ASEAN tiếp tục nỗ lực nâng cao vai trò của luật pháp quốc tế

Hiện nay, ASEAN đang xây dựng Hiệp ước ASEAN về dẫn độ và Công ước ASEAN chống nạn buôn người.  

Ngày 2/11, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp thương pháp luật Á-Phi (AALCO), thay mặt Ủy ban ASEAN New York, Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) khẳng định vai trò chủ chốt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, thân thiện, hợp tác và thịnh vượng giữa các quốc gia trong khu vực và hợp tác có hiệu quả với LHQ và các quốc gia ngoài khu vực.

Đại sứ đánh giá cao các cuộc đối thoại với LHQ và các tổ chức có thiện chí, trong đó có Tổ chức Hiệp thương pháp luật Á-Phi và cho biết, ASEAN sẽ tiếp tục tham gia nghiêm túc các cuộc đối thoại như vậy nhằm góp phần tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế trong hoạt động quốc tế.

Đại sứ Bùi Thế Giang đã điểm lại vấn đề pháp luật của ASEAN trong thời gian qua. Đại sứ nhấn mạnh, Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15/12/2008 đã tạo một bước ngoặt đối với hiệp hội qua việc đem lại cho tổ chức này một tư cách pháp nhân cũng như các khung pháp lý và thể chế của một tổ chức quốc tế. Hiến chương bao gồm 14 nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc tuân thủ pháp quyền, quản lý tốt, dân chủ, chính phủ hợp hiến, đề cao Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, kể cả luật nhân đạo quốc tế. Theo Hiến chương, ASEAN sẽ phát triển thành một cộng đồng vào năm 2015 trên cơ sở ba trụ cột: Cộng đồng chính trị-an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội.

Về phương diện xã hội, Đại sứ Bùi Thế Giang nêu rõ ASEAN đã thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người ngày 23/10/2009 và Ủy ban ASEAN thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ngày 7/4/2010 nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với luật pháp của từng quốc gia thành viên cũng như các luật pháp quốc tế tương ứng mà các nước thành viên ASEAN tham gia.

Trình bày về nỗ lực tăng cường pháp quyền, thúc đẩy hợp tác xây dựng và thực thi pháp luật giữa các nước ASEAN, Đại sứ Bùi Thế Giang cho biết, với việc ký kết Hiệp ước Tương trợ pháp lý ASEAN về các vấn đề hình sự (năm 2004) và Công ước ASEAN về chống khủng bố (năm 2007), ASEAN đã hình thành những khuôn khổ rất quan trọng về hợp tác xây dựng và thực thi pháp luật. Hiện nay, ASEAN đang xây dựng Hiệp ước ASEAN về dẫn độ và Công ước ASEAN chống nạn buôn người.

Trước đó, các nước ASEAN đã cùng 6 nước châu Á khác thông qua Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và vũ trang cướp tàu biển ở châu Á. Ngoài ra, các nước đã ký kết Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (năm 1997), thông qua Kế hoạch hành động ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 1999). Các Ngoại trưởng ASEAN cũng đã đưa ra Tầm nhìn về “Một ASEAN không có ma túy vào năm 2015” và ký kết Tuyên bố ASEAN chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Liên quan các nỗ lực chống khủng bố, ASEAN đã ký kết Tuyên bố chung về chống khủng bố quốc tế với tất cả các nước đối tác đối thoại và đối tác lĩnh vực./.                                                            

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên