Trường Sơn trong từng nét vẽ

Chiến tranh đã lùi xa, đường Trường Sơn đã tròn 50 năm tuổi, nhưng những hình ảnh về một thời khốc liệt mà hào hùng của dân tộc gắn với con đường huyền thoại này vẫn được lưu giữ trong những bức vẽ của các chiến sỹ - hoạ sỹ Trường Sơn

Thời kỳ đó, trong khói lửa khốc liệt, ngoài việc tăng cường vũ khí, xe, quân số… cho chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, lực lượng văn hoá - nghệ thuật khắp cả nước cũng hăng hái vào phục vụ chiến trường. Nhiều hoạ sỹ đã vượt qua đường Trường Sơn toả đi các chiến trường miền Nam, có mặt tại các trận địa, tuyến đường. Những cuộc chiến đấu dũng cảm và lao động hết mình của bộ đội, thanh niên xung phong nơi đây, cảnh núi rừng hùng  vĩ mà thơ mộng đã trở thành đề tài nóng hổi, tạo nên những rung cảm mạnh mẽ và sức sáng tạo dồi dào cho người nghệ sỹ. Và hàng trăm bức hoạ, ký hoạ sống động, chân thực đã ra đời trên con đường huyền thoại này.

Hoạ sỹ Bùi Quang Ánh, người đã gắn bó đặc biệt với đường Trường Sơn từ năm 1968 đến 1975 và đã vẽ hơn 150 bức ký họa về một giai đoạn khốc liệt của con đường huyền thoại này. Những bức ký họa của ông khắc hoạ những trận đánh khốc liệt, những khoảng khắc ở dưới hầm… “Tôi vẽ hoàn toàn theo sự thật được nhìn thấy, những gì đã xảy ra. Tôi thường ký họa rất nhanh, chưa đến 20 phút cho một bức ký hoạ màu nước khổ 40x100m. Có những trận đánh ác liệt, trọng điểm, tôi phải vẽ thật nhanh, nhiều khi giữa hai đợt dội bom, ở dưới hầm chui lên, vẽ trong tích tắc rồi lại chui xuống. Có những cuộc họp quan trọng diễn ra trong vài phút dưới hầm, với độ sâu 40m dưới lòng đất, tôi được phép chứng kiến và vẽ ký hoạ. Đó là những thời khắc hiếm hoi, mình không thể bỏ qua, không thể chần chừ”- ông chia sẻ.

Hoạ sỹ quân đội Hoàng Đình Tài cũng là một thành viên trong đội ngũ hoạ sỹ chiến trường đã chiến đấu và vẽ trong nhiều tháng năm trên miền rừng núi bom đạn Trường Sơn. Những bức tranh vẽ cảnh hang đá hiểm trở, chiếc cầu treo lung lay vắt qua vực thẳm dưới chân là con suối rừng tung bọt trắng xoá, cảnh em gái Vân Kiều xinh tươi may áo chiến sỹ, người dân Lào Thưng rời làng mở đường, cảnh những binh trạm đói giữa mùa mưa, đường tắc, cơn sốt rét run người trong căn hầm; cảnh hành quân vượt đèo dốc… Tất cả hiện lên sinh động, giàu màu sắc trong những bức tranh như: Lòng dân A Lắc, Giữa hai trận đánh, Trọng điểm Văm Mu, Bản mới giải phóng… Hoạ sỹ Hoàng Đình Tài hồi tưởng: “Còn nhớ, sau chuyến đi vẽ binh trạm số 9 đường ống, anh Nguyễn Văn Thảo (hoạ sỹ Trường Sơn đã hi sinh trên xe chở hàng tuyên huấn vào binh trạm 42 miền Tây Huế) đã gửi tôi mười trang ký hoạ về hậu cứ triển lãm lúc chia tay ở ven suối ướt đầm. Con lũ cuốn đi ba lô cặp vẽ lúc qua suối, may cậu lái xe lao ra vớt hộ. Ngồi phơi áo, phơi tranh trên tảng đá khô mà thương anh. Nét vẽ bằng que, xao xác bay lượn, điểm màu tươi rói như máu ứa”.

Hoạ sỹ Trường Sơn thời ấy bày tác phẩm của mình mọi lúc, mọi nơi. Trong hang đá, trên cổng trời, giữa vùng cây cháy ngổn ngang, dọc đường giao liên hay đơn giản hai cánh tay giơ cao bên đường hành quân đi, xe chạy trước giờ vào trận. Các anh muốn qua những bức vẽ, khích lệ tinh thần chiến đấu, sẵn sàng cho Tổ quốc quyết sinh cho quân và dân ta.

“Mùa khô năm 1972, trong khu rừng yên tĩnh, chúng tôi bày phòng tranh đón chào Đại hội mừng công chiến trường. Hơn 100 tác phẩm sơn dầu, màu nước, chì than, que tre trên đủ loại giấy vẽ, giấy lót hòm mìn công binh, bạt xe cháy sót. Có tranh vẽ bằng đất núi Xê Công, Tha Méc, địa danh bất tử của chiến trường”- hoạ sỹ Hoàng Đình Tài nhớ lại.

Trong hàng nghìn trang ký hoạ say mê của biết bao hoạ sỹ chiến trường còn y nguyên bộ mặt chống Mỹ; chân dung con đường chiến trận, dòng suối, căn hầm, vùng rừng núi chạy dọc phía Tây Tổ quốc tới khuôn mặt của bao lớp thanh niên trẻ trung “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” và cả những chiến sỹ vô danh vĩnh viễn nằm lại giữa rừng. Đó là tài liệu vô cùng quý báu về một thời ác liệt mà hào hùng của dân tộc.

GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, nhận định: “Những sáng tác phản ánh, thể hiện hiện thực Trường Sơn vô cùng hào hùng, sinh động thời kỳ đó là những tài sản vô giá của dân tộc mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy tích cực hơn nữa để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu về truyền thống anh hùng của cha ông, đường Trường Sơn - con đường vĩ đại, có tính quyết định cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên