Bộ phải chịu trách nhiệm nếu nợ, chậm văn bản
VOV.VN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Không thể để văn bản nợ đọng, chậm trễ.
Sáng 6/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực pháp luật từ thời điểm 1/7/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Báo cáo tổng hợp tình hình ban hành văn bản, đến nay, các bộ, cơ quan Chính phủ đang còn nợ 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trở về trước, bao gồm 21 nghị định, 3 thông tư.
Trong 24 văn bản nợ đọng này của 6 bộ, Bộ Công an có 15 văn bản (gồm 12 nghị định, 3 thông tư); Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 nghị định, Bộ Công Thương 4 nghị định, Bộ Tư pháp 1 nghị định, Bộ Y tế 1 nghị định, Thanh tra Chính phủ 1 nghị định…
Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị, Tổ công tác có báo cáo với Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các bộ, ngành phải có trách nhiệm, trong đó, nếu văn bản xin ý kiến phải nêu rõ bao nhiêu ngày, không có thời hạn cuối cùng chẳng ai kiểm điểm, chẳng ai làm gì.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng thừa nhận khâu yếu hiện nay là khâu phối hợp, chậm ngay từ việc cử người phối hợp.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, không thể để văn bản nợ đọng, chậm trễ.
Với văn bản còn nợ đọng, các Bộ trình Chính phủ trước ngày 1/3. Còn văn bản có hiệu lực từ 1/7/2020, cố gắng trình chậm nhất vào 15/4 để hoàn thiện các thủ tục tiếp theo. Cơ quan phối hợp phải trả lời nhanh cho cơ quan chủ trì. Khi đã có ý kiến thành viên Chính phủ, các vụ thuộc Văn phòng Chính phủ phải xử lý, nếu Bộ nào nợ đọng, vụ đó chịu trách nhiệm./.