Bình Dương không còn cảnh chôn rác thải
VOV.VN - Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Với số lượng rác thải thu gom hàng ngày khổng lồ, việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Nhằm nâng cao, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, từ năm 2017, Bình Dương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Phân loại rác tại nguồn, khó cũng phải làm
Sau 7 năm thí điểm phân loại rác, đến nay, người dân ở các thành phố: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát của Bình Dương đã thực hiện khá tốt phân loại rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác hữu cơ được người dân giữ lại ủ thành phân xanh, rác tái chế, như: giấy, nhựa được bán lại cho các đơn vị thu mua phế liệu, còn rác vô cơ mới giao cho đơn vị thu gom. Từ đó góp phần xây dựng địa phương văn minh, sáng xanh, sạch đẹp, đồng thời còn nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí xử lí rác.
Đối với TP.Dĩ An, ban đầu địa phương thí điểm phân loại rác tại cơ quan Nhà nước, sau đó nhân rộng ra 4 khu dân cư và tất cả trường học. Qua giám sát, những nơi tổ chức thí điểm hơn 85% hộ dân, đơn vị đã thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An chia sẻ, điều khó khăn nhất là làm thay đổi tư duy, nhận thức để cùng thực hiện. Với phương thức “mưa dầm thấm đất”, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời hỗ trợ thùng rác, trang thiết bị để các đơn vị phân loại rác tốt hơn.
“Ngoài ra, chúng tôi đã tăng cường công tác chế tài bằng biện pháp, không phân loại rác thì yêu cầu đơn vị thu gom không thu gom. Thường xuyên phát động phong trào thi đua để các địa bàn dân cư thi đua sôi nổi với nhau, phát giải thưởng và tuyên truyền trên hệ thống loa đài. Qua đó, người dân cũng đã ý thức hơn trong vấn đề phân loại rác tại nguồn”, ông Võ Trọng Tài nói.
Hiện nay, Bình Dương cũng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở tất cả siêu thị, trường học, bệnh viện… Bước đầu, việc thí điểm đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, Bình Dương đang triển khai việc phân loại rác tại nguồn ở tất cả các hộ dân. Đây cũng là phần việc trong kế hoạch của tỉnh để người dân thực hiện theo đúng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn, trong đó phân loại đúng quy định đạt 50% trở lên. Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, địa phương sẽ áp dụng chế tài theo quy định.
"Nghị định số 45/2022 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, đối với vi phạm về công tác thu gom điều chỉnh thành 2 hành vi là không phân loại rác tại nguồn và phân loại rác không đúng, bỏ vào bao bì không đúng sẽ bị phạt bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng", bà Nguyễn Ngọc Thúy cho biết.
Biến rác thải thành tài nguyên
Hiện nay, Bình Dương có khoảng 600.000 hộ dân, với hơn 2,6 triệu dân. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thời gian qua, Bình Dương đã quan tâm, đầu tư cho việc xử lí rác.
Bình Dương đã quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải ở phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát với diện tích 100ha. Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã nghiên cứu, đầu tư thêm máy móc, công nghệ xử lí rác tiên tiến để “biến” rác thải thành tài nguyên.
Với lượng rác thu gom mỗi ngày khoảng 2.520 tấn rác, công ty phân loại, xử lí, tái chế làm phân hữu cơ 840 tấn/ngày, rác thải rắn được đốt 200 tấn/ngày phát 5MW điện.
Lượng điện năng từ hai tổ máy phát điện đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương. Đối với tro xỉ từ các lò đốt tiếp tục được sử dụng làm gạch, bê tông… phục vụ nhu cầu xây dựng.
Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh xử lý chất thải Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cho biết, hiện nay việc xử lí rác đã ổn định còn khâu thu gom rác và phân loại rác tại nguồn, công ty sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường để thực hiện.
“Phương tiện vận chuyển, hiện nay nhà máy có hơn 100 xe để thu gom, vận chuyển rác và sẵn sàng làm theo những màu sắc khác nhau theo quy định của tỉnh, các sở ngành để thu gom riêng từng loại chất thải. Nhà máy cũng có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho các địa phương, trong thời gian tới chưa đầu tư kịp về xe vận chuyển thì sẽ sẵn sàng hỗ trợ để thực hiện việc thu gom”, ông Ngô Chí Thắng chia sẻ.
Cũng nhờ quy trình xử lí rác khép kín, biến rác thải thành tài nguyên của Biwase, đến nay, Bình Dương đã trở thành tỉnh đầu tiên trong 11 địa phương hoàn thành tiêu chí không chôn lấp rác thải trong lưu vực sông Đồng Nai.
Bình Dương cũng được Bộ Tài nguyên-Môi trường đánh giá là 1 trong 5 tỉnh có chất lượng bảo vệ môi trường tốt.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, với định hướng phát triển Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, thời gian tới dự kiến sẽ thu hút thêm nguồn lao động từ các tỉnh, thành đến làm việc và cư trú, điều này cũng dẫn đến lượng chất thải rắn sẽ tiếp tục tăng lên. Đây cũng là nỗi lo của tỉnh để đảm bảo phát triển một Bình Dương xanh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại để tiến tới 100% rác thải phát sinh được chuyển hóa thành sản phẩm hữu ích và tiến tới zero phát thải.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết thêm: “Xử lí rác thải sinh hoạt cũng là một phần trong những công việc bảo vệ môi trường của tỉnh. Trong xử lí rác sinh hoạt thì khâu phân loại rác là quan trọng nhất. Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm khâu xử lí nhưng hiện nay ở tỉnh Bình Dương khâu xử lí đã làm tốt. Tôi cũng đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường, UBND huyện bám sát kế hoạch của tỉnh để tuyên truyền cho người dân hiểu và cùng cộng tác với nhà nước làm cho tốt việc bảo vệ môi trường. Lãnh đạo tỉnh cũng có Tổng đài 1022 nên bà con phản ánh chất lượng môi trường thì nên thông tin để chúng tôi sớm có biện pháp xử lí".
Hiện nay, các địa phương lo lắng nhất là xử lí rác thải vô cơ sau phân loại nhưng Bình Dương đã làm được khi có nhà máy xử lí rác. Trong năm 2024, Bình Dương cần có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác tại nguồn. Như vậy, tỉnh sẽ giải được bài toán khó trong việc bảo vệ môi trường.