Một nguồn thạo tin trong lĩnh vực quốc phòng Nga cho biết, cuộc thử nghiệm đối với việc lắp đặt lò phản ứng hạt nhân của ngư lôi Poseidon đã được thực hiện thành công, xác nhận chúng an toàn và sẵn sàng hoạt động.

Theo nguồn tin này, thử nghiệm trên biển đầu tiên của Poseidon dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối mùa hè này, tập trung vào thử nghiệm hoạt động của bộ phát điện hạt điện hạt nhân cho Poseidon. Các cuộc thử nghiệm cũng sẽ bao gồm cả Belgorod – tàu ngầm tên lửa hành trình Đề án 949A của Nga được sửa đổi để mang siêu ngư lôi “ngày tận thế”.

Tổng tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov ngày 22/6 xác nhận tàu ngầm Belgorod, đã chuyển giao cho Hải quân vào năm 2022, sẽ chính thức đi vào hoạt động vào khoảng cuối năm nay.

Poseidon là vũ khí kết hợp giữa ngư lôi và thiết bị không người lái. Nó có thể mang đầu đạn hạt nhân và phóng đi từ tàu ngầm hạt nhân.Dự án Poseidon, ban đầu có tên mã là Status-6, NATO gọi là Kanyon, lần đầu tiên được công bố chính thức vào năm 2018. Khi đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video về công việc phát triển, cùng với phần trình bày do máy tính tạo ra về các nguyên tắc hoạt động của siêu ngư lôi. Đoạn video có cả hình ảnh quá trình Poseidon tách khỏi tàu ngầm mẹ và hoạt động gần đáy đại dương hướng tới các mục tiêu - có thể bao gồm một nhóm tàu ​​sân bay hoặc một cảng của đối phương.

Đoạn phim của Bộ Quốc phòng Nga trong một cuộc thử nghiệm phóng ngư lôi Poseidon và được công bố vào ngày 20 tháng 2 năm 2019 (Nguồn Bộ Quốc phòng Nga)

Sau đó, thông tin liên quan đến kích thước và tải trọng vũ khí của  Poseidon được công bố. Ngư lôi dài 20m, đường kính 1,8m và nặng 100 tấn.

Được trang bị một lò phản ứng hạt nhân và hoạt động độc lập với sự trợ giúp của liên lạc vệ tinh và trí tuệ nhân tạo (AI), Poseidon có phạm vi hoạt động không giới hạn, cho phép chúng di chuyển đến bất kỳ địa điểm dưới nước nào trên Trái Đất và duy trì hoạt động chừng nào nguồn lực kỹ thuật của chúng cho phép. Poseidon có tốc độ hoạt động ước tính khoảng 60-70 hải lý/giờ (khoảng 100-130 km/giờ), có khả năng mang theo chất nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân có sức nổ lên tới 2 megaton.

Mặc dù hiện chỉ có tàu ngầm Belgorod đang được sử dụng để phát triển và thử nghiệm Poseidon, nhưng toàn bộ dòng tàu ngầm chuyên dụng lớp Khabarovsk thuộc Đề án 09851 được chế tạo để mang siêu ngư lôi hạt nhân.

Tàu ngầm chuyên dụng lớp Khabarovsk thuộc Đề án 09851 được chế tạo để mang siêu ngư lôi hạt nhân (Ảnh Bộ Quốc phòng Nga)

Khabarovsk, tàu đầu tiên của lớp này, đã được hạ thủy vào năm 2022 và dự kiến được đưa vào hoạt động trong Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2024. Chiếc thứ hai, được đặt ky vào năm 2017, dự kiến năm 2025 sẽ phục vụ trong Hạm đội Phương Bắc. Hai tàu ngầm lớp Khabarovsk khác đã được đặt hàng.

Tàu lớp Khabarovsk được cho là biến thể của tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei, có thân tàu cơ bản giống nhau, nhưng được điều chỉnh để mang tới 6 ngư lôi Poseidon, và có thể 6-8 quả ngư lôi 533mm cho mục tiêu phòng thủ trước các cuộc tấn công của tàu đối phương.

Lần đầu tiên được giới thiệu trong Thông điệp Liên bang năm 2018 của Tổng thống Nga Putin, ngư lôi hạt nhân Poseidon được coi là một trong các dòng vũ khí chiến lược thế hệ mới đảm bảo an ninh chiến lược của Moscow trong nhiều thập niên tới.

Những hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm và siêu ngư lôi hạt nhân bị rỏ rỉ từ năm 2015

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov đánh giá, xét về mặt kỹ thuật, vũ khí chiến lược hải quân của Nga đóng vai trò như phương tiện trả đũa hơn là vũ khí tấn công.

“Poseidon là vũ khí trả đũa, chứ không phải là vũ khí tấn công chủ động. Điều này liên quan tới đặc điểm kỹ-chiến thuật của phương tiện chiến đấu này. Vì có phạm vi hoạt động không giới hạn và lặn ở độ sâu lớn khiến có rất ít vũ khí săn ngầm có thể tiếp cận khiến Poseidon trở thành vũ khí không thể ngăn chặn”, ông Leonkov nói.

Mục tiêu của Poseidon chính là đưa vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn áp sát vùng duyên hải của quốc gia đối địch. Sức công phá của đầu đạt hạt nhân sẽ tạo ra đợt sóng thần mang ô nhiễm phóng xạ đủ để phá hủy các căn cứ hải quân kiên cố nhất hoặc các cơ sở hạ tầng quan trọng ở ven biển. Cùng với đó, ô nhiễm phóng xạ còn biến khu vực bị tấn công trở thành vùng đất chết không thể cải tạo.

Ngoài ra, vũ khí đặc biệt của Nga còn có mục tiêu khác nữa là các nhóm tàu sân bay của đối phương.

Lầu Năm Góc dường như thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của Poseidon. Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 của Mỹ thừa nhận rằng Nga đang “phát triển” một “ngư lôi liên lục địa mới có khả hoạt động độc lập dưới đáy biển, được trang bị vũ khí hạt nhân, chạy bằng năng lượng hạt nhân”.

Vũ khí đặc biệt của Nga còn có mục tiêu khác nữa là các nhóm tàu sân bay của đối phương (Ảnh USN)

Năm 2020, Viện Hải quân Mỹ cho rằng các thông tin về của Poseidon “không thể là phóng đại”, vì nó “không thể bị ngăn chặn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo” và không thể bị phát hiện cho đến khi nó được kích nổ.

Cũng trong năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại ngư lôi Poseidon có khả năng nhấn chìm các thành phố ven biển của Mỹ trong “sóng thần phóng xạ” và cho rằng, việc phát triển loại vũ khí này có thể vi phạm “quy tắc pháp lý quốc tế hiện hành”.

Video mô phỏng hoạt động của ngư lôi Poseidon (Nguồn Sputnik)

Poseidon thực ra không phải là ngư lôi “ngày tận thế” đầu tiên do Nga phát triển. Vào buổi bình minh của thời đại hạt nhân cuối những năm 1940, các kỹ sư Liên Xô được giao nhiệm vụ tạo ra một ngư lôi trang bị hạt nhân có thể phóng về phía bờ biển Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Dự án tuyệt mật có tên là T-15 bắt đầu được phát triển vào năm 1949, ngay sau khi Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên, nhưng thời điểm này Moscow chưa đạt được sức mạnh hạt nhân tương đương với Washington.

Mô hình ngư lôi của dự án T-15

Ngư lôi của dự án T-15 dài 23,5m, rộng 1,55m, nặng 40 tấn và được trang bị đầu đạn nhiệt hạch. Nó được thiết kế để phóng từ tàu ngầm tấn công lớp Kit Đề án 627, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô.

