Bà Nguyễn Thị Thanh: "Có những nghị quyết của Quốc hội phải ký vào ban đêm"

VOV.VN - Có rất nhiều phiên Thường vụ làm việc cả buổi tối và kéo dài đến đêm để hoàn thiện những dự thảo nghị quyết liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch phải hoàn thành trong thời gian rất muộn, có những nghị quyết Chủ tịch Quốc hội đã ký vào ban đêm.

Ngày mai, 20/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc tại Tòa nhà Quốc hội và trực tuyến đến tất cả cac đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố.

Dự kiến kỳ họp diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20-10 đến 01-11 và đợt 2 họp trực tiếp từ ngày 8 đến ngày 13-11. Theo chương trình, Quốc hội sẽ họp tất cả các ngày thứ 7.

Đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng là yêu cầu tiên quyết, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khẳng định nhiều lần trước nghị trường cũng như tại các cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV với bà Nguyễn Thị Thanh, UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ, Trưởng ban Công tác đại biểu, UBTVQH khóa XV.

PV: Thưa bà, cho đến hôm nay, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã được chuẩn bị như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Sau kỳ họp thứ Nhất, đến nay, Thường vụ Quốc hội đã họp 2 phiên thường kỳ, có những phiên đã kéo dài đến 8 ngày, cùng nhiều phiên chuyên đề, thậm chí có những phiên bất thường để cho ý kiến vào những nội dung phục vụ cho kỳ họp với tinh thần tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong hoàn cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện có dịch, để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Với tinh thần như vậy, đến thời điểm này, hầu hết các nội dung trình kỳ họp đã được Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức để phục vụ kỳ họp. Cách đây 3 ngày, một lần nữa, Đảng đoàn Quốc hội đã cùng với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ rà soát lại các nội dung phục vụ kỳ họp. Đặc biệt, nhấn mạnh những nội dung các cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh để đảm bảo cho các dự án luật cũng như các nghị quyết có liên quan đến nội dung trình kỳ họp ra quyết định, đảm bảo chất lượng, độ chính xác và tính thực tiễn rất cao

PV: Khởi đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại nguy hiểm hơn, nhưng từ những quyết đáp đặc biệt ở kỳ họp thứ 1, từ các phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ, từ hoạt động linh hoạt, đổi mới của các cơ quan của Quốc hội, đã cho thấy một Quốc hội luôn chủ động, nhạy bén, linh hoạt và trách nhiệm. Bà nhận định thế nào về tinh thần đổi mới rất cao của Quốc hội khóa XV, mặc dù quãng thời gian hoạt động của nhiệm kỳ chưa dài?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Có thể nói tính phản ứng nhanh của Quốc hội rất rõ, mặc dù trong điều kiện một tập thể rất lớn nhưng độ nhạy bén và tính quyết đáp của Quốc hội để phản ứng trong điều kiện dịch bệnh, đã thể hiện một Quốc hội chủ động, linh hoạt, nhạy bén và tính sáng tạo cao. Ở đây chúng tôi thấy vai trò của Chủ tịch Quốc hội và Thường vụ Quốc hội rất rõ trong việc đề xuất những sáng kiến và chủ động thảo luận, bàn bạc với Chính phủ. Có rất nhiều phiên Thường vụ làm việc cả buổi tối và kéo dài đến đêm để hoàn thiện những dự thảo nghị quyết liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch phải hoàn thành trong thời gian rất muộn, có những nghị quyết Chủ tịch Quốc hội đã ký vào ban đêm để kịp thời cho Chính phủ và Chính phủ cũng thế.

Trong thời gian vừa rồi, các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ song hành cùng nhau làm việc, với tinh thần hết lòng vì nhân dân, không kể ngày giờ.

PV: Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có những đổi mới, để lại nhiều dấu ấn và cũng tạo đà để Quốc hội nhiệm kỳ sau tiếp tục đổi mới. Mỗi kỳ họp sau cũng sẽ tiếp nối những đổi mới của kỳ họp trước đó. Vậy theo bà, kỳ họp thứ 2 tới đây tiếp tục sự đổi mới từ kỳ họp thứ 1 như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Xuất phát từ sự chuẩn bị kỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho câu chuyện đổi mới. Trong kỳ họp lần này, sẽ tập trung vào những nội dung thường kỳ, theo luật định. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch có hiệu quả, phục hồi và phát triển kinh tế, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về các nhóm giải pháp thực hiện phòng chống dịch và tiếp tục sẽ cho ý kiến với những nội dung cần thiết, cần điều chỉnh, bổ sung những nhiệm vụ giải pháp, đặc biệt là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người lao động, cho các lĩnh vực kinh tế để phục hồi kinh tế cũng như tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống y tế để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn.

Một nội dung nữa Quốc hội sẽ bàn đó là có những nghị quyết rất đặc thù ở thời điểm này, là nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với những loại tội phạm hay những án đảm bảo được các quy định của luật để tổ chức phiên tòa trực tuyến phục vụ công tác tư pháp. Một điểm mới nữa Quốc hội sẽ cho ý kiến là nghị quyết về thí điểm một số chính sách đặc thù cho các thành phố, các tỉnh được xác định là địa phương có nhiều dư địa phát triển, đóng vai trò cực tăng trưởng trong vùng động lực, để từ đó phục vụ cho chiến lược tổng thể về phát triển KT-XH trong điều kiện có dịch.

Nhóm nội dung xây dựng pháp luật Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp đó là sửa đổi một số điều của Luật Thống kê; Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Luật Thi đua khen thưởng, Luật Cảnh sát cơ động; và sửa đổi một số điều của Luật Tố tụng hình sự.

Cũng liên quan đến diễn biến của dịch, để phục vụ các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Quốc hội sẽ cho ý kiến với các luật kinh doanh bảo hiểm, sở hữu trí tuệ. Đó là những luật có dự báo về nền kinh tế của đất nước phát triển trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu phục hồi kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới.

PV: Về hình thức tổ chức, kỳ họp này có những cách thức nào đổi mới không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Từ việc chuẩn bị tốt các nội dung cho phép chúng ta tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức kỳ họp. Việc chuyển đổi số và Quốc hội điện tử là một xu hướng trong bối cảnh dịch bệnh, thì xu hướng và tình hình thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải thiết kế chương trình kỳ họp thực sự khoa học. Quốc hội đã xây dựng 3 phương án tổ chức kỳ họp tương ứng với 3 kịch bản về tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn cả nước; đã xin ý kiến các đại biểu tiếp thu, giải trình và lựa chọn phương án. Đến thời điểm này, Quốc hội đang chọn phương án 1, đó là kết hợp giữa trực tuyến đợt 1 và trực tiếp đợt 2; có dự phòng phương án 2. Tuy nhiên, tinh thần là quyết tâm thực hiện phương án 1. Với diễn biến của dịch mấy ngày qua cũng như kết quả phòng chống dịch, chúng tôi tin tưởng phương án 1 sẽ được triển khai và thực hiện tốt.

Trong phương án giữa trực tuyến và trực tiếp, chúng tôi có dành thời gian giữa 2 đợt (khoảng 1 tuần) để cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đợt 1 để chỉnh lý, hoàn thiện, rồi báo cáo, giải trình tại đợt 2, cũng như sẽ quyết định, bấm nút vào đợt 2, như vậy sẽ rất thuận lợi, đảm bảo chất lượng của những quyết định của Quốc hội ngày càng chính xác hơn, chất lượng hơn. Chúng tôi quan tâm tới việc thiết kế các chương trình cho từng nội dung, tiếp tục tinh thần đổi mới của Quốc hội, kỳ họp này xin ý kiến Quốc hội về việc ứng dụng và thực hiện một số nội dung đổi mới như đang trong quá trình sửa đổi nội quy của kỳ họp và sửa đổi quy chế làm việc của Thường vụ Quốc hội, có một số nội dung đã rõ, khẳng định sẽ có hiệu quả, thì Quốc hội sẽ cho ý kiến, Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến Quốc hội ở phiên trù bị để thực hiện ngay một số đổi mới như biểu quyết trực tuyến, chia tổ thảo luận và điều hành của chủ tọa kỳ họp, tổng hợp ý kiến từ thảo luận tổ theo hướng tổng hợp, giải trình và tiếp thu, tập trung vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tránh việc ra Hội trường tiếp tục thảo luận nội dung trùng mà thảo luận tổ đã rõ, phần giải trình và tiếp thu gợi ý thảo luận tại Hội trường chỉ tập trung vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Thảo luận tổ cũng cách thảo luận hội trường một thời gian thỏa đáng để cho việc tổng hợp ở tổ đáp ứng được yêu cầu đổi mới Thường vụ Quốc hội đã đặt ra, để các cơ quan tiếp thu và giải trình có thời gian giải trình thấu đáo. Các ý kiến do điều kiện thời gian không phát biểu được cũng được ghi nhận bằng việc gửi văn bản đến Ban Thư ký, những ý kiến gửi bằng văn bản cũng được tổng hợp và có giá trị pháp lý như phát biểu tại Hội trường. Đó là những vấn đề rất căn bản trong quá trình thực hiện đổi mới cách thức tổ chức nội quy kỳ họp lần này.

PV: Cụ thể, kỳ họp thứ 2 sẽ thể hiện những quyết tâm của Quốc hội như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ban Công tác đại biểu dự thảo cùng với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban xây dựng quy chế mẫu nhằm đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban là các cơ quan của Quốc hội có chức năng thẩm định, thẩm tra những nội dung trình Quốc hội. Do vậy, chất lượng hoạt động của Quốc hội có mạnh hay không một phần lớn do các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Thường vụ Quốc hội đã ban hành được nghị quyết này. Đến thời điểm này, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban hầu hết đã ban hành quy chế cụ thể. Điểm mới trong quy chế này là quy định cơ chế rất rõ về trách nhiệm tham gia của các đại biểu Quốc hội với các Ủy ban. Đây là một trong những khó khăn, hạn chế của các nhiệm kỳ trước bởi tính thiếu chuyên nghiệp khi đại biểu Quốc hội phải kiêm nhiệm nhiều.

Do vậy hoạt động của các Ủy ban có những lúc không đủ điều kiện quá 50% để quyết định một nội dung nào đó, trong khi theo quy định, các Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Chắc chắn rằng, trong Quốc hội khóa XV này, tinh thần trách nhiệm và sự tham gia của đại biểu Quốc hội nói chung, trong đó có đại biểu chuyên trách, sẽ được tăng lên và những quyết tâm đổi mới trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã đưa ra 107 nhiệm vụ, trong đó nhiều nội dung liên quan đến cải tiến, đổi mới cho phù hợp với tình hình, yêu cầu mới, cũng như nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, có nhiều dự thảo nghị quyết sẽ được sửa đổi các nội dung để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới.

Một nội dung hiện nay Ban Công tác đại biểu đang được Đảng đoàn Quốc hội giao cho là cơ quan thường trực của Tiểu ban số 2, chuyên đề 11 về đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong tình hình mới. Chúng tôi đang tích cực cho chuyên đề này bởi đây là chuyên đề có tính ứng dụng cao, có thể thực hiện được ngay trong nhiệm kỳ này, đồng thời định hướng cho những khóa Quốc hội tiếp theo. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, Quốc hội khóa XV sẽ kế thừa tốt nhất những thành quả đổi mới của các khóa Quốc hội trước đây, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và kỳ vọng của nhân dân. 

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Quốc hội không “bắc nước sôi chờ gạo người”
Quốc hội không “bắc nước sôi chờ gạo người”

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến.

 Quốc hội không “bắc nước sôi chờ gạo người”

Quốc hội không “bắc nước sôi chờ gạo người”

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến.

Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

VOV.VN - Các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu, tham mưu việc chuẩn bị nội dung, dự kiến chương trình kỳ họp và các điều kiện bảo đảm chất lượng và tiến độ sẵn sàng phục vụ Kỳ họp thứ Hai.

Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

VOV.VN - Các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu, tham mưu việc chuẩn bị nội dung, dự kiến chương trình kỳ họp và các điều kiện bảo đảm chất lượng và tiến độ sẵn sàng phục vụ Kỳ họp thứ Hai.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng quyết sách đột phá
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng quyết sách đột phá

VOV.VN - Quốc hội được kỳ vọng sẽ thông qua những quyết sách quan trọng với chất lượng cao, thể hiện sự chủ động, từ sớm, từ xa, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển trong bối cảnh mới.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng quyết sách đột phá

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng quyết sách đột phá

VOV.VN - Quốc hội được kỳ vọng sẽ thông qua những quyết sách quan trọng với chất lượng cao, thể hiện sự chủ động, từ sớm, từ xa, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển trong bối cảnh mới.