14/3 hàng năm là ngày giỗ các liệt sỹ Gạc Ma

VOV.VN - Ngày 14/3/1988, máu của các liệt sỹ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Ngày này, cách đây 34 năm, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại các đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa. Những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh đã được khắc hoạ bằng cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” kiêu hãnh ở khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

Hàng chục năm nay, cứ đến ngày 14/3, bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi, ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) lại lặn lội vào bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà để làm giỗ người em trai là liệt sỹ Nguyễn Tất Nam và 63 đồng đội của anh.

Mẹ mất sớm, bà Hường thay mẹ chăm lo cho em trai. Lần tiễn em lên đường nhập ngũ vào năm 1985 cũng là lần cuối bà gặp em trai của mình. Bà nhớ mãi, hôm đó, trời rét căm căm, lúc lên xe, anh Nam đã cởi chiếc áo len đang mặc nhờ một người bạn đưa xuống cho chị, rồi ngồi thụp xuống. Anh Nam sợ nếu đưa trực tiếp thì bà Hường sẽ khóc.

Ngày 10/3, trước khi lên tàu ra đảo, anh Nam đã viết bức thư gửi về quê cho chị gái với mong muốn sớm hoàn thành nghĩa vụ để ổn định công việc. Nhưng đó lại là bức thư cuối cùng của em trai và là kỷ vật của bà Hường. Lần giỗ này, bà Hường giao lại bức thư cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

“Tàu em là tàu vận chuyển hàng chứ không phải tàu chiến đấu, là trong nội dung thư. Chị an tâm, dặn 2 đứa cháu ngoan, học giỏi mà cháu đang còn dại lắm. Mẹ mất sớm, chị em thương nhau lắm. Em viết thư cho chị gái ngày 10/3, đến ngày 11/3 tàu ra đảo, ngày 14/3 em hy sinh. Thư về thì em mất" - bà Hường xúc động kể lại.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2017. Trung tâm Khu tưởng niệm là Quảng trường, cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”; Khu trưng bày ngầm; mộ gió và công viên Hòa Bình… Từ khi hoạt động đến nay, đã có hơn 1.000 đoàn với gần 300.000 lượt khách đến thăm viếng. Nhiều cơ quan, trường học trong cả nước cũng thường tổ chức dâng hương, hoa để giáo dục cho các em biết ghi nhớ lịch sử đã qua.

Cứ đến dịp 14/3, nơi đây diễn ra lễ giỗ các liệt sĩ. Chị Lê Thị Thanh Tâm (giáo viên ở huyện Cam Lâm), tình nguyện viên hướng dẫn tại Khu tưởng niệm cho biết, khách tham quan xúc động nhất là khi thăm Khu trưng bày ngầm, được nhìn những di vật trong quá trình bảo vệ biển đảo của các liệt sỹ. Những năm đầu, nhiều người nhói lòng khi trong số 64 liệt sỹ chưa có di ảnh của liệt sỹ Trần Quốc Trị. Sau đó, PGS.TS Ngô Văn Minh, cán bộ Học viện Chính trị khu vực III ở thành phố Đà Nẵng cùng nhiều học viên đã kiên trì tìm ra di ảnh cho liệt sỹ Trần Quốc Trị.

“Ngày ngày, người đến tham quan rất đông, thắp cho các đồng chí nén hương để tri ân. Nhiều người biết đến Gạc Ma, nhiều người xem tấm gương của các anh để bản thân mình cố gắng hơn, bảo vệ đất nước tốt đẹp hơn" - chị Lê Thị Thanh Tâm cho biết.

Theo ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, đã 34 năm kể từ ngày 14/3/1988, máu của các liệt sỹ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Ông Võ Duy Trúc cho biết, khi đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo hướng mở rộng, hoàn thiện Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trở thành công viên, trong đó có những biểu tượng, biểu trưng của quần đảo Trường Sa. Hiện nay, Khu tưởng niệm chỉ rộng 2ha, Liên đoàn lao động tỉnh cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm thủ tục với UBND tỉnh, giao thêm 2,5 ha về hướng biển.

"Mong rằng giai đoạn 2 được triển khai, kết nối đồng bộ với không gian hướng biển. Cảm nhận về biển, đảo rõ hơn" - Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trận hải chiến Gạc Ma - Lịch sử không thể nào quên
Trận hải chiến Gạc Ma - Lịch sử không thể nào quên

VOV.VN - Những ngày này, cả nước tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển đảo tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988.

Trận hải chiến Gạc Ma - Lịch sử không thể nào quên

Trận hải chiến Gạc Ma - Lịch sử không thể nào quên

VOV.VN - Những ngày này, cả nước tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển đảo tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988.

Thủ tướng tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, thăm lữ đoàn tàu ngầm Hải quân
Thủ tướng tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, thăm lữ đoàn tàu ngầm Hải quân

VOV.VN - Trong chuyến thăm và làm việc tại Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, động viên cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Lữ đoàn Tầu ngầm 189.

Thủ tướng tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, thăm lữ đoàn tàu ngầm Hải quân

Thủ tướng tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, thăm lữ đoàn tàu ngầm Hải quân

VOV.VN - Trong chuyến thăm và làm việc tại Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, động viên cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Lữ đoàn Tầu ngầm 189.

Kết vòng hoa đăng tri ân và tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma
Kết vòng hoa đăng tri ân và tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

VOV.VN - Ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma cùng các thành viên Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ tưởng niệm 33 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988- 14/3/2021).

Kết vòng hoa đăng tri ân và tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

Kết vòng hoa đăng tri ân và tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

VOV.VN - Ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma cùng các thành viên Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ tưởng niệm 33 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988- 14/3/2021).