13 ngày xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Mất danh dự là mất tất cả!
VOV.VN -Vụ án đánh bạc nghìn tỷ đã cơ bản khép lại, bản án đã được tuyên đúng người đúng tội. Với nhiều bị cáo, họ đã mất tất cả nhưng mất mát lớn nhất vẫn là danh dự…
Trong hơn nửa tháng qua, một trong những sự kiện khiến dư luận đặc biệt quan tâm là việc xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ. Dư luận quan tâm vì đây là một vụ án quy mô lớn, với sự tham gia của gần 100 bị cáo và số tiền thu lợi bất chính lên tới 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong vụ án này có sự “góp mặt” của những bị cáo đã từng giữ các trọng trách quan trọng trong ngành Công an- một ngành được coi là thanh bảo kiếm, là nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và chế độ.
Việc đưa ra xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ cũng là sự tiếp diễn hành động phòng chống tham nhũng của Đảng đang ngày càng mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm và phòng chống tham nhũng. Dù là ai, ở bất kể chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, kể cả cán bộ trong ngành Công an- một ngành mà bấy lâu nay dư luận vẫn e ngại vì sẽ khó “đụng tay” vào- khi có vi phạm đều được đưa ra xét xử công minh, đúng người đúng tội.
Vụ án xảy ra đã để lại quá nhiều mất mát ở nhiều góc độ. Trước hết là trong công tác cán bộ. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi vì sao những cán bộ đã từng giữ những vị trí, trọng trách cao trong một ngành vô cùng quan trọng như Công an lại có thể dễ dàng sa ngã đến như vậy? Bởi họ đã từng là những người đã trải qua thử thách trong chiến tranh, thêm nữa lại được tôi luyện trong một môi trường nghiêm ngặt, được đào tạo bài bản về đạo đức nghề nghiệp, về lòng yêu Tổ quốc, thậm chí cả sự sẵn sàng hy sinh.
(ảnh: Trọng Phú) |
Ngay trong những ngày phiên tòa diễn ra, chính ông Nguyễn Thanh Hóa cũng thừa nhận, khi được giao xây dựng lực lượng cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm về công nghệ cao, bị cáo không am hiểu gì về công nghệ nhưng vẫn cố hết sức của mình. “Tạo hoá cho tôi một bộ não quá bé nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn”. Một cán bộ không am hiểu gì về lĩnh vực phụ trách, nhưng vẫn “leo” lên vị trí quan trọng trong lĩnh vực ấy cũng là câu hỏi mà dư luận trăn trở. Liệu trong bộ máy công quyền, có còn nhiều những cán bộ như ông Hóa và trách nhiệm này thuộc về ai?
Trong 13 ngày xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ, dù sau những chứng cứ thuyết phục và sự xét xử công minh của Tòa án, những người mà trước đó có sự phản cung gay gắt như ông Hóa và một vài bị cáo khác đã phải cúi đầu nhận tội, nhưng dư luận cũng không khỏi trăn trở về những lời phản cung như vậy. Những lời phản cung đầy phi lý và mâu thuẫn, những lời chối tội, đẩy tội cho cấp dưới, cho người khác được những bị cáo từng là cán bộ cấp cao trong ngành đưa ra không khỏi làm người ta liên tưởng tới hình ảnh oai phong thường thấy của các bị cáo này khi còn đương chức. Nếu với “khí chất” như vậy trước lỗi lầm của mình, họ có đủ dũng khí để từ chối các cám dỗ vật chất khi tham gia phá án, nhất là các vụ án lớn, liên quan đến kinh tế?
Nhưng mất mát lớn hơn nhiều vẫn là về danh dự. Danh dự của chính bản thân và danh dự của những người thân của họ. Bị cáo Phan Văn Vĩnh đã phải ân hận day dứt và tự trừng phạt mình vì không chỉ mất tất cả, ông còn làm đau lòng người mẹ thân sinh của ông, người cả đời cống hiến cho Tổ quốc. Một nỗi ân hận nữa mà ông Vĩnh thú nhận là đã làm khổ các con, nhất là người con trai duy nhất đang còn trên ghế nhà trường, vì việc của ông mà bị trầm cảm.
Còn với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, trước Tòa cũng day dứt, ân hận vì ngày mẹ ông mất, ông đang bị tạm giam. Một trong những mong mỏi nhất của ông Hóa là Tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho cơ hội cuối cùng để sớm về báo hiếu, chịu tang mẹ và sống những năm tháng còn lại cùng gia đình.
Với mỗi người, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Trong Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, “cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân, nó quý thì quý thật nhưng ông cha ta đã tổng kết: danh thơm thì còn mãi”.
Vụ án đánh bạc nghìn tỷ đã cơ bản khép lại, bản án đã được tuyên đúng người đúng tội thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Đây cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những người đang nắm trong tay quyền lực bài học về việc tự tu dưỡng bản thân, về việc kiểm soát quyền lực. Bởi cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng đi vào hồi quyết liệt, bất kể ai dù ở cương vị nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, khi đã vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Đó cũng là cảnh tỉnh mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương mới đây “cần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu. Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh"./.