Quan điểm Trung Quốc về an ninh quốc tế và giải trừ vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Trung Quốc nêu rõ quan điểm, lập trường về tình hình an ninh quốc tế và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tại phiên tranh luận chung thứ 78 của Ủy ban An ninh quốc tế và Giải trừ quân bị Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Trưởng phái đoàn Trung Quốc Tôn Hiểu Ba đã trình bày một cách toàn diện quan điểm của Trung Quốc đối với tình hình an ninh quốc tế, cũng như chủ trương, chính sách trong các vấn đề ổn định chiến lược toàn cầu, giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc, ông Tôn Hiểu Ba cho rằng, hiện nay, tư duy Chiến tranh Lạnh như đối đầu nhóm và trò chơi có tổng bằng không đã quay trở lại, xung đột địa chính trị gia tăng, ảnh hưởng đến sự ổn định và cân bằng chiến lược toàn cầu. Xã hội loài người đang phải đối mặt với những khó khăn an ninh chưa từng có từ trước đến nay.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh: Lịch sử và thực tiễn đã cho thấy, thế giới ngày nay là một cộng đồng chung vận mệnh. Người dân tất cả các nước đều mong muốn một thế giới an ninh và hòa bình lâu dài. Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến an ninh toàn cầu, lấy tinh thần đoàn kết thích ứng với bối cảnh quốc tế đang có sự điều chỉnh sâu sắc, lấy tư duy đôi bên cùng có lợi để đối phó với những thách thức an ninh phức tạp, đan xen, đưa ra giải pháp Trung Quốc xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài.
Theo ông Tôn Hiểu Ba, trước tình hình mới và thách thức mới, tất cả các bên cần cùng nhau bảo vệ ổn định chiến lược toàn cầu và giảm thiểu rủi ro chiến lược. Chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, cần được thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Giải trừ vũ khí hạt nhân cần tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc công bằng, hợp lý, cũng như các nguyên tắc bảo vệ ổn định chiến lược toàn cầu và an ninh không tổn hại của tất cả các quốc gia, thúc đẩy một cách hợp lý, thực tế và từng bước.
Ông Tôn Hiểu Ba cho biết, cần bảo vệ hệ thống giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân làm nền tảng và thúc đẩy cân bằng 3 mục tiêu chính của Hiệp ước; phối hợp tốt hơn về an ninh và phát triển, đồng thời tăng cường quản lý các công nghệ mới nổi như mạng, không gian vũ trụ và trí tuệ nhân tạo. Cộng đồng quốc tế cần bảo vệ quyền lực và hiệu quả của các cơ chế giải trừ vũ khí đa phương hiện có.