Thiết kế sơ bộ của ngư lôi được hoàn thành vào năm 1953. Thiết kế tàu mẹ của ngư lôi này được hoàn thành một năm sau đó. Không giống như Poseidon, T-15 không chạy bằng năng lượng hạt nhân mà thay vào đó dựa vào một động cơ điện cung cấp đủ năng lượng để di chuyển khoảng 30 km. Hải quân Liên Xô sau khi nghiên cứu đã kết luận rằng đây là một vấn đề, bởi tàu mẹ cần phải tiếp cận khu vực mục tiêu trong phạm vi 40 km, tốc độ tương đối chậm (khoảng 24 hải lý/giờ) và cần phải giảm đáng kể hoạt động trên tàu ngầm mẹ.

Tàu ngầm Đề án 627

Các tàu ngầm Đề án 627 về sau đã loại bỏ phần thiết kế liên quan đến T-15 và tiếp tục phục vụ thành công trong Hải quân Liên Xô như một tàu ngầm tấn công truyền thống cho đến năm 1990.

Nhà khoa học Liên Xô Andrei Sakharov cũng từng có ý tưởng tương tự như Poseidon. Trong hồi ký, nhà vật lý này cho biết, vào đầu những năm 1960 ông đã đưa ra khái niệm về ngư lôi hạt nhân phóng từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với động cơ có thể tạo đủ sức mạnh đưa quả ngư lôi 100 megaton lên khỏi mặt nước và tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km. Ông Sakharov cuối cùng đã gác lại dự án này.

Bom khinh khí Sa hoàng của Nga là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và các đồng minh NATO đã có nhiều động thái phá hoại an ninh chiến lược của Nga, đầu tiên là mở rộng liên minh phương Tây sang Đông Âu, kết nạp các thành viên cũ của Hiệp ước Warsaw, 4 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và 4 nước cộng hòa thuộc Nam Tư trước đây, mặc dù đã nhiều lần hứa hẹn sẽ không làm như vậy.

Năm 2002, Washington đơn phương xé bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính đột phá năm 1972 nhằm hạn chế sự phát triển của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo tiên tiến của các siêu cường hạt nhân.

Cũng vào những năm 2000, Mỹ bắt đầu triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, đầu tiên là ở Cộng hòa Séc và Ba Lan, sau đó là ở Ba Lan và Romania, tiếp đó là xây dựng các cơ sở Aegis Ashore. Nga bày tỏ lo ngại về các cơ sở này, chỉ ra rằng chúng sử dụng Hệ thống phóng thẳng đứng MK41, cũng là hệ thống được sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân. Nếu được trang bị tên lửa Tomahawk, Nga sẽ chỉ có thời gian cảnh báo từ 2-5 phút trước một cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ.

Nga đã phát triển một thế hệ vũ khí chiến lược mới đảm bảo an ninh chiến lược của Moscow trong nhiều thập niên tới (Ảnh AP)

Giai đoạn này, các nhà hoạch định quân sự Mỹ bắt đầu phát triển khái niệm “Tấn công nhanh toàn cầu”, một sáng kiến đề xuất phóng hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn tên lửa đạn đạo hành trình thông thường để vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân và tiêu diệt lãnh đạo của đối thủ. Các bước này đã thúc đẩy Nga kích hoạt lại hệ thống kiểm soát hạt nhân tự động “Perimeter” thời Liên Xô, được biết đến nhiều hơn ở phương Tây với tên gọi “Bàn tay thần chết”, cho phép tự động phóng vũ khí hạt nhân của Nga nếu đối thủ thực hiện thành công cuộc tấn công phủ đầu và loại bỏ các trung tâm ra quyết định của Nga.

Trong môi trường lòng tin bị xói mòn và các hiệp ước bị suy yếu hoặc bị hủy bỏ, Nga đã phát triển một thế hệ vũ khí chiến lược mới bao gồm Poseidon, đầu đạn siêu thanh Avangard, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa siêu thanh Kinzhal. Đây là các dòng vũ khí chiến lược thế hệ mới đảm bảo an ninh chiến lược của Moscow trong nhiều thập niên tới, giúp duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và gây ra những tổn thất nặng nề cho đối thủ để loại bỏ khả năng đối thủ bất ngờ tấn công trước nhằm vào Nga./.

Thứ Tư, 11:32, 28/06/2023