30/4/1975 mãi là chiến thắng chung của phong trào Cộng sản thế giới
VOV.VN - Tổng biên tập tờ báo Nhân đạo (L'Humanite) của Pháp đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Ngày 2/5/1975, trang nhất báo Nhân đạo (L'Humanité) – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Pháp- đăng dòng tít lớn “Việt Nam – Chiến thắng!”. Liên tiếp các ngày trước và sau đó, các số nhật báo Nhân đạo dành nhiều trang khổ lớn đăng tải những bài phân tích thắng lợi của nhân dân Việt Nam, kêu gọi tuần hành ủng hộ Việt Nam và bày tỏ niềm vui chung của các chiến sỹ cộng sản, nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp đối với “sự kiện lịch sử” mà nhân dân Việt Nam đã tạo ra.
Ngày 30/4 40 năm sau, những ký ức của chiến thắng ấy không hề phai mờ. Báo Nhân đạo sẽ dành một số đặc biệt để nhìn lại sự kiện cũng là thắng lợi chung của phong trào cộng sản thế giới, phong trào cộng sản Pháp.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã tiếp cận những trang báo lịch sử hiện vẫn được lưu trữ cẩn thận tại trụ sở báo Nhân đạo và phỏng vấn Tổng biên tập báo Nhân đạo ông Patrick Apel-Muller về những tác động vang dội và trường tồn của chiến thắng 30/4/1975 và số báo đặc biệt sẽ phát hành ngày 30/4/2015 tới.
PV: Thưa ông, báo Nhân đạo đã sát cánh với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Xin ông cho biết cụ thể những gì mà các nhà báo của tờ Nhân đạo đã làm, đặc biệt trong tháng 4/1975 ?
Ông Patrick Appel-Muller: Vào thời điểm đó, phóng viên báo Nhân đạo có mặt tại Việt Nam - nhà báo Alain Vasme, đã có bài viết phản ánh không khí hào hùng, niềm vui bùng nổ khi Việt Nam giành chiến thắng.
Báo Nhân đạo chúng tôi có truyền thống và lịch sử cử phóng viên trường trú tới Việt Nam từ rất lâu, không chỉ có mặt ở Hà Nội mà luôn sát cánh với lực lượng Việt Minh, như nhà báo Madeleine Riffaud- người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người sau này đã viết cuốn "Trong chiến khu Việt Cộng."
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống sự đô hộ của thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ là một cuộc đấu tranh về bản sắc không chỉ đối với báo Nhân đạo mà cả với các thế hệ chiến sỹ cộng sản ở Pháp. Ví dụ như khi tôi còn bé, lúc đó bố mẹ tôi đều là những chiến sỹ cộng sản, vẫn in sâu trong ký ức của tôi những hoạt động của bố mẹ khi đó tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh ủng hộ Việt Nam, bày tỏ đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Họ đã cùng mọi người in dấu bàn tay mình lên tấm áp phích để bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam, đã tham gia tích cực phong trào “một con tàu dành cho Việt Nam” , cùng quyên góp quần áo, đồ ăn, đồ dùng học tập để gửi đến ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đó là phong trào rất mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam vào thời điểm đó.
Vì thế, phải nói rằng có nhiều thế hệ độc giả của báo Nhân đạo theo dõi sát sao và được tạo cảm hứng mạnh mẽ từ chiến thắng của nhân dân Việt Nam, như tôi, từ khi rất nhỏ.
PV: Sự kiện 30/4/1975 có ý nghĩa như thế nào với những người làm báo Pháp, đặc biệt là những nhà báo cộng sản ở tờ Nhân đạo, thưa ông?
Ông Patrick Appel-Muller: Vào lúc đó, tôi còn rất bé nhưng dấu ấn của chiến thắng của Việt Nam vẫn in đậm trong tôi là một chiến thắng vang dội ở cả tầm quốc tế và quốc gia.
Ở tầm quốc tế, chiến thắng ấy đã cho thấy khả năng của một dân tộc có thể phát huy mạnh mẽ những nguồn lực phương tiện ít ỏi nhất, chiến thắng những thế lực mạnh nhất thế giới, đối phó với những vũ khí hủy diệt dã man nhất như chất độc da cam, bom napalm, những đợt đánh bom khủng khiếp ở miền Bắc. Dân tộc ấy đã thể hiện khả năng đoàn kết và cùng bày tỏ lòng dũng cảm gây ấn tượng cho toàn thế giới.
Chiến thắng ngày 30/04/1975 cũng là minh chứng cho thấy dù phải đối phó với những thách thức khủng khiếp nhất, nhân dân Việt Nam vẫn không ngừng hướng tới vươn lên đạt tới những ước vọng tự do, thống nhất đất nước. Đó là bài học cho tất cả các dân tộc trên thế giới để đối mặt với chủ nghĩa độc tài; đó là nguồn động lực đối với nhân dân các nước bị áp bức khác ; bài học là phải làm sao đoàn kết toàn dân tộc cùng đấu tranh.
Xét về tầm quốc gia, trong bối cảnh nước Pháp lúc đó, chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi của cuộc đấu tranh dài và khó khăn của phong trào cộng sản. Chúng tôi luôn ghi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Pháp và ngay từ đầu, đảng Cộng sản Pháp cũng đã mạnh mẽ chống chủ nghĩa thực dân của Pháp. Chúng ta vẫn nhớ câu chuyện về những chiến sỹ cộng sản Pháp đã đặt cược cả tính mạng nằm trên đường tàu để chặn những con tàu chở vũ khí sang Việt Nam. Những chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi trên đường phố, đòi trả lại tự do, độc lập cho Việt Nam, cho Đông Dương.
Do đó, chiến thắng của Việt Nam, một phần nào đó, cũng là chiến thắng chung của những người cộng sản Pháp.
PV: Ngày 30/4 năm nay, báo Nhân đạo sẽ ra số đặc biệt kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử chung đó. Ông có thể tiết lộ những nội dung quan trọng của số báo đặc biệt đó?
Ông Patrick Appel-Muller: Chúng tôi đã lựa chọn phân tích sâu về chiến thắng 30/04/1975 nhân kỷ niệm 40 năm vì độc giả của chúng tôi rất quan tâm đến sự kiện lịch sử này. Họ đã từng theo dõi sát sao diễn biến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam, giống như những nhà báo của tờ Nhân đạo tại địa bàn vậy. Sự kiện này như nằm trong quá khứ, trong lịch sử của chính họ, với nhiều người, sự kiện này gắn bó với họ từ khi còn rất nhỏ như tôi, được thấy cha mẹ mình đã cùng đấu tranh, cùng thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Số báo đặc biệt ngày 30/4/2015 sẽ có 8 trang. Chúng tôi sẽ quay lại với lịch sử những ngày đó, để cho thấy một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ nhưng hào hùng của nhân dân Việt Nam. Số báo này sẽ đăng tải lại một số bài báo của 40 năm trước, sẽ có một cuộc trò chuyện với công dân người Pháp gốc Việt – nạn nhân chất độc da cam- người đang kiện các công ty hóa chất của Mỹ thả chất độc da cam xuống Việt Nam, đang đấu tranh để cả thế giới biết đến tội ác của quân đội Mỹ.
PV: Với số báo đặc biệt này, báo Nhân đạo muốn gửi đến độc giả thông điệp gì, thưa ông ?
Ông Patrick Appel-Muller: Chúng tôi muốn gửi một thông điệp kép. Thứ nhất, rằng lịch sử chống thực dân cũng là lịch sử của nước Pháp, lịch sử không chỉ của chính phủ, của giới chủ có nhiều lợi ích trong bóc lột Việt Nam mà còn của những công nhân, những chiến sỹ cộng sản, những nhà dân chủ đấu tranh không ngừng chống lại chủ nghĩa thực dân và bày tỏ tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Việc nhắc lại lịch sử là rất quan trọng, nhắc lại rằng khi một dân tộc đoàn kết và quyết tâm mạnh mẽ đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình, dân tộc ấy sẽ đạt đến mục đích và tạo động lực cho các dân tộc khác. Đó là thông điệp thứ nhất, về chiến thắng đã có tác động lịch sử và vang dội toàn cầu của nhân dân Việt Nam.
Thông điệp thứ hai là chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến những diễn biến tại Việt Nam, những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được. Chính phủ và dân tộc Pháp có một duyên nợ với Việt Nam, đó không chỉ là lịch sử về chủ nghĩa thực dân mà cả lịch sử gắn bó giữa hai nước.
Tôi xin nhắc lại vai trò sáng lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đảng Cộng sản Pháp, tổ chức đại hội đầu tiên của đảng Cộng sản. Nhưng đó cũng là lịch sử đã làm đa dạng cái nhìn của những người cộng sản, những người cấp tiến bởi chiến thắng của Việt Nam cho thấy những tầng lớp khác nhau trong xã hội vẫn có thể đoàn kết và cùng đấu tranh vì mục đích cao cả chung và họ đã cùng đạt được những kết quả tích cực và tiến bộ cho đất nước.”
PV: Hiện tại báo Nhân đạo vẫn giành rất nhiều quan tâm cho Việt Nam. Vậy 40 năm sau ngày thống nhất của Việt Nam, ông và các đồng nghiệp nhìn nhận sự phát triển của Việt Nam ngày nay?
Ông Patrick Appel-Muller: Chúng tôi luôn theo sát các diễn biến ở Việt Nam, những thiệt hại mà chiến tranh gây ra cho Việt Nam, phá hủy cơ sở hạ tầng, những vụ đánh bom gây nhiều thương vong và thiệt hại khiến việc xây dựng lại đất nước khó khăn và mất nhiều thời gian.
Nhưng giờ đây Việt Nam đã phát triển ngoạn mục và đạt những thành tựu quan trọng, cho phép người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, đạt nhiều kết quả trong cân bằng xã hội, đạt hiệu quả trong công tác giảm nghèo.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.
Xem thêm: