70 năm Hiệp định Genève: Cách núi ngăn sông không phai lòng yêu hòa bình
VOV.VN - Vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã đi vào lịch sử Việt Nam, gắn liền một giai đoạn lịch sử đất nước bị chia cắt. Trong nỗi đau chia cắt đất nước tạm thời, bom đạn chiến tranh giày xéo, con người nơi đây luôn khát khao hòa bình.
Cách đây 70 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết về đình chỉ chiến tranh, hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị được xác định là ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Hơn hai mươi năm chia cắt đau thương, mất mát càng cháy lên khát vọng hòa bình, thống nhất non sông trong từng con người Việt Nam nói chung và Nhân dân tỉnh Quảng Trị nơi vùng giới tuyến nói riêng.
Đại tá Nguyễn Thanh Hà, 94 tuổi, ở khu phố 2, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ông là cựu chiến binh thuộc đơn vị lực lượng Công an vũ trang giới tuyến năm xưa. Ông Hà luôn nhớ về cuộc chiến bảo vệ lá cờ. Cờ Tổ quốc là biểu tượng của đất nước, lá cờ còn thì Tổ quốc còn. Khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay ở phía bờ Bắc, người dân càng vững tin về ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.
Ông Hà kể, ngày đó, địch tập trung máy bay đánh phá cầu Hiền Lương và cột cờ giới tuyến. Chiến sỹ công an vũ trang, Nhân dân Vĩnh Linh ra sức bảo vệ lá cờ, bảo vệ cầu. Bom địch dội xuống, cờ Tổ quốc bị rách, cột cờ sập thì ngay trong đêm, quân và dân dùng gỗ, tre dựng lại cột, vá lại cờ để lúc nào ngọn cờ vẫn luôn tung bay, thể hiện ý chí vững vàng và khát khao hòa bình của Nhân dân 2 miền Nam- Bắc.
Ông Nguyễn Thanh Hà nhớ lại: “Ngày đó bà con miền Nam nhắn ra là làm sao đó cờ của ta phải dựng cao hơn cột cờ của địch. Với chỉ thị của cấp trên và quyết tâm của bà con 2 bên giới tuyến, bất cứ bằng mọi giá, cột cờ Hiền Lương là cột cờ hiệu triệu, liên tục giữ cột cờ Hiền Lương ở đó tung bay, bám trụ chiến đấu cùng dân quân để giữ cờ”.
Tháng 7 này về đất lửa Quảng Trị, người dân, du khách và bạn bè quốc tế có thể ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên kỳ đài tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã đi vào lịch sử Việt Nam, gắn liền một giai đoạn lịch sử đất nước bị chia cắt. Trong nỗi đau chia cắt đất nước tạm thời, bom đạn chiến tranh giày xéo, con người nơi đây luôn khát khao hòa bình.
Ông Chuck Searcy - cựu sĩ quan tình báo của Quân đội Mỹ trở lại Việt Nam như để nói lời xin lỗi. Suốt 25 năm qua, ông đã đi khắp đất nước Việt Nam giúp đỡ những người bị khuyết tật, nạn nhân da cam, rà phá bom mìn. Khi đến Quảng Trị, ông thấu hiểu nỗi mất mát của cả hai phía vì chiến tranh, thấu cảm sâu hơn tấm lòng bao dung của người Việt Nam cũng như khát vọng hòa bình của những con người đang sống trên mảnh đất này. Quảng Trị, Việt Nam sẽ góp phần giúp những cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam chữa lành vết thương tinh thần thời hậu chiến bằng sự nhân hòa và lòng yêu chuộng hòa bình.
Bây giờ, ông Chuck Searcy là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), Cố vấn Quốc tế Dự án RENEW dành quãng đời còn lại của mình để cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh: "Một điều không còn nghi ngờ gì nữa Quảng Trị là mảnh đất đã quá nổi tiếng về mát, thương đau vì chiến tranh gây ra. Cũng chính mảnh đất này đã chứng minh cho tất mọi người trên toàn thế giới sự nỗ lực, vượt qua nỗi đau khôi phục chiến tranh. Tôi sẽ kêu gọi những cựu chiến binh Mỹ đến đây để chiêm nghiệm, lan tỏa khát vọng hòa bình".
Những ngày này, với nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình, tỉnh Quảng Trị gửi đến nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới thông điệp về khát vọng hòa bình. Những lá cờ màu xanh hòa bình được cắm lên hai bên cầu Hiền Lương; những cánh chim bồ câu nhẹ nhàng sà xuống giữa cầu tô lên vẻ đẹp hòa bình. Ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong hòa bình thống nhất, thế hệ hôm nay càng biết ơn cha ông, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cựu chiến binh Lê Phước Tới, 82 tuổi, ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị xúc động kể, ngày đó nơi đầu cầu giới tuyến lũy thép Vĩnh Linh vẫn vững vàng, giữ cho lá cờ của Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột Hiền Lương, giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng.
“Tôi là cựu chiến binh trải qua chiến tranh chống Mỹ ác liệt và đã cảm nhận được rằng giá trị hòa bình là rất lớn và dù có đắt đến mấy thì dân tộc ta cũng cố gắng đổi lấy cho bằng được hòa bình. Khát vọng hòa bình không chỉ riêng dân tộc ta bao đời nay mà còn là khát vọng chung của nhân loại”.
70 năm sau ngày ký Hiệp định Genève, người dân, du khách và bạn bè quốc tế đang ở trong những thời khắc vô cùng đáng nhớ của Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình mà còn là điểm đến vì hòa bình, là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trên “miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình”, mọi người cảm nhận hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột, chiến tranh mà mở rộng còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc; là tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng. Ông Hoàng Nam nhấn mạnh, hòa bình là khúc hoan ca, là niềm hạnh phúc, là những điều hết sức bình dị trong cuộc sống mà mỗi chúng ta cần nâng niu, trân trọng, gìn giữ.
“Từ vùng đất từng bị hủy diệt bởi chiến tranh đang mạnh mẽ hồi sinh, Lễ hội tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh. Lễ hội đang truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn cùng nhân loại “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp hiện nay” - ông Hoàng Nam cho hay.