Bỏ khung giá đất - Bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất đai
VOV.VN - Việc bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý đất theo hành chính áp đặt sang xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường.
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), điểm đáng chú ý là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai.
Góp ý vào dự thảo luật, người dân đồng tình với quy định này, nhưng lo ngại khi bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất tăng lên, tiền đền bù giải phóng mặt bằng cũng tăng và đặc biệt rất khó để xác định giá theo thị trường.
Theo quy định hiện hành, khung giá đất là giá do Nhà nước quy định, ban hành định kỳ 5 năm một lần. Đây là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố căn cứ xây dựng và công bố, áp dụng bảng giá đất ở từng địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế thị trường đất đai đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hoặc tính giá đất đền bù giải phóng mặt bằng. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá do Nhà nước quy định.
Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc bỏ khung giá đất là cần thiết để sử dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn. Bảng giá đất được định giá hàng năm hoặc trong điều kiện biến động trên 30% thì xác định lại bảng giá đất.
"Khi tạo ra giá đất đảm bảo xác định công khai, minh bạch và phù hợp với giá thị trường thì người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Điều đó góp phần xác định được cùng nhau chia sẻ địa tô, chênh lệch. Người dân khi có đất bị thu hồi thì giá đất tại thời điểm thu hồi đó sẽ được đền bù thỏa đáng, phù hợp với giá đất. Về góc độ nhà nước cũng được lợi vì khi thu của người sử dụng đất cũng sẽ thu được đúng giá trị cần phải thu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Lợi ích có thể nhìn thấy rõ, nhiều người dân lo ngại khi bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất tăng lên, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng, chi phí đầu tư tăng, người nghèo khó tiếp cận đất đai…
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu luật, việc bỏ khung giá đất sẽ không làm tăng giá đất trên thị trường. Khi khung giá đất sát với thị trường sẽ khiến thuế, phí bất động sản chuyển nhượng cao hơn và sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của việc đầu tư vào đất đai. Qua đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo.
TS Dương Kim Thế Nguyên, Trường Kinh tế Luật và Quản Lý nhà nước phân tích: Trong ngắn hạn sẽ phải phản ứng với câu chuyện bỏ khung giá đất thì khả năng nhận tiền bồi thường có thể kéo lên, lúc đó có thể đẩy giá lên. Việc nắm giữ bất động sản không còn lợi thì nhiều người sẽ bán ra và lúc đó thêm nguồn cung từ những người không có nhu cầu thực, giá cũng sẽ không quá cao.
Dự thảo luật đã đề ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, thẩm định giá đất, nhưng người dân đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để xác định được giá theo thị trường. Đây là những vấn đề cần được phân tích thấu đáo để đưa ra những quy định phù hợp, minh bạch, khả thi, nhằm đảm bảo khi luật ra đời nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Lê Đình Vinh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Phải bỏ khung giá đất và tính theo giá thị trường thì mới là thị trường. Vậy như thế nào là giá thị trường? Nếu tính giá thị trường thì phải kiểm soát tốt thị trường, để thị trường phản ánh đúng thực tế. Ví dụ như câu chuyện Thủ Thiêm vừa rồi, trúng giá đó có phải là giá thị trường hay không? Hay giá thị trường đã bị biến tướng thông qua các thủ thuật".
Còn ông Trần Văn Tuấn (xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cho rằng, 5 phương pháp xác định giá đất vẫn có bất cập. Theo ông, trong dự thảo luật có nói bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định một điều rất đơn giản là “giao cho Chính phủ”, như vậy là chưa đủ. Trong luật nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa các phương pháp định giá đất một cách linh hoạt và chính xác.
Việc bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý đất theo hành chính áp đặt sang xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường. Theo các chuyên gia, nếu việc xác định được giá đất bằng 80% thị trường là đúng. Nhưng quan trọng hơn, phải xác định được đúng bản chất. Nhà nước cần hướng xác định giá trị và bảng giá đất phản ánh kịp thời giá trị đất. Khi có yếu tố làm thay đổi giá trị như quy hoạch đất đai, thay đổi mục đích sử dụng, vùng phát triển thì bảng giá phải thay đổi theo. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng và có những điều chỉnh phù hợp.
Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường cần thành lập một cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới đảm bảo được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, đảm bảo giá đất phù hợp với thị trường và không chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nội dung bỏ khung giá đất vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của người dân đến 15/3/2023./.