Bàn về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm

Tiếp tục phiên họp thứ 33, chiều 23/8, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo và cho ý kiến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tại phiên họp chiều nay, các thành viên UBTVQH, đại biểu tập trung làm rõ nội dung ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành; các loại hình bảo hiểm; vấn đề nhượng tái bảo hiểm bắt buộc; thẩm quyền quản lý liên quan đến đấu thầu và cạnh tranh cũng như việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới…

Về ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành, nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự án Luật và cho rằng, thời gian qua do có sự khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định của các Luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu dẫn đến nhiều cách hiểu và xử lý khác nhau. Ví dụ, khi có tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về hợp đồng bảo hiểm, Toà án thường căn cứ vào Bộ luật Dân sự để xét xử, dẫn đến có thể xảy ra trường hợp xử lý vấn đề không đúng với bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội nêu ý kiến: “Cần phải cân nhắc rất thận trọng bởi bảo hiểm trong mỗi lĩnh vực có đặc thù.  Ví dụ như: Hàng không, Hàng hải có đặc thù riêng mà nếu cứ theo cái chung chưa chắc đáp ứng yêu cầu của Hàng không, Hàng hải. Cho nên phải hết sức cân nhắc, xem xét liên quan đến các quy định quốc tế nữa”.

Hầu hết ý kiến tán thành bỏ quy định về tái bảo hiểm bắt buộc, đồng thời quy định về năng lực của doanh nghiệp tái bảo hiểm phải được xác định thông qua hệ số tín nhiệm đối với doanh nghiệp là phù hợp các hiệp định song phương và đa phương. Một số ý kiến đề nghị, để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không tái bảo hiểm ở mức an toàn cần thiết hoặc trường hợp tái bảo hiểm quá nhiều thì cần quy định các tiêu chí, định mức, tỷ lệ tái bảo hiểm cụ thể.Đối với các loại hình bảo hiểm, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nghiệp vụ và các sản phẩm cụ thể. Một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật là trong tình hình hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển như hiện nay, việc quy định cụ thể trong Luật sẽ không báo quát hết nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm có thể phát sinh. Ý kiến khác lại cho rằng, Luật càng cụ thể, chi tiết thì càng dễ áp dụng vào thực tế, nên cần ghi chi tiết các nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: “Điều 7 luật hiện hành quy định các loại hình bảo hiểm, có 3 loại hình bảo hiểm: nhân thọ, phi nhân thọ, chăm sóc sức khỏe tự nguyện. Tôi không hiểu bảo hiểm chăm sóc sức khỏe bảo hiểm thuộc nhóm nào? Nhân thọ hay phi nhân thọ, hay thuộc loại hình bảo hiểm độc lập?. Trong lĩnh vực nhân thọ có nhiều loại hình và phi nhân thọ có nhiều loại hình... Tôi thấy rằng ở đây nên chỉ sửa ở chỗ luật hiện hành, có câu: các nghiệp vụ bảo hiểm khác do chính phủ quy định”.

Trước đó, sáng nay (23/8), các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật phòng, chống mua bán người. Hầu hết ý kiến tán thành việc cấp thiết phải xây dựng Dự án Luật, nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn buôn bán người đang có chiều hướng tăng hiện nay và nhấn mạnh, Dự án Luật cần tập trung xác định rõ nội dung phòng và nội dung chống, trong đó, nội dung phòng cần được ưu tiên hàng đầu.

Ngày 24/8, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe, cho ý kiến về Dự án Luật đo lường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên