30 năm tái lập tỉnh Lào Cai: Từ “vành đai trắng” trở thành tỉnh phát triển

VOV.VN - Hình ảnh một tỉnh miền biên viễn từng được ví như “vành đai trắng” xưa kia nay chỉ còn trong dĩ vãng, thay thế bởi diện mạo năng động, cởi mở, đầy thực lực, tiềm năng và là nơi đáng sống, đáng đầu tư… 

Trước dấu mốc quan trọng kỷ niệm tròn 30 năm ngày tái lập tỉnh (1/10/1991 – 1/10/2021), dòng chảy lịch sử lại cuồn cuộn trong kí ức mỗi người con của Lào Cai và với nhiều người từng gắn bó với mảnh đất này, bởi đó là cả chặng đường vẻ vang đáng tự hào.

Ngược thời gian 30 năm trở về trước, Lào Cai khi ấy vừa nhận quyết định chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn để bắt tay gây dựng sự nghiệp trong khó khăn bốn bề. Khắp nơi đều là “vành đai trắng” không hoang tàn, trơ trụi sau bom đạn chiến tranh thì cũng luẩn quẩn trong đói nghèo. Vì thế gánh nặng đè cả lên vai đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tiên phong lên Lào Cai giai đoạn đó.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, với sức trẻ và nhiệt huyết, lớp cán bộ đi đầu đã nhanh chóng lan tỏa bằng ý chí, bằng hành động, “nói đi đôi với làm”, tạo dựng niềm tin, động lực mạnh mẽ trong nhân dân.

Thế rồi sau đó, điều kỳ diệu cũng đã đến dù chẳng có một phép màu nào mà đều bằng những bàn tay, khối óc - một Lào Cai non trẻ đã thay da đổi thịt từng ngày bất chấp những trở ngại mà tưởng chừng chỉ niềm tin mới có thể vượt qua được.

Chỉ 3 tháng sau ngày tái lập, tới tháng 1/1992, Đại hội Đảng bộ tỉnh đầu tiên (sau gọi là Đại hội X) đã diễn ra thành công, quyết nghị những mục tiêu trọng yếu nhưng cũng hết sức gian nan; đồng thời kiện toàn, ổn định tổ chức bắt tay tái thiết mảnh đất biên cương.

Những nhiệm vụ đầu tiên đối với xã hội hiện đại bây giờ đã trở nên xa lạ, nhưng ở thời điểm đó lại hết sức căn bản, mang tính tiên quyết như lựa chọn tỉnh lỵ, rà phá bom mìn, xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, xóa mù chữ, thanh toán bệnh bướu cổ, đẩy lùi sốt rét, xóa nhổ cây thuốc phiện…

Từ 1 trong 6 tỉnh xuất phát điểm thấp nhất cả nước, với 55% hộ đói nghèo, 52% dân số mù chữ, 15 xã trắng về y tế năm 1991, đến năm 2020, tốc độ giảm nghèo dẫn đầu khu vực phía bắc đã giúp Lào Cai giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 8,46%, trở thành điểm sáng trong giáo dục vùng cao của cả nước; sức khỏe, tầm vóc người dân ngày một nâng cao.

Từ một nền kinh tế thuần nông, cơ cấu kinh tế của Lào Cai đã nhanh chóng chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng, đưa địa phương này từng bước vươn lên vị trí “đầu tàu” của khu vực, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10% giai đoạn 2015 – 2020; GRDP bình quân đầu người cao thứ 2 trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đạt 76,3 triệu đồng năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 37.000 tỷ đồng năm 2020; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 19.000 tỷ đồng năm 2019.

Từ một địa phương lo ăn cho dân, lo lương cho cán bộ còn chưa đủ trong những ngày đầu gian khó, thu ngân sách năm 1991 chỉ vẻn vẹn 36 tỷ đồng thì đến năm 2020, số thu đã tăng lên trên 9.000 tỷ, tạo đà cho Lào Cai dần tiến tới cân bằng thu chi, tự chủ tài chính trong tương lai không xa.

30 năm trước, khi tỉnh lỵ còn chưa biết đặt ở đâu, dân cư phân tán sau chiến tranh, loạn lạc, thì đến ngày hôm nay, một thành phố Lào Cai đô thị loại II đã hiển hiện với vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh, sở hữu khu hành chính hiện đại nằm giữa 2 thị xã cũ Lào Cai – Cam Đường, xung quanh dân cư đông đúc, phố phường sầm uất, văn minh.

Một Sa Pa lặng lẽ, huyền ảo từng được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” cũng sớm bừng tỉnh trong chiếc áo khu du lịch quốc gia; cùng với “cao nguyên trắng” Bắc Hà, xứ mây Y Tý nức tiếng trong ngoài nước, thu hút hàng triệu lượt du khách đến mỗi năm.

Từ một địa phương vùng cao chia cắt, hơn 1/3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm thì đến nay cũng tương đương chừng ấy xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 100% xã có đường nhựa, đường bê tông tới tận thôn, bản.

Nhớ những năm tháng đầu, ngay giữa thị xã người dân vẫn phải đi phà, chèo mảng thì càng về sau, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện với hàng loạt cây cầu mới khang trang, với những cái tên mỹ miều đã dựng lên như Hồ Kiều, Cốc Lếu, Phố Mới, Kim Thành, Làng Giàng, Móng Sến… Ngoài hệ thống cao tốc, Quốc lộ, tỉnh lộ thông suốt, Lào Cai còn chuẩn bị có thêm cả đường hàng không.

Từ chỗ không có hàng hóa lưu thông, cửa khẩu quốc tế có một không hai nằm ngay nội đô tỉnh lỵ nhanh chóng mọc lên, tạo “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, phát huy vai trò cửa ngõ quốc gia, hành lang kết nối Côn Minh - Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, thúc đẩy mối quan hệ hòa bình – hữu nghị, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên biên giới. Lào Cai đã sớm gia nhập “câu lạc bộ” cửa khẩu có số thu nghìn tỷ cho ngân sách từ năm 2011.

Với phương châm kinh điển “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, địa phương Tây Bắc này là điểm đặt chân của hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó hơn 70 doanh nghiệp chiến lược, quy mô lớn. Cũng chính nhờ đó, những dự án, công trình hoành tráng như cáp treo Fansipan, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cầu cạn cao nhất Việt Nam (cầu Móng Sến), cảng hàng không Sa Pa, khu đô thị Đông Bắc (Sa Pa)… nối tiếp nhau hình thành.

Thấm thoắt 30 năm đã trôi qua, hình ảnh một tỉnh miền biên viễn từng được ví như “vành đai trắng” xưa kia nay chỉ còn trong dĩ vãng, thay thế bởi diện mạo năng động, cởi mở, đầy thực lực, tiềm năng, là nơi đáng sống, đáng đầu tư. Thành quả ấy rất đỗi tự hào, được kết tinh bởi tình đoàn kết, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, tự lực, tự cường của những con người bằng xương, bằng thịt nhưng ôm trong mình khát vọng, tư duy lớn, tất cả vì một Lào Cai phát triển bền vững.

30 năm với nhiều người con của Lào Cai là trọn cả một đời công tác, cống hiến. 30 năm là tiến trình lịch sử với đủ thăng trầm, chất chứa bao niềm vui, cả nỗi buồn, nước mắt, thậm chí máu xương. 30 năm cũng là quãng thời gian Lào Cai tranh thủ dồn sức để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín xứng đáng trở thành vùng động lực phát triển, trung tâm kết nối của cả nước; góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, 30 năm để đưa Lào Cai từ bộn bề những nghèo khó trở thành tỉnh phát triển của miền núi phía Bắc đã hoàn thành. Đồng thời, mở ra cánh cửa mới đón chờ thế hệ tiếp nối củng cố, phát huy, phấn đấu cho mục tiêu lớn tiếp theo, quyết tâm đưa Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 và là tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2045./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấm áp những nếp nhà tình nghĩa ở Bảo Thắng (Lào Cai)
Ấm áp những nếp nhà tình nghĩa ở Bảo Thắng (Lào Cai)

VOV.VN - Những năm qua, việc đẩy mạnh gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai, nhằm chăm lo, hỗ trợ, nhất là xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

Ấm áp những nếp nhà tình nghĩa ở Bảo Thắng (Lào Cai)

Ấm áp những nếp nhà tình nghĩa ở Bảo Thắng (Lào Cai)

VOV.VN - Những năm qua, việc đẩy mạnh gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào sâu rộng tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai, nhằm chăm lo, hỗ trợ, nhất là xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở các tỉnh Tây Bắc:  Lào Cai dẫn đầu
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở các tỉnh Tây Bắc: Lào Cai dẫn đầu

VOV.VN - 5 tỉnh Tây Bắc, gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm trước. Riêng tỉnh Lào Cai có thứ hạng cao trong số 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở các tỉnh Tây Bắc:  Lào Cai dẫn đầu

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở các tỉnh Tây Bắc: Lào Cai dẫn đầu

VOV.VN - 5 tỉnh Tây Bắc, gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm nay đều cao hơn năm trước. Riêng tỉnh Lào Cai có thứ hạng cao trong số 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Lào Cai nới lỏng giãn cách sau hơn 14 ngày không phát sinh ca bệnh
Lào Cai nới lỏng giãn cách sau hơn 14 ngày không phát sinh ca bệnh

VOV.VN - UBND tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản cho phép nới lỏng một số hoạt động tại các khu vực trọng điểm vừa phải giãn cách do ảnh hưởng của Covid-19.

Lào Cai nới lỏng giãn cách sau hơn 14 ngày không phát sinh ca bệnh

Lào Cai nới lỏng giãn cách sau hơn 14 ngày không phát sinh ca bệnh

VOV.VN - UBND tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản cho phép nới lỏng một số hoạt động tại các khu vực trọng điểm vừa phải giãn cách do ảnh hưởng của Covid-19.