Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ những quyết định "cân não" thời kỳ đỉnh dịch Covid-19
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, thời điểm đỉnh dịch, ông phải gọi điện yêu cầu như vậy mới thông quan được hàng viện trợ phòng chống dịch, dù làm thế chưa đúng quy tắc.
Sáng nay 9/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Tại sao phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đảm bảo?
Là người đầu tiên trong số 3 đại biểu đăng ký phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề việc chi trước, quyết toán sau có nằm trong kế hoạch chi hàng năm hay không và việc này đang diễn ra là chưa đúng quy định luật ngân sách. Tuy vậy, do bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngân sách khó khăn nên ông vẫn đồng tình bổ sung dự toán chi.
Về kế hoạch vốn 2022 của các địa phương, ông đề nghị cần quan tâm dự toán để sau này đảm bảo nếu có vay phải dự toán cho đúng, không phải điều chỉnh tăng giảm hàng năm như hiện nay.
Liên quan đến điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp băn khoăn tại sao phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 2 đơn vị này không đảm bảo theo quy định hàng năm mà đề xuất điều chỉnh vốn chi thường xuyên?
Cụ thể như đề nghị bố trí 390 tỉ đồng cho 43 dự án để thanh toán giá trị khối lượng theo biên bản nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành, ông Phạm Văn Hoà đề nghị làm rõ 43 dự án này đã hoàn thành sao lại không có vốn chi trả?
Rồi việc đề xuất chi cho các dự án khác, trong đó có xây dựng trụ sở mới, sửa trụ sở, theo ông Hoà, điều đáng quan tâm hầu hết trụ sở của cơ quan thuế, hải quan rất đồ sộ, khang trang, có diện tích rộng, có nơi có người ở không hết.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thì đặt câu hỏi: Tại sao các dự án của Bộ Tài chính lại không có trong danh mục đầu tư công trung hạn mà bây giờ phải sử dụng nguồn chi thường xuyên để thanh toán cho chi đầu tư phát triển? Việc điều chỉnh lần này có đủ tiền thực hiện dự án chưa hay lại sẽ điều chỉnh tiếp?
Liên quan điều chỉnh vốn vay, ông Tạ Văn Hạ cũng cho rằng làm rất chậm trong khi nhiều địa phương đề nghị từ lâu. Ông băn khoăn, việc lập dự toán có gì đó chưa sát khi mà có đơn vị thiếu phải vay nhưng có đơn vị dùng không hết.
“Không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ”
Giải trình ý kiến của các đại biểu về bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, thực tế những khoản này đã chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, khoản viện trợ nước ngoài là khoản không có dự toán trước, vì phụ thuộc nước ngoài. Căn cứ vào báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì Bộ Tài chính mới tổng hợp được.
Ông Hồ Đức Phớc nêu, đặc thù năm 2021 - 2022 chủ yếu là tài trợ phòng chống dịch, như kit test, vaccine và tài trợ trực tiếp địa phương, các địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch rồi thì mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính. Việc làm này nhiều đơn vị rất bị động.
“Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc” - ông Hồ Đức Phớc nói. Dẫn chứng thời điểm đỉnh dịch tại TPHCM, lúc này chết rất nhiều người, theo quy định phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục thì hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan, thậm chí Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được nhận.
“Lúc đó tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nói “Tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết phải cho BCĐ chống dịch nhận vaccine, kit test, nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Lúc này Cục Hải quan TP.HCM mới đồng ý cho xuất hàng. May là sau này tập hợp hồ sơ đầy đủ” – ông Phớc chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính mong đại biểu thấu hiểu, bộ luôn chủ động trong phạm vi của mình, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải ‘hết sức sáng tạo’ trong bối cảnh như vậy và phần xin bổ sung chủ yếu là phòng chống dịch.
Về điều chỉnh dự toán vay nước ngoài, ông Hồ Đức Phớc giải trình, việc điều chỉnh dự toán không đưa sang năm 2023 được vì ảnh hưởng bội chi. Bởi, việc điều chỉnh dự toán vay nước ngoài này đảm bảo tổng dự toán Quốc hội phê chuẩn không thay đổi, chúng ta có chính sách vay và cho vay lại.
Ví dụ các tỉnh Tây Bắc có thể vay lại 10-20%, còn lại ngân sách trung ương đảm bảo. Ngoài hạn mức này thì sẽ không triển khai được, nên vừa rồi có một số địa phương triển khai không hết xin trả lại, cũng có tỉnh triển khai hết nhưng lại còn khối lượng muốn giải ngân nên muốn xin thêm để triển khai.
Về điều chỉnh kinh phí liên quan Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, dẫn ví dụ sân bay Long Thành, khi hoàn thành thì phải có trụ sở hải quan để xuất nhập khẩu hàng hoá những lúc đầu không được bố trí vốn đầu tư công để xây trụ sở. Vừa rồi Bộ Tài chính ý kiến, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT bố trí vốn bổ sung.
“Chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên để bố trí chi đầu tư phát triển là định hướng tốt, phù hợp với bản chất quản lý, điều hành. Tuy nhiên không có dự toán từ đầu năm trong vốn đầu tư công, lý do nhu cầu nhiều, vốn đầu tư công bố trí đầu nhiệm kỳ/đầu năm còn hạn chế” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ./.