Bình đẳng giới được bảo đảm bằng trách nhiệm quốc gia
Việt Nam ký tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ vào ngày 29/7/1980
Tối qua (24/11), tại Hà Nội, Uỷ ban Các vấn đề xã hội phối hợp với Nhóm nữ Nghị sỹ Việt Nam tổ chức toạ đàm “Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và pháp luật về bình đẳng giới”. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới dự. Tham dự tọa đàm còn có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và đại diện Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi toạ đàm, nhiều đại biểu khẳng định: vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhất là trong quá trình đổi mới đất nước. Tuy nhiên, con đường để đạt được bình đẳng giới thực chất vẫn còn ở phía trước. Hiện nay, phụ nữ vẫn là nhóm xã hội yếu thế, chưa thực sự được hưởng quyền bình đẳng đầy đủ trong xã hội và gia đình.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng để thực hiện các quy định trong Luật Bình đẳng giới trên thực tiễn còn khó hơn nhiều, do đó đòi hỏi sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của toàn xã hội. Hơn ai hết, phụ nữ chúng ta, nhất là đại biểu Quốc hội là nữ cần phải tuyên truyền vận động mọi người để thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời giám sát việc thực hiện trên thực tiễn cuộc sống, từ đó mới nghiên cứu tìm hiểu thực tiễn cuộc sông để thực hiên vấn đề lồng ghép giới trong công tác xây dựng pháp luật”.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ Nghị sĩ tại Việt Nam nêu rõ: mục tiêu bình đẳng giới của Đảng và nhà nước Việt Nam được bảo đảm bằng trách nhiệm quốc gia trước cộng đồng quốc tế. Vấn đề bình đẳng giới không còn là tuyên ngôn long trọng trên văn bản mà đã trở thành nguyên tắc chủ đạo có giá trị chi phối đối với pháp luật có liên quan đến quyền con người và được đảm bảo trên trên thực tế bằng những biện pháp phù hợp.
Bà Trương Thị Mai cho biết: “Chúng ta đã có một cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, một ủy ban Quốc hội phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới, một tổ chức của Phụ nữ Việt Nam có hệ thống trong cả nước đại diện cho lợi ích, quyền lợi chính đáng của Phụ nữ, cùng với sang kiến và sự ra đời của nhóm nữ nghị sĩ trong Quốc hội cách đây hơn 1 năm đã tạo thêm cơ chế và diễn đàn để góp phần cho mục tiêu bình đẳng giới thực chất. Vấn đề bình đẳng giới đang ngày được càng được quan tâm trong các dự Luật trình ra Quốc hội”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Là một quốc gia sớm phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nhiều chuẩn mực, nguyên tắc của Công ước đã thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XI (năm 2006) đã thông qua Luật Bình đẳng giới, điều này cụ thể hóa việc thực hiện Công ước và cũng như thể hiện việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục quán triệt đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Công ước này. Việc lồng ghép đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn ở Việt Nam”.
Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979. Sự ra đời của Công ước là một mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh vì quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ. Đến nay, Công ước đã được 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn./.