Hội nghị Ngoại trưởng G7 tập trung vào các điểm nóng xung đột
VOV.VN - Hôm nay, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển – G7 chính thức khai mạc trên đảo Capri, Italy. Tại hội nghị diễn ra trong 3 ngày này, Ngoại trưởng các nước G7 sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề quốc tế nóng hiện nay như: xung đột tại Ukraine hay căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Theo kế hoạch, trong phiên khai mạc vào tối nay (theo giờ địa phương) và phiên thảo luận vào sáng mai (18/4), Ngoại trưởng các nước G7 sẽ tập trung vào những căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở dải Gaza, sự đối đầu “trực diện” bùng phát giữa Israel và Iran mới đây và tình hình an ninh hàng hải ở biển Đỏ.
Ngoại trưởng các nước G7 kỳ vọng sẽ có được một lập trường thống nhất để yêu cầu một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza, thúc đẩy viện trợ nhân đạo nhiều hơn nữa cho người dân dải đất này và tìm kiếm sự giải phóng con tin từ lực lượng Hamas.
Các nước G7 cũng đặc biệt quan tâm đến sự leo thang căng thẳng hiện nay giữa Iran và Israel, sau khi Iran tấn công lãnh thổ Israel, với tuyên bố đáp trả vụ Đại sứ quán nước này ở Syria bị không kích. G7 từng tuyên bố lên án Iran và đang có kế hoạch bàn về các lệnh trừng phạt tiềm năng nhằm vào các cá nhân của nước này, có trách nhiệm liên quan tới cuộc tấn công vào Israel. Dù vậy, G7 dự kiến cũng kêu gọi Israel kiềm chế trong phản ứng để căng thẳng không leo thang thành xung đột toàn diện.
Được biết, G7 dành 2 phiên thảo luận cho các điểm nóng ở Trung Đông, trong đó cũng đặc biệt quan tâm đến tuyến hàng hải quan trọng qua biển Đỏ - nơi lực lượng Houthi ở Yemen đang tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền của Israel và các nước đồng minh.
Tăng cường quan hệ với các nước châu Phi sẽ là nội dung tiếp theo trước khi các Ngoại trưởng G7 thảo luận về cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo Ngoại trưởng Italy – nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của G7 – ông Antonio Tajani, nội dung quan trọng chính là viện trợ quân sự cho Ukraine và cuộc họp là cơ hội tốt để các đồng minh nói chuyện với Mỹ - quốc gia viện trợ chính cho Ukraine đang gặp khó ở “cửa Quốc hội” về gói viện trợ bổ sung.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng các nước G7 sẽ thảo luận về các vấn đề pháp lý để có thể sử dụng số tiền phát sinh từ các tài sản phong tỏa của Nga để đem viện trợ cho Ukraine. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết:
“Vấn đề là tiền, dù là tiền lãi thôi, chúng tôi đã nghiên cứu các cơ sở pháp lý mà chúng tôi có. Chúng tôi đang nghiên cứu. Nhưng nếu không có cơ sở pháp lý thì sẽ là sai lầm nếu chúng tôi tiếp tục. Ở cấp độ chính trị, chúng tôi không phản đối nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần nghiên cứu xem có thể làm được hay không”.
Cũng theo Ngoại trưởng Italy, để có được hòa bình cho Ukraine, các nước G7 và đồng minh cần tạo ra lợi thế cho Ukraine trên chiến trường và bàn đàm phán. Ông cũng cho biết, một cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nên có sự tham gia của cả Trung Quốc.
Tại phiên thảo luận cuối cùng vào sáng ngày 19/4, Ngoại trưởng G7 sẽ dành thời gian để thảo luận các chính sách của nhóm ở khu vực châu Á.