu thì mỗi khi Tết đến, nó vẫn lựa chọn quê hương để trở về, để thấy mình được sống trong không khí thực sự của những ngày Tết./.
Chợ Tết - Nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