Bổ sung quy định điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán

Việc quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán nhằm giúp thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII

Chiều 3/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011 và thảo luận về dự kiến Chương trình trên.

Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ có tổ chức.

Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong Luật, đồng thời có một số nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường. Chính vì vậy, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trình Quốc hội tại Kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung 20 Điều và bãi bỏ 1 Điều trong tổng số 136 Điều của Luật hiện hành.

Nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường thông qua việc bổ sung hành vi vi phạm trong kinh doanh chứng khoán và chế tài xử phạt; khuyến khích và đẩy mạnh giao dịch chứng khoán trên thị trường có tổ chức trên cơ sở quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Dự thảo Luật cũng tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán thông qua việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cũng như nội dung công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; mở rộng đối tượng áp dụng quy định về quản trị công ty theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; một số sản phẩm mới; một số điều kiện phát hành chứng khoán.

Bên cạnh việc khắc phục được một số bất cập trong Luật hiện hành, có ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật vẫn còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để, một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, trong đó có việc, số lượng các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong những năm qua rất lớn (hiện có trên 100 công ty chứng khoán), trong số này có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường có biến động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân của thực trên là điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo quy định của Luật hiện hành chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện: Đủ vốn pháp định, có trụ sở và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán là quá dễ dàng đối với loại hình kinh doanh có điều kiện này. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để đảm bảo các công ty này đủ năng lực hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại Điều 62 Luật Chứng khoán theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Cũng trong buổi làm việc chiều 3/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao với Chương trình này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên