Bảo vệ quốc phòng, an ninh ở các vùng cửa sông, biển có vị trí chiến lược quan trọng
VOV.VN - Bảo vệ quốc phòng, an ninh ở các vùng cửa sông, biển có vị trí chiến lược quan trọng. Chiến thắng trong cuộc chiến chống phong tỏa đường sông, biển trong kháng chiến chống Mỹ 50 năm trước đã để lại bài học về phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân
Hôm nay (27/6), tròn 50 năm ghi dấu Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc (27/6/1973 - 27/6/2023).
Nửa thế kỷ trước, với âm mưu mở rộng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng với việc huy động lực lượng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành hai chiến dịch lớn (từ năm 1967 -1968 và 1972- 1973), thả trên 74.700 quả thủy lôi, bom từ trường nhằm phong tỏa tất cả cửa sông, biển từ Cửa Tùng (Vĩnh Linh-Quảng Trị), đến cửa sông Văn Úc (Hải Phòng).
Hành động này cũng nhằm gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa viện trợ từ các nước XHCN vào chiến trường miền Nam. Song với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường của địch; rà phá làm mất hiệu lực hơn 13.000 quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, mở tuyến thông luồng thắng lợi. Đến ngày 27/6/1973, Quân chủng Hải quân cùng với quân và dân miền Bắc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom từ trường địch thả trên các khu vực sông biển miền Bắc như cửa sông Mã, sông Gianh, sông Nhật Lệ…
Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc nước ta có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, đặc biệt là về khoa học công nghệ quân sự trên chiến trường sông, biển. Thắng lợi đó, góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
Vậy quân và dân ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc chiến đấu này như thế nào? Đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOV với Tiến sĩ Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PV: Khi tiến hành cuộc chiến tranh phong tỏa đường sông, cửa biển miền Bắc nước ta, mục đích chính của Mỹ là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Nếu nói việc Mỹ tiến hành chiến tranh phong tỏa đường sông, cửa biển ở miền Bắc chỉ nhằm mục đích chính là phá hoại hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa thôi thì đúng, nhưng chưa đủ. Bởi ba vấn đề:
Thứ nhất, miền Bắc không chỉ là hậu phương lớn của cả nước, mà còn là nơi đứng chân của cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng của cả hai miền. Do đó, việc Mỹ đưa máy bay, tàu chiến tấn công miền Bắc và phong tỏa đường sông, cửa biển của miền Bắc là để làm mất vai trò của hậu phương lớn này với cách mạng của cả hai miền, song cũng còn để uy hiếp trực tiếp và làm rệu rã, lung lay, suy yếu ý chí cách mạng, chiến đấu của cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng của ta.
Mục đích thứ hai khi Mỹ tấn công ra miền Bắc, tiến hành các biện pháp để phong tỏa đường sông, cửa biển của miền Bắc là nhằm ngăn chặn, ngăn trở sự viện trợ của các nước bè bạn của ta từ bên ngoài vào.
Thứ ba, theo tôi, Mỹ phong tỏa đường sông, cửa biển của miền Bắc đương nhiên là để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đó là lý do để Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ làm cái cớ để tấn công ra miền Bắc.
PV: Mỹ đã tung vào cuộc chiến tranh này nhiều vũ khí thông minh, hiện đại, đặt vào cuộc chiến này nhiều kỳ vọng. Việc chúng ta đương đầu với đế quốc Mỹ trên chiến trường sông, biển, là một cuộc chiến không cân sức?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Nói rằng cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chiến tranh phong tỏa đường sông, cửa biển của đế quốc Mỹ là cuộc chiến không cân sức cũng đúng. So sánh về tương quan lực lượng giữa hai bên, hay về lịch sử hình thành, ta đã thấy có sự không cân sức rồi. Bởi không quân Mỹ đã có lịch sử hình thành và kinh nghiệm tác chiến, chiến đầu dày dặn hơn ta đến cả nửa thế kỷ. Còn về Hải quân của Hoa Kỳ, lực lượng này có lịch sử hình thành lâu hơn Hải quân của chúng ta ngót 2 thế kỷ.
