65 năm - chặng đường vẻ vang

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Lúc ấy là 11h30 ngày 7/9/1945. Khoảnh khắc lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam.

65 năm đã trôi qua kể từ khi Tiếng nói Việt Nam chính thức ngân vang trên sóng phát thanh, báo hiệu một sức vóc và bước phát triển mới của hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 phố Quán Sứ, Hà Nội là một địa danh, một địa chỉ quen thuộc với quý thính giả trong nước và bạn bè thế giới. Và cũng từ đây, Đài Tiếng nói Việt Nam từng bước được củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, để đến nay, tòa nhà 58 Quán Sứ là một công trình kiến trúc hoàn hảo, là một trong số những công trình đầu tiên được gắn biển Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đáp ứng nhu cầu phát triển của một cơ quan truyền thông hiện đại.

Vừa là chứng nhân phản ánh, vừa tham gia góp phần làm nên lịch sử cách mạng Việt Nam, trong suốt 65 năm qua, các thế hệ nối tiếp của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, lập nên những thành tích to lớn góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Binh đoàn hùng mạnh

Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thông tin kịp thời các chủ trương, chỉ thị của Đảng, Nhà nước ta, mệnh lệnh tấn công của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch quân sự quan trọng; cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước hăng hái tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, ngày 6/9/2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đài TNVN

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đài là cơ quan báo chí duy nhất đưa thông tin đến mọi vùng miền, đặc biệt là tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đài đã thông tin kịp thời, có hiệu quả đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Hoạt động của Đài như một binh đoàn hùng mạnh góp phần vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm chống Mỹ, Đài đã được Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ đặc biệt là dùng một số chương trình phát thanh để truyền đạt mệnh lệnh tấn công cho các mặt trận, nghi binh về mở hướng chiến dịch, trận đánh, góp phần vào chiến thắng oanh liệt trên các chiến trường. Đài còn tuyên truyền binh vận, địch vận có hiệu quả, đánh bại chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ và chế độ Ngụy quyền Sài Gòn.

Các chương trình phát thanh của Đài trong thời gian này hướng vào nhiệm vụ cổ vũ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên kịp thời và có hiệu quả quân dân ta anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, tuyên truyền cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế; cô lập, phân hóa kẻ thù, góp phần thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.

Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, Đài còn trực tiếp đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đã cử nhiều đoàn cán bộ, phóng viên tham gia viết bài, đưa tin các chiến dịch như Đường 9 Nam Lào (1971), Quảng Trị (mùa hè 1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975); xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng tại Nam bộ (Đài B), Đài Giải phóng A, Đài Phát thanh khu 5, Đài Trị Thiên Huế; nhiều văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên truyền được bổ sung hoặc tham gia phục vụ ở chiến trường miền Nam, viết bài cổ vũ đồng bào chiến sĩ miền Nam và tham gia lãnh đạo các cơ quan văn hoá, văn nghệ tại miền Nam. 13 nhà báo, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ sở đài, trạm khắp vùng căn cứ cách mạng trong cả nước như Cao Bằng, Tân Trào, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Khu Tây Bắc, Việt Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; Lào Cai, Hòa Bình, Chùa Trầm - Hà Tây (cũ)... Trong kháng chiến, Đài đã di chuyển địa điểm tới 14 lần.

Cũng trong giai đoạn này, Đài đã làm tốt nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ Đài Phát thanh Lào và Campuchia về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, lắp đặt các hệ thống phát thanh, truyền thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia Lào và Campuchia hoạt động.

Phát huy thế mạnh Đài Quốc gia

Trong công cuộc đổi mới ngày nay, Đài không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền; đã xây dựng 5 Hệ chương trình phát thanh theo xu hướng hiện đại phục vụ mọi tầng lớp xã hội. Mở thêm các loại hình báo in, báo điện tử để hỗ trợ và phát huy thế mạnh của Đài Quốc gia.

 

Đài đã đột phá trong việc sử dụng công nghệ phát thanh hiện đại, tăng tính tương tác, giao lưu với thính giả; tăng thời lượng, tăng thêm chương trình, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền; hằng ngày phát sóng trên 200 giờ với hơn 200 chương trình phát thanh.

Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5) của Đài, ngoài 11 thứ tiếng nước ngoài, có thêm 1 chương trình tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Đài cũng đã tổ chức phát sóng 12 chương trình phát thanh bằng 12 thứ tiếng dân tộc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bước đổi mới ngoạn mục của Đài trong thời gian qua là đã thiết lập Hệ Phát thanh có hình, tăng thêm thông tin trên màn ảnh nhỏ để nhân dân lựa chọn và hưởng thụ. Đồng thời, Đài đã phát sóng Kênh Phát thanh Giao thông (VOV Giao thông) tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ bước chuyển quan trọng này, Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay trở thành cơ quan truyền thông có đủ 4 phương thức: phát thanh, phát thanh có hình, báo in, báo điện tử. Mỗi một phương thức truyền thông đều có sắc thái riêng.

Trong lĩnh vực kỹ thuật, Đài không ngừng đổi mới kỹ thuật phát thanh hiện đại, tăng diện phủ sóng và chất lượng sóng; có nhiều phương thức truyền dẫn, phát sóng: sóng cực ngắn, sóng trung, sóng ngắn, vệ tinh, phát trực tuyến trên mạng Internet.

Đài đã xây dựng các trạm phát sóng FM tại các điểm cao ở vùng núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tăng diện phủ sóng cho vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường thiết bị hiện đại để phủ sóng biển Đông với diện phủ sóng tính từ đất liền là 3.500 - 4.000km.

Đến nay, hơn 99% khu vực dân cư trong nước và nhiều khu vực, địa bàn trọng điểm trên thế giới nghe được các chương trình phát thanh của Đài. Đài đã nhanh chóng bắt nhịp đổi mới công nghệ phát thanh, ứng dụng kỹ thuật số, sử dụng phần mềm chuyên dụng trong sản xuất chương trình.

Tầm vóc lớn mạnh

Qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài ngày càng tăng thêm bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của quá trình hiện đại hoá Đài Tiếng nói Việt Nam, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.

Là cơ quan truyền thông hàng đầu của đất nước, Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các Đài Phát thanh - Truyền hình, các tổ chức quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Tới nay, Đài đã có quan hệ hợp tác song phương với hơn 70 Đài Phát thanh - Truyền hình các nước; là thành viên tích cực của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU); là Chủ tịch Hội đồng quốc tế các Đài Phát thanh - Truyền hình có sử dụng tiếng Pháp (CIRTEF); Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì nhiều hội nghị quốc tế như ABU, AIBD, Giọng hát hay ASEAN và Hội nghị báo chí cấp cao châu Á.

65 năm qua, đối với Đài Tiếng nói Việt Nam là chặng đường đầy khó khăn, thử thách đã vượt qua và cũng là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ với những thành tựu rất đỗi tự hào. Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay đã thực sự lớn mạnh về tầm vóc, đang vươn tới để đạt được những thành tựu mới.

Phát huy phẩm chất Anh hùng, tập thể phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên của Đài sẽ đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, vững vàng về chính trị, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên