Báo chí nước ngoài đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam
VOV.VN - Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt vào ngày 5/4, báo chí quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết liên quan tới việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Việt Nam.
Chiều 6/4, hãng thông tấn KPL của Lào có bài viết mang tiêu đề “Quốc hội Việt Nam kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước”, đánh giá về việc Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh chủ chốt, gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết đánh giá các nhân sự được bầu vào các chức danh lãnh đạo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều đã để lại nhiều dấu ấn với nhiều nỗ lực, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm cao trên cương vị trước đây của mình.
Về tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bài báo nêu rõ trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Xuân Phúc với trọng trách của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam luôn kiên định tinh thần "hành động”, chìa khóa để tập thể Chính phủ và Thủ tướng tìm ra lời giải cho những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm kỳ. Việt Nam giữ được đà tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là những dấu ấn kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ của Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc. Những thành quả Việt Nam đạt được đã giúp cho vai trò, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng vững chắc. Theo đánh giá của nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Bài báo cũng đánh giá ông Phạm Minh Chính đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015). Ông đã nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh theo hai hướng, trước hết là cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp; thứ hai là phục vụ người dân tốt hơn. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính ở đây đều rất nhanh chóng, tiện lợi. Điều này được chứng minh khi những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về cải cách hành chính. Năm 2019, địa phương này đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân. Quảng Ninh cũng là địa phương đang thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, như: sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Đây là tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại vượt bậc so với nhiều địa phương khác, là địa phương có cảng hàng không do tư nhân đầu tư đầu tiên ở Việt Nam; tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam. Những kết quả ngày hôm nay, có tiền đề để lại từ thời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính.
Được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vào năm 2016. Trên cương vị trọng trách công việc “then chốt của then chốt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn một nhiệm kỳ qua cũng là thời điểm “thử lửa” đầy thách thức đối với ngành tổ chức cán bộ cũng như toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), bộ máy đã được tinh giản đáng kể. Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam còn ghi dấu ấn quan trọng của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trong những tham mưu chiến lược về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Ông cũng là người khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức và phát triển Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) qua 5 năm đã trở thành giải thưởng báo chí có uy tín, đã và đang tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Ngày 6/4, các trang báo điện tử El Universal và Voces del Periodista của Mexico đã đăng bài đánh giá cao việc Việt Nam kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Bài báo đánh giá Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là một nhà chính trị có bề dày về kinh nghiệm chỉ đạo và điều hành chính phủ trong giai đoạn 2016-2021, khi ông đảm nhiệm vai trò Thủ tướng, với việc triển khai hiệu quả các chính sách quản lý vĩ mô, giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế thông qua hàng loạt các hiệp định đa phương quan trọng như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngày 6/4, chuyên trang về đối ngoại "The Diplomatic Society" của Nam Phi đăng bài của nhà sáng lập và Tổng biên tập Kirtan Bhana về cơ hội, sự ngưỡng mộ và sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các lãnh đạo chủ chốt mới được bầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam có cơ cấu lãnh đạo tập thể gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với vai trò quan trọng của Bộ Chính trị hiện gồm 18 thành viên. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang nắm giữ ảnh hưởng quan trọng đối với nguồn vốn của các dự án và thực thi các chính sách cụ thể.
Tác giả bài viết cho rằng, Chính phủ mới của Việt Nam sẽ dành ưu tiên đúng mức đối với việc thực thi những nhiệm vụ trọng tâm về đối ngoại trong nhiệm kỳ tới, bao gồm tăng cường tin cậy chính trị, kết hợp lợi ích với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, lấy phát triển làm trọng tâm trong quan hệ, coi châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiến lược, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác tiềm năng khác trong khu vực.
Bài báo cho biết: Vào ngày 8/4 tới, đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ được hoàn thiện tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội để hoàn tất quá trình chuyển đổi lãnh đạo và sẽ định hình đường hướng chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Chiều 5/4, trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam Singapore (RSIS) đã đăng bài viết khẳng định ý nghĩa quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam đánh dấu sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và sự mới mẻ. Đây là công thức phù hợp và cần thiết để dẫn dắt Việt Nam theo mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài viết cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giám sát việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng - vốn đã thu được những thành công một cách đáng kể.
Trong khi đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình đã có trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước.
Cũng theo bài viết, tính cách quyết đoán của ông Phạm Minh Chính là yếu tố cần thiết để trở thành người lãnh đạo cao nhất của chính phủ, giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu của đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là chỉ đạo và điều hành đất nước hướng tới mục tiêu kép: đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch trong khi duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tác giả Paul Schuler (Trợ lý Giáo sư tại Trường Chính phủ và Chính sách Công, Đại học Arizona, Hoa Kỳ), trong một bài viết trên tạp chí EasAsiaForum nêu nhận xét: “Quyết định đưa ông Phạm Minh Chính vào vị trí đứng đầu Chính phủ là một lựa chọn khôn ngoan của Đại hội 13, sẽ có tác động lớn đến tương lai của hệ thống chính trị Việt Nam ở cấp quốc gia và địa phương”.
Một phân tích mới đây trên tạp chí Nghiên cứu Việt – Mỹ, cho rằng kinh nghiệm làm việc trong Bộ Công an cũng là một điểm mạnh của ông Phạm Minh Chính, nếu được phát huy một cách hiệu quả và sáng suốt, vì ở thời đại ngày nay tại tất cả các các quốc gia, mọi vấn đề đối nội, đối ngoại, kinh tế, thương mại và an sinh xã hội đều không nhiều thì ít liên quan đến an ninh quốc gia.
TS. Nguyễn Hữu Hoạt (Việt kiều Mỹ) nêu nhận định trên Dân quyền online - cơ quan ngôn luận của người Việt tại hải ngoại: "Ông Phạm Minh Chính được lựa chọn làm Thủ tướng mang một số ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Ở cấp quốc gia, sự lãnh đạo tập thể sê được duy trì để đảm bảo sự ổn định và cả tính kế thừa. Ở cấp địa phương, kỳ vọng sẽ thúc đẩy bộ máy chính quyền tinh gọn hơn, hiệu quả hơn. Đối với người dân Việt Nam, có lẽ, kỳ vọng của họ đặt vào ông Phạm Minh Chính, không gì khác hơn là địa phương nào ở Việt Nam cũng phát huy được hết tiềm năng để tăng tốc phát triển giống như ông Phạm Minh Chính đã thành công khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh"./.