42 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng
VOV.VN - Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Sáng 13/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Trình bày báo cáo tổng kết của ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2019, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại hơn 3.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 106 đơn vị vi phạm. Có 8 người nộp lại quà tặng với giá trị 116 triệu đồng; 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo tại Hội nghị. |
Toàn ngành đã tiến hành 2.290 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 338 vụ việc với 413 người vi phạm, đã xử lý kỷ luật 40 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 331 tỷ đồng (đã thu hồi 156 tỷ đồng, đạt 47%).
Theo ông Trần Ngọc Liêm, năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng, nhất là trong việc tham mưu triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác này.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là: tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.
Cùng với đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp; Cải cách hành chính trong hoạt động của ngành mặc dù đã được quan tâm thúc đẩy nhưng tiến triển còn chậm.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, ngành tiếp tục triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả, nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
“Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo” – ông Trần Ngọc Liêm nêu rõ.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, rà soát và hoàn thiện pháp luật. Tiến hành tổng kết chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng; đề xuất Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về công tác phòng, chống tham nhũng./.
Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng là hiện tượng có thật