Về vũ khí, khí tài, hẳn nhiên cũng có sự không cân sức giữa hai bên. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, không quân và hải quân Mỹ đã sở hữu những thứ vũ khí, khí tài rất hiện đại như: B52, Tàu sân bay, Tàu khu trục, thủy lôi, bom từ trường,… cùng nhiều loại vũ khí tối tân khác. Máy bay B52 được cho là “pháo đài bất khả xâm phạm” và chưa từng bị bắn hạ ở bất kỳ đâu cho đến khi nó được dùng để tác chiến ở Việt Nam.
PV: Thế còn phía chúng ta có gì?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Còn ta, thứ vũ khí tối tân nhất để đối đầu với không quân, hải quân Mỹ, có lẽ là tên lửa SAM1, SAM2 và các ra đa, pháo cao xạ và tàu chiến, máy bay, xe tăng,… do Liên Xô viện trợ.
Đầu năm 1961, Liên Xô viện trợ cho chúng ta 12 tàu phóng ngư lôi và 4 tàu chống ngầm. Viện trợ quân sự của Liên Xô thời kỳ này bao gồm tên lửa đối không (SAM), pháo cao xạ, ra đa, các thiết bị điện tử, các loại máy bay chiến đấu như MiG-17, MiG-19, MiG-21, SU-17, máy bay ném bom, máy bay vận tải; các loại xe tăng T34, T54, xe bọc thép lội nước bánh xích PT-76, xe vận tải quân sự, các khí tài công binh, thông tin, phòng hóa và các loại tàu phóng ngư lôi, tàu huấn luyện, tàu vận tải...
Có thể thấy, so sánh về vũ khí, khí tài, ta cũng thấy rõ sự chênh lệnh giữa ta và Mỹ là khá lớn.
PV: Tương quan lực lượng chênh lệch, vũ khí trang bị cũng chênh lệch, nhưng chúng ta vẫn giành được chiến thắng, kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Điều quan trọng là cuối cùng, chúng ta đã giành chiến thắng. Điều này không có nghĩa là quân Mỹ không giỏi, không mạnh mà ngược lại, họ rất mạnh và giỏi, nhưng ta đã giỏi hơn họ, tìm được cách khắc chế những điểm mạnh của họ nên ta giành chiến thắng. Đó chính là chiến thắng của sự chuẩn bị kỹ lưỡng của một chiến lược tổng thể, để chống lại cuộc chiến tranh điên cuồng của Mỹ với nhiều vũ khí, khí tài, chiến lược, chiến thuật hiện đại, kinh nghiệm dạn dày.
PV: Vậy chiến lược tổng thể của chúng ta trong cuộc đương đầu với đế quốc Mỹ phong tỏa đường sông, cửa biển miền Bắc là gì? Phải chăng là đường lối chiến tranh nhân dân?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Đúng vậy, đường lối chiến tranh mà chúng ta lựa chọn là chiến tranh nhân dân chống lại chiến tranh phá hoại, bao vây, phong tỏa của đế quốc Mĩ. Điều đáng nói ở đây là đường lối chiến tranh nhân dân đã tạo ra không chỉ chiến lược đánh hiệp đồng quân binh chủng, mà còn tạo ra được sự hiệp đồng giữa quân và dân trong việc dự báo, phối hợp tác chiến để giành thắng lợi.
Thực tiễn cho thấy, không chỉ có lực lượng vũ trang chính quy, tập trung tham gia chiến đấu, mà quần chúng nhân dân cũng đã rất anh dũng, quả cảm phối hợp tác chiến, rà phá thủy lôi, bom, mìn,… để bảo vệ, khơi thông luồng, giữ vững vận tải tiếp vận cho miền Nam và liên lạc quốc tế.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là nếu không có trí tuệ, lòng dũng cảm, chúng ta sẽ không giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến tranh này. Bởi vì, muốn phá được thủy lôi, bom từ trường, chúng ta phải bắt được những quả bom sống, tức là nó chưa nổ, để chúng ta giải phẫu. Việc “giải phẫu” bom cũng giống như giải phẫu cơ thể sinh học của con người, để tìm ra biện pháp chữa bệnh. Và đánh địch cũng vậy. Cho nên, để tóm được một quả thủy lôi hay bom từ trường, trong điều kiện mà chúng ta chưa có đầy đủ trang thiết bị, phải nói rằng, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã kích thích cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân thực hiện được điều này.
PV: Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa đường sông, cửa biển miền Bắc, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, nhiều tàu thuyền bị bắn cháy nhưng chúng ta vẫn tìm ra những phương pháp để mở đường ra biển. Có thể thấy, trong những thời điểm khó khăn, gian nguy của đất nước, ý chí, tinh thần quả cảm, sáng tạo của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ nhất?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Như ở trên tôi đã nói, một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta đó chính là trí tuệ sáng tạo, là tinh thần quả cảm, anh dũng. Lúc đó, máy bay B52 được coi là một pháo đài bay bất khả chiến bại, thậm chí cho đến tận ngày hôm nay, nó vẫn chưa từng bị bắn rơi ở đâu khác ngoài Việt Nam. Điều này đã cho thấy rất rõ tài năng và trí tuệ của bộ đội ta. Theo tôi được biết, riêng đạn tên lửa SAM-2 đã được cải tiến 5 lần để có thể tiêu diệt được B52. Máy bay MIG -17, rồi MIG-21 cũng vậy, khi viện trợ cho ta, các chuyên gia quân sự của Liên Xô cũng cho rằng nó không thể đối đầu với B52. Nhưng sự thật, các phi công anh dũng, quả cảm, mưu trí và sáng tạo của ta đã tạo lập thêm cho MIG-21 những kỷ lục mới khi họ dùng nó để hạ B52.
PV: Kẻ thù tấn công chúng ta cũng từ hướng biển, các trận đánh lớn của ta trong lịch sử cũng diễn ra trên sông, trên biển. Điều này nhắc nhở chúng ta điều gì? Chúng ta đúc rút ra được bài học gì từ lịch sử?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Có thể thấy, xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta đều đã phải đối phó với các nguy cơ xâm lấn của các thế lực ngoại bang từ biển vào. Chính điều ấy đã tôi rèn cho ông cha ta những chiến lược, chiến thuật tác chiến độc đáo trên sông, trên biển đầy trí tuệ, oai hùng, có thể nói là kiệt xuất để giành chiến thắng, bởi kẻ thù của chúng ta luôn ở thế mạnh hơn khi chúng tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến chống phong tỏa đường sông, đường biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã ghi thêm những chiến tích hào hùng, dấu ấn về trí tuệ sáng tạo vào lịch sử quân sự Việt Nam.
PV: Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, nếu có xảy ra chắc chắn đối phương sẽ sử dụng những vũ khí tinh vi hiện đại hơn rất nhiều. Ông suy nghĩ như thế nào về vị trí, vai trò của các đường sông, cửa biển với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Tiến sĩ Phạm Minh Thế: Những gì mà chúng ta vừa trao đổi ở trên, cũng như là thực tiễn của đất nước ngày nay, mà những căng thẳng, bất ổn trên biển trong những năm gần đây đã cho thấy rất rõ, mối nguy từ biển đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia là luôn luôn thường trực. Chúng ta có vùng lãnh hải rộng lớn, tiếp giáp với nhiều quốc gia và chúng ta cũng có nhiều cửa sông, cảng biển, nhiều đảo có vi trí địa - quân sự vô cùng quan trọng. Không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với khu vực và quốc tế.
Bảo vệ quốc phòng, an ninh ở các vùng cửa sông, biển có vị trí chiến lược quan trọng. Chính chiến thắng trong cuộc chiến chống phong tỏa đường sông, biển trong kháng chiến chống Mỹ đã dạy chúng ta là phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; xây dựng các lực lượng chiến đấu có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động, mưu trí, và ý chí quyết đánh, quyết thắng trong mọi tình huống. Đường lối chiến tranh nhân dân, với chiến thuật phòng ngừa, đấu tranh, tác chiến nhiều tầng nấc, từ sớm, từ xa chính là chìa khóa để chúng ta có thể giành được thắng lợi khi đối đầu với các lực lượng ngoại xâm hùng mạnh, có vũ khí tối tân, hiện đại trong cả quá khứ và tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông.